Có thời hưng thịnh nức tiếng ở xứ Huế, cũng có giai đoạn trầm lắng, nhưng giờ đây, làng nghề mây tre đan Bao La đã thực sự khởi sắc. Hy vọng mới cho một điểm đến du lịch của xứ Huế từ làng nghề mây tre đan Bao La hoàn toàn có cơ sở.
Nghề cũ của làng xưa
Làng Bao La nằm ở bờ bắc sông Bồ, thuộc huyện Quảng Điền, bao gồm phần đồng bằng các xóm: Đình, Hóp, Đông, Cầu, Chùa, Chợ và một phần là vùng cát nội đồng ven phá Tam Giang. 6 xóm của làng Bao La liền nhau tạo thành hình vòng cung ôm lấy cánh đồng làng.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề mây tre đan đã hiện diện ở Bao La từ hơn 600 năm trước. Xưa, cả làng đều làm nghề đan, cứ xong mùa vụ gieo cấy hoặc gặt hái là nhà nhà mang tre ra để đan. Từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều có thể tham gia vào công việc đan lát tùy mức độ công việc và kinh nghiệm. Sản phẩm đan bằng tre ở làng Bao La rất phong phú: Có sản phẩm đan theo kiểu lòng thúng như thúng, mủng, nang, trẹt; có sản phẩm lại đan theo kiểu lòng mốt như rổ rá; lại có sản phẩm đan theo kiểu lòng hai như dần, sàng, lồng bàn.
    |
 |
Nhiều người dân địa phương vẫn gắn bó với nghề truyền thống của làng. |
Thường thì để có một sản phẩm hoàn chỉnh, những người thợ thủ công ở Bao La phải trải qua các công đoạn khác nhau như: Chẻ tre, vót (chuốt), gầy, đan, lát, lận, nứt. Tre được chọn để vót nan phải là loại tre già dài lóng. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài-ngắn, rồi chẻ tre thành từng thanh có độ dày-mỏng, to-nhỏ khác nhau. Muốn đan, trước hết phải gầy, nghĩa là sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm. Khi đã gầy xong, người thợ mới đan bằng cách gài nan này với nan khác theo nguyên tắc chồng chéo trên dưới để cho chúng tự giữ chặt với nhau.
Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan nong mốt, nong hai, lục giác... Đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm. Cũng là đan nhưng đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn thì người ta gọi là đát. Đát bao giờ cũng lâu và cần tỉ mỉ hơn đan. Nhưng nếu chỉ đan hoặc đát xong thì chưa thể tạo thành sản phẩm. Người thợ sẽ phải lận để tạo hình dáng cho sản phẩm bằng cách chuẩn bị cặp vành, gồm vành trong và vành ngoài, rồi khéo léo đưa mảng đan bằng tre (còn gọi là cái mê) sao cho nằm lọt vào bên trong cặp vành. Công đoạn cuối cùng dùng mây để buộc vành trong, vành ngoài và cái mê lại với nhau theo một cách riêng, vừa đẹp vừa bền gọi là nứt.
Ông Nguyễn Ló, 86 tuổi, người dân làng Bao La, cho biết: “Từ ngày bé tôi đã biết nghề truyền thống của làng. Nghề này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Thêm nữa, sự khéo léo của bàn tay người thợ cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm”.
Nỗ lực giúp làng nghề hồi sinh
Hơn nửa thế kỷ trước, khi đồ gia dụng nhựa chưa chiếm lĩnh thị trường là thời kỳ hoàng kim của làng nghề mây tre đan Bao La. Từ chợ Đông Ba, các sản phẩm của làng nghề mây tre đan tỏa đi khắp các vùng miền lân cận. Thế nhưng, sự xuất hiện của đồ gia dụng nhựa với mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp khiến làng nghề truyền thống lao đao. Đó cũng là lý do mà Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La ra đời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho biết, nhìn những sản phẩm của làng nghề không còn được chờ đón, chứng kiến những người dân bao năm gắn bó với nghề loay hoay tìm kế mưu sinh nên ông cùng 4 người nữa quyết định chung sức thành lập HTX Mây tre đan Bao La với mong muốn vực dậy làng nghề. “Năm 2007, HTX chính thức thành lập. Không có vốn, chúng tôi lấy sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Không có trụ sở làm việc, chúng tôi đành nhờ địa điểm ở đình làng. HTX cũng xác định để sản phẩm mây tre đan Bao La đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng thì người dân làng nghề buộc phải phát triển thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thay đổi cách thức tổ chức sản xuất”, ông Dinh chia sẻ.
HTX Mây tre đan Bao La ra đời được xem là hướng đi mới giúp nghề truyền thống nơi đây hồi sinh. Từ chỗ thiếu nhân công, đến nay, HTX có tới 130 thành viên, trong đó 80 người làm việc trực tiếp tại HTX, còn lại làm tại gia đình. Từ chỗ loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, HTX đã có những đối tác đặt hàng thường xuyên và nhiều sản phẩm được xuất đi nước ngoài. Từ chỗ chỉ có những sản phẩm mây tre đan truyền thống như: Rổ rá, nong, nia, dần, sàng, thúng, mủng... thì nay, HTX đã sản xuất hơn 500 mẫu mã, nhiều sản phẩm mang dáng dấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người sử dụng. Trong đó có các loại đèn trang trí với hình dáng và kích cỡ khác nhau như: Đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu... rồi các các sản phẩm ngư nghệ như: Ghe đua, ghe buồm, chơm cá... phục vụ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và khách du lịch. Doanh thu của HTX tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Hứa hẹn một điểm đến du lịch
Chủ trương phát triển du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đã được đưa vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Làng nghề mây tre đan Bao La cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Sản phẩm của làng nghề được quảng bá tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.
Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, cho biết: “Năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ HTX xây dựng nhà trưng bày sản phẩm trong khuôn viên rộng gần 1ha. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất, kêu gọi xã hội hóa để xây dựng thêm nhà lục giác trong khuôn viên này làm nơi trải nghiệm đan lát cho du khách. Hiện nay, HTX Mây tre đan Bao La đã có hơn 500 mẫu sản phẩm. Tuy nhiên, để du khách có thể lựa chọn sản phẩm của làng nghề làm quà lưu niệm thì cần phải đa dạng mẫu mã, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm gọn nhẹ. Ngoài ra, việc tìm kiếm đối tác ký hợp đồng trực tiếp để xuất khẩu sản phẩm chứ không qua khâu trung gian như hiện nay, rồi quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, festival cũng là điều mà chính quyền địa phương lưu tâm”.
    |
 |
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La. |
Được biết, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khảo sát để đưa làng nghề Bao La thành điểm tham quan du lịch... Thực tế đã có nhiều công ty du lịch chọn làng nghề Bao La là điểm đến cho du khách trong hành trình khám phá Huế... Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến với làng nghề Bao La chưa nhiều. Theo ông Võ Văn Dinh, để làng nghề mây tre đan Bao La thực sự trở thành điểm đến du lịch thì trước nhất cần phải khai thác triệt để kinh nghiệm, tri thức của các nghệ nhân có tay nghề cao. Thêm nữa, cần có những chính sách, biện pháp để thu hút lao động trẻ giúp cho họ hiểu hơn về những giá trị của nghề truyền thống. Bởi họ chính là những người giữ vai trò quyết định đối với việc bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan trong tương lai.
Ngoài ra cũng cần chú trọng việc thiết kế mẫu mã cho sản phẩm vừa mang phong cách truyền thống, vừa mang phong cách hiện đại, nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, làng nghề cũng cần tập trung phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm phục vụ các tiện ích sinh hoạt hằng ngày, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch như: Quạt tre, mũ nón, gối tre...
Những kết quả đạt được bước đầu có thể thấy, làng nghề mây tre đan Bao La là một điển hình cho sự thích ứng và phát triển phù hợp với bối cảnh mới. Hy vọng trong tương lai gần, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, Bao La sẽ là điểm đến thú vị trong hành trình về xứ Huế.
Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY