Ngày 7-7-1990, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Thứ bảy (nay là Báo QĐND Cuối tuần) ra số đầu. Thực ra, nó đã được hoài thai từ 4 năm trước đó.

Năm 1986, tại Phòng biên tập Văn hóa (sau đổi thành Phòng biên tập Văn hóa-Thể thao), Báo QĐND có một người đã ấp ủ về nó. Lúc ấy, Trung tá Hà Phạm Phú làm Trưởng phòng biên tập Văn hóa, thay cho Đại tá Phú Bằng. Anh Hà Phạm Phú đưa ra ý tưởng về việc ra một tờ báo tuần quân đội, chưa rõ nên đặt tên gì và “rủ” tôi làm dự án, giờ tạm gọi là “Dự án số 0” cho tiện. Chúng tôi muốn đó là tờ báo ra vào cuối mỗi tuần, để bạn đọc nói chung và bộ đội nói riêng, có thể đọc cả tuần, bổ sung cho tờ QĐND hằng ngày, vốn đã mạnh về thời sự từ lâu. Thậm chí, chúng tôi còn lẳng lặng chuẩn bị đủ “cơ số” bài cho vài ba số đầu.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Đỗ Trung Lai.

“Dự án số 0” được trình lên cấp trên, nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể tổ chức được. Ít lâu sau, anh Hà Phạm Phú chuyển ngành sang Bộ Văn hóa. Sau này, khi gặp nhau, anh Phú vẫn tiếc khi nhắc lại chuyện ấy. Năm 1989, tòa soạn Báo QĐND có Tổng biên tập mới, Đại tá Phong Hải (Phan Khắc Hải, sau này là Thiếu tướng) về thay Thiếu tướng Trần Công Mân chuyển công tác sang Hội Nhà báo Việt Nam.

Một hôm, anh Phạm Huy Khảo, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo QĐND, sang tìm tôi và bảo:

- Tổng biên tập mới nghe nói, trước đây chỗ chú có một dự án báo tuần. Chúng tôi muốn khôi phục lại dự án ấy.

Nói là làm. Anh Khảo và tôi lấy giấy “mi” báo ngày, 3 tờ gập đôi thành 6, 6 tờ là 12 trang, và tôi, theo trí nhớ, thảo lại “Dự án số 0” xưa. Anh Khảo hỏi thêm, góp ý thêm và trong buổi sáng hôm ấy, “Dự án số 1” đã được phác thảo xong để thay cho “Dự án số 0” ngày trước. Anh Khảo hoàn toàn nhất trí rằng, về nguyên tắc, báo tuần phải được viết sâu, viết kỹ, giàu tính phân tích-tổng hợp. Đặc biệt, phần văn hóa-nghệ thuật phải được tăng trang so với các phần khác, sao cho báo tuần mềm mại, sinh động, hấp dẫn, bổ sung cho tính thời sự của nhật báo.

Ít lâu sau, “Dự án số 1” được Tổng cục Chính trị (TCCT) cho phép thực hiện. Đảng ủy và Ban biên tập Báo QĐND quyết định đặt tên tờ báo mới là Quân đội nhân dân Thứ bảy (QĐND Thứ bảy), ra vào ngày thứ bảy hằng tuần.

Ngày Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm TCCT ra họp với báo để bàn cụ thể việc làm tờ QĐND Thứ bảy, không hiểu sao trước khi đến báo, ông lại tạt vào nhà tôi (lúc này, gia đình tôi còn đang được tòa soạn cho ở nhờ tại tầng 1, đầu phía nam, nhà số 8 Lý Nam Đế). Ông nói, vừa thân mật vừa thách thức một cách dân dã:

- Các cậu nói mãi rồi, nay tổng cục đồng ý cho làm. Cưỡi lưng hổ đấy, Lai ạ!

Tôi nhớ, đến phần tổ chức nhân sự cho báo tuần thì xuất hiện hai “luồng” ý kiến:

“Luồng” thứ nhất đề nghị thành lập một “Hội đồng các phó phòng” để làm.

“Luồng” thứ hai đề nghị thành lập riêng một phòng mới, gọi là “Phòng Thứ bảy”.

“Luồng” thứ hai, trình bày lý do của mình rằng: Tất cả chúng ta đều chỉ quen làm báo ngày. Báo tuần sẽ rất khác. Các phó phòng làm báo tuần, rất dễ xảy ra chuyện, bài tốt thì in báo ngày-phòng gốc, bài hạng hai mới đưa sang báo tuần! Rồi “Cha chung không ai khóc”, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tổ chức mạng cộng tác viên (CTV) riêng, chăm lo bài vở chuyên biệt cho báo tuần đây? Rồi sẽ phối hợp các phòng thế nào? Rồi in 4 màu, trình bày cũng sẽ khác. Rồi ai, phòng nào, sẽ lo phát hành và sẽ phát hành thế nào? Báo ra vào giữa năm, bộ đội chưa được cấp kinh phí mua báo, chưa có hướng dẫn của trên về việc mua báo. Biết bao khoản kinh phí phát sinh khi làm một ấn phẩm mới mà cấp trên chưa có quy chế bảo đảm v.v.. Đó là những thách thức không dễ vượt qua mà nếu không lập một phòng mới, chuyên biệt, để tự chịu trách nhiệm, thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối cùng, Đảng ủy và Ban biên tập đồng ý với “luồng” thứ hai, đề nghị cấp trên cho thành lập đơn vị cấp phòng để làm tờ QĐND Thứ bảy. Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Phạm Huy Khảo, trực tiếp phụ trách phòng.

Lúc này, vì Nhà in Báo QĐND chưa có máy in cuốn 4 màu, tòa soạn định cho “gập đôi” báo tuần, in đen trắng, như là tờ “Tuần tin tức” của TTXVN vậy!

Nghĩ đến Báo Nhân Dân Cuối tuần, ra trước đó một năm và đang in 4 màu, tôi xin lo việc đó. Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, người anh em của tôi và sau này là CTV tích cực của QĐND Thứ bảy, giới thiệu tôi với anh Ninh, chuyên viên của Nhà In Báo Nhân Dân. Anh Ninh lại giới thiệu tôi với anh Thành, Giám đốc nhà in. Tôi đề nghị anh Thành cho QĐND Thứ bảy “nợ” tiền giấy và tiền in số báo đầu. Anh Thành vui vẻ đồng ý!

Nhưng mọi cố gắng ấy sẽ để làm gì đây, nếu báo không phát hành được? Thị trường thì tất cả đều mù tịt!...

Lại may mắn lần nữa! Anh cả tôi là bạn lâu năm của anh Đức, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô (khi đó còn ở Hàng Giấy). Tôi sang gặp anh Đức đúng lúc An ninh Thủ đô đang họp CTV phát hành toàn miền Bắc (thời đó, An ninh Thủ đô là tờ báo có lượng bản in lớn, đa số lại được phát hành qua hệ thống CTV phát hành riêng của mình). Tôi đề nghị anh Đức, cuối cuộc họp, cho tôi 15 phút để giới thiệu về tờ QĐND Thứ bảy, rồi sau đó “được” mời CTV nào nhiệt tình, sang gặp gỡ Báo QĐND ngay gần đó.

Khá đông CTV phát hành của Báo An ninh Thủ đô đi cùng tôi sang số 7 Phan Đình Phùng. Tôi với anh Tân (lúc đó làm tài chính của tòa soạn) tiếp họ.

Điều họ lo nhất, thì tôi và anh Tân “đả thông” luôn:

- Nếu không bán được báo, các anh chị cứ trả lại, chúng tôi không tính tiền!

*

*         *

Ngày 7-7-1990, QĐND Thứ bảy ra số đầu, trên trang nhất có “Thư chúc mừng” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh. Số đầu ấy in 4 vạn 5 nghìn bản. 200 bản dùng để báo cáo TCCT và biếu các nơi, còn lại phát hành hết. Không một bản nào bị trả lại! Lãi số đầu, trả đi tiền giấy và tiền công in của Nhà In Báo Nhân Dân, còn đủ để làm báo dài dài (bưu điện cũng giúp ta phát hành. Lúc đầu, bưu điện chuyển QĐND Thứ bảy tới hệ thống phát hành-các CTV phát hành-mà chúng ta “mượn” tạm của An ninh Thủ đô. Do đó, phải thấy rằng, hệ thống phát hành của An ninh Thủ đô lúc đầu, có vai trò rất quan trọng trong việc đưa QĐND Thứ bảy đến với bạn đọc. Sau này, khi bạn đọc đã “quen hơi bén tiếng” với QĐND Thứ bảy, họ mới đặt trực tiếp qua bưu điện).

Khi Nhà In báo QĐND có máy in cuốn 4 màu, QĐND Thứ bảy mới chuyển về in tại Lý Nam Đế.

Một thời gian sau, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp lại qua nhà, vỗ vai tôi bảo:

- Các cậu được đấy! Đi đâu tôi cũng nói, báo tuần QĐND là niềm tự hào của báo chí quân đội. Tới đây sẽ có hướng dẫn để bộ đội mua QĐND Thứ bảy.

Đang vượng lại được bộ đội mua thêm báo, tôi xiết bao mừng rỡ!

*

*         *

Thời gian trôi đi, thứ bảy ra lại báo ngày, QĐND Thứ bảy đổi tên thành QĐND Cuối tuần; báo từ 12 trang tăng lên 16 trang. Cũng nhiều thăng trầm, biến đổi.

Nhìn lại thuở ban đầu, nếu anh Hà Phạm Phú và tôi không làm “dự án”, sớm muộn cũng sẽ có người làm. Nhưng công bằng mà nói, nếu không có ý chí chính trị-nghề nghiệp và tinh thần “đổi mới” ngày ấy của Phó chủ nhiệm TCCT Đặng Vũ Hiệp, Tổng biên tập Phong Hải, Phó tổng biên tập Phạm Huy Khảo, chắc chắn ngày 7-7-1990, QĐND Thứ bảy-QĐND Cuối tuần, chưa thể ra đời. Cũng không thể quên sự giúp đỡ của anh Thành, anh Ninh và Nhà In Báo Nhân Dân trong buổi ban đầu. Cũng không thể quên sự giúp đỡ vô tư về công tác phát hành mà các đồng nghiệp An ninh Thủ đô dành cho báo ta.

Vậy nên đến tận giờ, tôi vẫn luôn nhìn (cố) Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp; các anh Phong Hải (Phan Khắc Hải), Phạm Huy Khảo; những đồng nghiệp kiên định thuở ban đầu; anh Thành, anh Ninh ở Nhà In Báo Nhân Dân; anh Đức ở An ninh Thủ đô, bằng “biệt nhãn”.

Sống chết với nghề đâu có dễ! Nhưng nếu không sống chết với nghề, thì rất dễ thành ra kẻ cầu an-cầu lộc-cầu danh. Mà đã cầu an-cầu lộc-cầu danh, tất dễ suy đốn, khó mà chăm bẵm cho nghề nữa. Khi đó, làm người thường còn không xong, nói gì đến làm báo!

Đại tá ĐỖ TRUNG LAI - Nguyên Trưởng phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần