Tiếng ho lo hơn tiếng súng
Trong các dấu hiệu lâm sàng của hiện tượng nhiễm bệnh Covid-19 (sốt, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác, đau nhức cơ, khó thở...) thì ho là biểu hiện điển hình nhất. Ho chứng tỏ có sự tổn thương từ phổi (cơ quan hô hấp quan trọng của người). Ho là sự phản ứng của cơ thể kèm theo sốt, mệt mỏi, thiếu dưỡng khí... Nhiều bệnh nhân Covid-19 phải điều trị bằng máy thở và có những trường hợp dễ bị tử vong nếu thiếu máy móc hoặc máy không bảo đảm đúng tính năng điều trị...
Và đáng lo hơn là hệ lụy mà tiếng ho đem lại: Ho làm cho virus Corona có nguy cơ tán phát nhanh trong cộng đồng. Đây là đường lây truyền chủ yếu. Chỉ cần tiếp xúc với người được xếp vào nhóm F0 là có nguy cơ bị nhiễm. Chủng mới (Delta, Gamma...) còn nguy hiểm hơn nhiều. Chúng tồn tại, lơ lửng trong không khí môi trường dịch bệnh và lây lan hàng loạt. Những con số bệnh nhân mới mà Bộ Y tế thống kê vẫn chưa dừng lại theo từng ngày. Nghe tiếng ai đấy ho có thể là báo hiệu mắc Covid-19. Nghe tiếng ho quả là lo hơn nghe tiếng súng: "Ngày xưa súng đạn ta lo/ Bây giờ ta sợ tiếng ho bất thường".
Tiếng hát át tiếng ho
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng đối mặt với gian nguy, thử thách. Bình tĩnh, không hoảng loạn và nhanh chóng tìm phương sách đối phó, những chiến dịch chống Covid-19 rất bài bản đã giúp Việt Nam ta khoanh vùng, dập dịch và từng bước khống chế được dịch bệnh. Đó không phải là chuyện “lên gân” hô khẩu hiệu, duy ý chí mà là sự chung sức chung lòng. Mà cao hơn là tinh thần lạc quan vượt lên tình huống tưởng bi quan: "Ngày xưa yêu nước đứng lên/ Bây giờ yêu nước ngồi yên ở nhà".
Cách ly, giãn cách với tinh thần “5K” đã thể hiện triệt để trong câu ca dao này. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiệm vụ số một của mọi người dân là “cách ly toàn diện” và “giữ khoảng cách tối thiểu 2m”. Nếu không thì nguy cơ lan tỏa của dịch sẽ còn nhanh hơn “thùng thuốc súng”:
Một yêu chăm chỉ nằm nhà
Hai yêu ăn nói mặn mà... qua “phôn”
Ba yêu sát khuẩn bằng cồn
Bốn chê tụ tập làm ồn, chớ theo...
Tiêu chuẩn “mười yêu” ngày xưa và trong mùa dịch hôm nay đã khác. Đó là “mười yêu tình huống” bởi nếu không, “tình em và tình anh” sẽ gặp rủi ro, không còn đẹp nếu ta cứ ngày và đêm bên nhau:
Yêu em anh cũng muốn sang
Nhưng vì vướng cái khẩu trang hai người
Thôi đành “thương miệng thương môi”
“Gửi hôn cho gió” chân trời xa xa.
“Một chuyến ship hàng, gửi cho nàng xa cách”. Trong tình hình bắt buộc phải “ngăn sông cấm chợ” thì một sự chia sẻ, hỗ trợ của mọi người, của mẹ và con, của anh và em, của hàng xóm với hàng xóm là cần thiết. Đó là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong lúc tối lửa tắt đèn. Người nào đó gặp khó khăn không khắc phục được thì những người khác không đành lòng ngồi im, bỏ mặc. Tình làng xóm, nghĩa đồng bào bây giờ mới có cơ hội thể hiện rõ nhất, cần thiết nhất, nhân văn nhất. Có nhiều tình huống rất đặc biệt, người già, người ốm, người neo đơn, thương binh nặng... đã được bà con, cộng đồng chung tay cứu giúp:
Em đâu chỉ ấm thân mình
Em còn có một gia đình sẻ chia
Mẹ già chờ đợi phố kia
Bạn cùng lớp cũng vừa đi viện về...
“Người người cách ly/ Nhà nhà cách ly/ Chung tay ngăn chặn/ Cô vit cô vi”. Toàn dân ta, mọi người không đơn độc, tay nắm tay cùng ca bài ca đoàn kết. “Tiếng hát át tiếng ho” đã phản ánh tinh thần đó. Những chương trình ca nhạc, những gameshow, những cuộc giao lưu từ thiện, những trang thơ... khắp nơi nơi hướng về các điểm tâm dịch: Hải Dương, Bắc Giang và bây giờ là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Bằng sức mạnh và niềm tin, cả đất nước ta đang gồng mình hết sức, với “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” (trích “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh) để giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống nhân dân.
Từ ngữ mới nhân mùa Covid-19
“Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống-tinh thần này được thể hiện rất rõ trong cuốn sách “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” của GS Hoàng Tuệ (NXB Trẻ, 2019). Trong chiến dịch chống Covid-19 của chúng ta, đã có nhiều từ ngữ mới xuất hiện mà các nhà biên soạn “Từ điển tiếng Việt” đang cân nhắc đưa vào “Từ điển Từ mới” (cập nhật hằng năm). Chúng tôi chưa khảo sát và thống kê được hết, nhưng có thể “nhặt ra” và giới thiệu một số từ tiêu biểu:
Corona là thuật ngữ y học đặt theo tiếng Latin. Tiếng Anh là crown, có nghĩa là "vương miện”. Xuất phát từ hình thể giống như một cái vương miện của chủng virus mới phát hiện này mà người ta gán cho nó cái tên là virus Corona. Nhưng buồn thay, cái tên vốn dùng chỉ "mũ nhà vua" khi xưa và hiện nay được gọi chiếc "mũ đặt lên đầu các cô gái đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi sắc đẹp lớn" (thi hoa hậu chẳng hạn) đang trở thành nỗi khiếp sợ kinh hoàng về một thảm họa bệnh lý lớn nhất mà con người phải gánh chịu từ cuối năm 2019.
Toang là một từ lóng, ám chỉ sự đổ vỡ, sự mất mát, sự hủy bỏ một kế hoạch nào đó hay kết thúc của một quá trình nào đó. Bây giờ “toang” dùng chỉ tình thế một quốc gia, một địa phương nào đó không có biện pháp “khoanh vùng, dập dịch” hữu hiệu, làm cho virus Corona bùng phát (nhiều và rộng) “ngoài tầm kiểm soát”.
Dương tính (mang tính dương) và âm tính (mang tính âm) là hai thuật ngữ hóa sinh, được sử dụng trong chẩn đoán y học. Dương tính chỉ "kết quả xét nghiệm có mầm bệnh đối với một số bệnh nào đó". Quy trình xét nghiệm virus Corona (Covid-19) sẽ cho ra kết quả (âm tính hay dương tính). Và như mọi người đều biết, khi bệnh nhân dương tính sẽ được xếp ngay vào đối tượng cách ly, điều trị ngay, nếu không rủi ro sẽ cận kề. Còn ai đó nhận kết quả "âm tính" thì sẽ tạm thở phào vì ít ra đến lúc đó, họ không bị coi là "đối tượng" đáng lo ngại với đại dịch đáng sợ này. Hiện nay, các bộ kit xét nghiệm nhanh, chính xác đang được sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu chẩn đoán Covid-19 kịp thời.
Vaccine, một từ nhập từ tiếng Pháp (gốc Latin là vaccina), chỉ "yếu tố mang mầm bệnh đã giảm độc tính, dùng đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch, chủ động phòng bệnh". Trong thời gian vừa qua, trên thế giới đã có hàng chục loại vaccine chống Covid-19 lưu hành. Việt Nam đã đồng ý cấp phép cho nhiều loại vaccine được sử dụng: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfize/BioNTech, Moderna, Jansen...
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH