Những ngày qua, thời tiết ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ nóng bức lạ thường. Chiều muộn ngày 27-4-2010, từng đám mây chì vần vũ, báo hiệu một cơn giông sắp đến. Trong cái oi nồng ngột ngạt, giữ đúng hẹn với nhà thơ Hồng Oanh (thành viên Ban tổ chức), tôi phóng xe máy ngược ra xa lộ Hà Nội, hướng đông bắc. Vượt cầu Sài Gòn, chạy thêm một thôi nữa, đã thấy chiếc cầu sắt cũ kỹ hiện ra trước mặt. Bên cạnh, một cây cầu bê tông vĩnh cửu đang hiện rõ hình hài. Vùng đất bom cày đạn xới thuở nào giờ mướt mát màu xanh. Sự bề bộn ngổn ngang của một công trường xây dựng dễ khiến cho người đời lãng quên cây cầu được xây bằng xương máu một thời, mỗi khi qua lại chốn này.

Tới chân cầu Rạch Chiếc, rẽ phải theo con đường đất thêm vài mươi thước, sừng sững một tấm bia màu huyết dụ, khiêm nhường nép mình dưới lùm cây ô rô cóc kèn. Tất cả được xếp đặt nghiêm ngắn trên cái doi đất chừng hơn chục thước vuông. Bia cao khoảng hai thước, hình khối cân xứng, trên đỉnh là ngôi sao năm cánh. Mặt bia trầm mặc quay ra bến vượt vàm Rạch Chiếc, phía trước bên trái là quận Thủ Đức, bên phải là quận 9. Thân bia được khắc dòng chữ: “BIA TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ HY SINH TẠI CẦU RẠCH CHIẾC”. Tam cấp ốp đá, lư hương trang trọng ở giữa, thêm dãy ghế đá bên phải sát rìa nước để những người đến viếng thăm có chỗ nghỉ chân.

Mấy chục con người có đủ nam phụ lão ấu đang tề tựu trước tấm bia. Họ là những cựu chiến binh từng dự trận Rạch Chiếc, quân phục bạc màu, dáng vẻ phong trần, song gương mặt ai nấy đầy xúc động. Trong số này có đại úy Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81; các bác Nguyễn Văn Thuật, Phạm Đăng Nhân, cựu binh của Lữ đoàn 316,… Tuy nhiên, phần đông những người có mặt lại vốn là “dân ấp, dân lân” chưa từng trận mạc, vì mến nghĩa, trọng tình và cảm kích trước sự hy sinh vô bờ bến của các liệt sĩ mà tự nguyện tề tựu về đây. Đó là nét độc đáo và cảm động của lễ giỗ trận lần này. Họ đến bằng tất cả tấm lòng tự nguyện, thành kính, coi các liệt sĩ như người thân của mình. Gia đình anh Đặng Văn Hưng, quê mãi tận Hải Phòng, hiện là công dân quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, có đủ cả vợ chồng, con trai, con gái, con rể. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, anh vẫn thường nhắc nhở con cháu rằng, mình có được cuộc sống hôm nay phải biết tri ân các anh hùng liệt sĩ…

Các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 thắp nhang viếng đồng đội. Từ trái sang: Đại úy Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81. Người thứ tư là Nguyễn Văn Thuật, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, trực tiếp tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc (28 đến 30-4-1975). Ảnh: Tuyên Huấn

35 năm về trước, Rạch Chiếc là một trong bốn cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Nếu cây cầu này bị đánh sập, con rạch rộng và sâu này sẽ biến thành con hào vô cùng lợi hại ngăn chặn đường tiến công của các cánh quân ta vào thành phố, tạo điều kiện cho lực lượng địch còn lại ở vòng ngoài kìm chân ta, phục vụ cho ý đồ “tử thủ” Sài Gòn của chúng. Tại đây đã diễn ra trận huyết chiến giữa bộ đội ta với lực lượng bảo an và thủy quân lục chiến ngụy được trang bị mạnh, có xe tăng, trực thăng và giang thuyền yểm trợ. Các đơn vị đặc công, biệt động cánh Đông tham gia đánh chiếm cầu Rạch Chiếc gồm: Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 (Lữ đoàn 316). Trận chiến giằng co vô cùng ác liệt, được chia thành nhiều đợt, bắt đầu từ 3 giờ sáng ngày 28-4-1975. Vấp phải sự phản kích điên cuồng của địch, có lúc lực lượng ta bị dội ra, buộc phải lui về tuyến sau. Khi bắt được hai chiến sĩ đặc công, bọn địch man rợ chặt đầu các anh bêu ở gầm cầu, hòng uy hiếp tinh thần quân ta. Đến 8 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ cây cầu. Ngay sau đó, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) đã rầm rập băng qua cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào nội đô, húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập… 11 giờ 30 phút, lá cờ chiến thắng phấp phới tung bay trên hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.

Sau hơn hai ngày đêm chiến đấu, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, phần lớn các anh đều vĩnh viễn nằm lại dưới vàm Rạch Chiếc. Do nhiều đơn vị phối thuộc nên ngay cả những người chỉ huy còn sống cũng không nắm được danh tính và bản quán của các liệt sĩ đã tham dự trận cuối cùng này. Hàng chục năm sau chiến tranh, đã có rất nhiều bà con từ miền Bắc, thân nhân của các gia đình liệt sĩ lặn lội đến đây thắp cho con em mình một cây nhang. Họ ngược xuôi hai đầu cầu chỉ mong sao tìm ra một chỗ có thể cắm cây nhang… Từ nỗi đau khôn nguôi ấy, đầu năm 2006, một tấm bia đã được dựng lên khá nhanh ngay ở chân cầu phía nam, trên địa bàn quận 2, bởi tâm nguyện và công sức của những người đồng đội cũ và những người dân rất đỗi bình thường. Họ muốn có một nơi chốn đầm ấm, tiện lợi để đón rước hương hồn các liệt sĩ trong các dịp lễ trọng hằng năm, đặc biệt lễ mừng chiến thắng 30-4. Có thể nói, đây là tấm bia tri ân của lòng dân…

Khi tôi đến nơi thì phẩm vật được bày biện gần kín trước bia, khói hương nghi ngút. Lễ mọn, tâm thành. Có đủ heo quay, gà luộc, bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh mì, xôi trắng, chè sen. Thức uống có rượu nếp, bia, nước ngọt. La liệt trái cây và hoa, nhang và nến. Chén đũa, ly tách xếp thành hàng ngay ngắn. Ba chiếc điếu cày mới, cùng rất nhiều thuốc lào, thuốc lá, chè móc câu, vàng mã, v.v… Sau lễ khấn tế của Ban tổ chức, từng người nối nhau lặng lẽ thắp nén nhang thơm kính cẩn mời anh linh các liệt sĩ về thượng hưởng. Đại úy Trần Xuân Kiện nghèn nghẹn nhắc hai thanh niên đang thông điếu và châm đóm: “Đốt thêm thuốc lá cho anh em mỗi người một, hai điếu gì cũng được. Mấy ngày đánh nhau, có ai được hơi thuốc nào đâu, các em ơi”. Tất cả mọi người lặng đi trong giây lát, các chị, các cô mắt đỏ hoe, sùi sụt. Tiếp nối mạch thơ của chị Hồng Oanh, các cựu chiến binh lần lượt dâng đọc những vần thơ mộc mạc, tưởng niệm những người con trung hiếu đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cựu chiến binh Phạm Minh Hào, nước mắt lăn dài trên gò má, giọng trầm xuống: Vần thơ ấp ủ bấy lâu nay/ Gửi xuống dòng sông, mảnh đất này/ Kính viếng hương hồn người chiến sĩ/ Suối vàng dưới ấy, nỗi lòng đây. Một bè hoa, rồi từng nhành hoa lần lượt được thả xuống vàm sông. Trên bờ, ngọn lửa hóa vàng mã như reo, như múa… Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm thấy lòng mình được an ủi rất nhiều.

Gần tàn cuộc, vẫn còn người mang lễ vật đến dâng hương. Nụ cười và cái bắt tay tự nhiên như quen biết tự bao giờ. Mọi người nhường nhau ngồi xếp bằng ngay dưới đất, véo nắm xôi, nâng ly bia, mắt nhìn nhau chếnh choáng. Trên đầu, những đám mây xám tan biến tự lúc nào chẳng rõ. Vòm trời thành phố dường như cao thêm, xanh hơn và rộng đến khôn cùng.

Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC