Mùa của phim ngoại

Tương tự như những năm trước, hè 2018 lại là thời điểm các nhà phát hành phim ở thị trường Việt Nam tung ra hàng loạt phim dành cho trẻ em. Và cũng lại tương tự những năm trước, hè năm nay, phim ngoại chiếm ưu thế tuyệt đối. Đó là “Kikoriki: Du hành vượt thời gian”, một bộ phim hoạt hình của Nga đặt bối cảnh thế giới giả tưởng nơi việc du hành thời gian chỉ là một tour du lịch. Là “Doraemon: Nobita và đảo giấu vàng”-tập phim thứ 38 về Doraemon và những người bạn. Bộ phim có doanh thu lên đến 53 triệu USD tại Nhật Bản và trở thành phần phim Doraemon ăn khách nhất từ trước đến giờ. Là “Giải cứu Tí Nị”-bộ phim hoạt hình của Hồng Công (Trung Quốc) mang thông điệp tích cực về mối quan hệ giữa trẻ con và đồ chơi. Là “Ong nhí phiêu lưu ký: Đại chiến cúp ong mật”-phần 2 của bộ phim “Ong nhí phiêu lưu ký” ra mắt năm 2014. Hay bộ phim “bom tấn” của Hãng Walt Disney có tên “Incredibles 2” (tạm dịch: Gia đình siêu nhân 2)-bộ phim về gia đình siêu anh hùng vốn từng khuấy đảo phòng vé khắp thế giới vào năm 2004…

leftcenterrightdel
Tạo hình Lạc Long Quân và Âu Cơ trong phim “Con Rồng cháu Tiên”. Ảnh: Hãng phim Trẻ

Bộ phim “made in Vietnam” duy nhất được dán nhãn P (dành cho mọi đối tượng) khi ra rạp là “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi lại mang nội dung không thực sự dành cho trẻ em!

Ngược lại vài năm trước, hè 2017 có hai phim Việt dành cho trẻ em là “Vú em tập sự” (đạo diễn: Bùi Văn Hải) và “Anh em siêu quậy” (đạo diễn: Lê Bảo Trung). Tính chung cả năm 2017, có tới gần 60 phim Việt được sản xuất, nhưng chỉ có 2 phim dành cho trẻ em. Năm 2016, khoảng 40 phim Việt được sản xuất và chỉ có 1 phim cho trẻ em. Những năm trước nữa, cơ bản tình hình cũng không sáng sủa hơn. Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, người “có duyên” với phim trẻ em, làm phim trẻ em rất khó, đặc biệt là việc đào tạo các diễn viên nhí. Vì thế, phần lớn các đạo diễn phim trẻ em đều chuyển sang làm phim hoạt hình. Và phim hoạt hình Việt thì vẫn đang đeo đẳng giấc mơ ra rạp!

Phim truyền hình cũng thiếu!

Những bộ phim truyền hình dài tập như: “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “12A và 4H”, “Những nẻo đường phù sa”, “Đất phương Nam”… từng “nổi đình nổi đám” trên sóng truyền hình. Mỗi tập phim được không chỉ đối tượng thanh, thiếu nhi mà cả người lớn mong đợi. Sự thành công của phim truyền hình dành cho thanh, thiếu nhi đã được khẳng định. Thế nhưng, sau sự thành công ấy, trên sóng các đài truyền hình vắng tanh bóng phim Việt. Thậm chí, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC), phim chuyên biệt dành cho thanh, thiếu nhi sẽ tiếp tục thiếu vắng trong một thời gian rất dài nữa.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng thiếu vắng phim truyền hình dành cho thanh, thiếu nhi là do quy trình sản xuất dài, khiến các diễn viên phải theo đoàn làm phim ít nhất 4-5 tháng. Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới việc học văn hóa của các em. Vì thế, các nhà sản xuất ở VFC từng có lần “dở khóc, dở cười” khi đang đóng dở thì gia đình từ chối không cho con tham gia nữa với lý do cần tập trung vào học... Gặp tình huống này, hai bên phải ngồi lại để thỏa thuận, có thời gian viết lại kịch bản cho phù hợp với sự… biến mất của nhân vật. Mặt khác, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, các bạn trẻ ở lứa tuổi 16-17, thường rất mong muốn thể hiện khả năng nghệ thuật, thể hiện sự tìm tòi trong việc đóng phim ảnh, ca nhạc, nghệ thuật... song phần lớn chỉ là sở thích nhất thời chứ chưa xác định là để nuôi dưỡng đam mê theo hướng chuyên nghiệp, lâu dài. Làm phim dài ngày sẽ gặp nhiều áp lực, ví dụ như theo đoàn làm phim một, hai tuần thấy rất vui, hào hứng, nhưng đến tuần thứ ba, thứ tư hoặc lâu hơn là bắt đầu oải.

Le lói điểm sáng

Phim Việt dành cho đối tượng trẻ em vừa thiếu, vừa yếu. Đó là thực trạng của nhiều năm qua. Thế nhưng, trong bối cảnh không mấy tươi sáng ấy, vẫn có điểm sáng.

Gần 5 triệu lượt xem qua internet, 34 nghìn lượt yêu thích và hàng nghìn lượt bình luận tích cực chỉ sau 3 ngày phát hành, đó có lẽ là kỷ lục mới của một bộ phim thuần Việt-phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” của Hãng phim Trẻ.

Được ra mắt vào cuối năm 2017, “Con Rồng cháu Tiên” là sản phẩm của 180 ngày tâm huyết với 10.000 giờ sáng tạo của 100 nghệ sĩ. Ê-kíp làm phim đã có hai tháng để lên ý tưởng, tìm kiếm tư liệu kho tàng lịch sử, văn hóa, giáo dục dưới sự cố vấn nội dung và giá trị lịch sử của chuyên gia sử học nhiều kinh nghiệm. Để tạo nên thế giới “Con Rồng cháu Tiên”, cả ê-kíp đã tập trung và phát triển từng chi tiết nhỏ nhất. Hàng chục nghìn khung hình chỉn chu đã được vẽ nên với sự kết hợp của kỹ thuật 2D và 3D để mang đến bộ phim hoạt hình dài hơn 20 phút. Và câu chuyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ” được tái hiện mới mẻ  trong phiên bản hoạt hình. “Con Rồng cháu Tiên” không còn giới hạn ở một câu chuyện giải thích nguồn gốc dân tộc Việt, mà đã trở thành tác phẩm về niềm tự hào cội nguồn dân tộc. Âm nhạc của phim cũng được đầu tư từ bản phối, ca từ trong ca khúc để vừa thể hiện được tính truyền thống vừa gần gũi với thị hiếu. Đạo diễn Leo Dinh chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từ ngoại hình nhân vật, quần áo trang phục cho đến phong cảnh trong phim, để người xem có thể cảm được từng thước phim sống động và có thể tự hào nói rằng, đây chính là bộ phim hoạt hình của Việt Nam, không thể nhầm lẫn với một quốc gia nào khác”.

Kịch bản “Con Rồng cháu Tiên” cơ bản không mới, mọi sự sáng tạo đều bảo đảm yếu tố lịch sử và giá trị văn hóa, thế nhưng, phim vẫn mang lại một cái nhìn mới mẻ về truyền thuyết dân gian, vừa mang tính giải trí, dễ nhớ với trẻ em. Đặc biệt, nhiều tình tiết trong câu chuyện được biến tấu độc đáo như phân cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ nhau và đem lòng yêu thương, cảnh Rồng và Lạc hợp sức chống lại yêu quái… Ngoài những giá trị cốt lõi, những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ như Lạc Long Quân sau khi tiêu diệt Ngư Tinh, xác của Ngư Tinh biến thành tôm cá, mang lại nguồn sống cho con người... đều được ê-kíp sản xuất lồng ghép những bài học giáo dục cho thế hệ trẻ một cách gần gũi...

Dẫu chỉ là một điểm sáng hiếm hoi nhưng “Con Rồng cháu Tiên” đang mở ra hướng đi mới trên thị trường phim Việt dành cho trẻ em. Nhu cầu tìm hiểu về dân tộc mình, về văn hóa dân gian luôn tồn tại trong bản thể mỗi người Việt, dù ở độ tuổi thanh, thiếu nhi. Trong khi đó, dân tộc Việt có cả một kho tàng lịch sử, văn hóa với vô vàn những câu chuyện, những sự kiện hấp dẫn. Vấn đề chỉ là khả năng khai thác của các nhà làm phim. Bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” đã chứng minh, nếu được đầu tư một cách cẩn trọng, phim Việt nói chung, phim Việt dành cho trẻ em nói riêng hoàn toàn có khả năng “thuyết phục” công chúng Việt.

Điện ảnh là một sản phẩm văn hóa có hai chức năng quan trọng: Giải trí và giáo dục. Đặc biệt, với tuổi trẻ, chức năng giáo dục càng nhiều ý nghĩa. Giới trẻ có xu hướng bắt chước, học theo các nhân vật trong các bộ phim yêu thích. Thậm chí, có những bộ phim đã tạo nên các trào lưu trong xã hội. Vì thế, dù vẫn khó đủ bề nhưng điện ảnh, truyền hình Việt Nam không nên “bỏ quên” đối tượng trẻ em.

HOÀNG OANH