Có một bài thơ ngắn gọn, song lại trở thành một châm ngôn sống cho tất cả mọi người. Đó là bài thơ “Khuyên thanh niên”.
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Về xuất xứ, trung tuần tháng 9-1950, trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Bác Hồ có ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch. Người đã làm bài thơ này tặng thanh niên. Bài thơ tứ tuyệt, chỉ có 4 câu thơ, 20 từ. Rất giản dị nhưng nó lại trở thành một bài học triết lý sâu sắc.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội thi đua các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967). Ảnh tư liệu |
Xét từ góc độ “phân tích diễn ngôn” (discourse analysis), theo quan hệ cú pháp thì văn bản này có hai câu: 1. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền; 2. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên. Có thể tóm tắt nội dung thông điệp là: Ở đời, không có việc gì không thể vượt qua nếu ta biết bền gan vững chí. Ngay cả một việc lớn lao (tưởng như không thể làm được) như đào núi và lấp biển, song nếu quyết tâm đến cùng, ta cũng sẽ hoàn thành. Và cũng theo các nhà ngữ học, mọi diễn ngôn đều phải có một chủ đề. Chủ đề của bài thơ này chính là một câu tục ngữ vô cùng quen thuộc có từ truyền thống dân gian ngàn xưa: Có chí thì nên. Đó cũng chính là tứ thơ làm nên sức mạnh thần thái của bài thơ này.
Mahatma Gandhi (1869-1948), vị anh hùng dân tộc của Ấn Độ, từng nói: “Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất”. Honoré de Balzac (1799-1850), nhà văn vĩ đại người Pháp, thì nói: “Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ”. Còn đây là lời của Pauline Kael (1919-2001), nhà phê bình điện ảnh Mỹ: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Và còn rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới nói về ý chí và nghị lực. Nhưng tôi muốn tìm hiểu triết lý sống này chỉ từ một câu tục ngữ trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.
Có chí thì nên chỉ là một câu tục ngữ như hàng trăm nghìn câu tục ngữ thông thường của người Việt. Nhưng theo tôi, đây là một câu tục ngữ khá đặc biệt-một tục ngữ rất thân thuộc đối với mỗi chúng ta. Và càng rất cần có trong hành trang của mỗi bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp hiện nay. Nó hàm chứa nhiều ý nghĩa triết luận và mang tính giáo dục sâu sắc. Bác Hồ đã lấy tư tưởng nhân sinh đó làm nên hồn cốt của bài thơ.
Ngoài câu tục ngữ trên, còn có khá nhiều câu nằm trong trường nghĩa này: Có cấy có trông/ Có trồng có ăn; Có bột mới gột nên hồ; Có chí làm quan/ Có gan làm giàu; Có cứng mới đứng được đầu gió; Có dại mới nên khôn; Có đi mới đến/ Có học mới hay; Có gió lung mới biết tùng, bách cứng/ Có ngọn lửa lừng mới biết thức vàng cao; Có học mới biết/ Có đi mới đến; Có khó có nhọc mới có lọc có rang; Có khó mới có mà ăn; Có khó mới nên; Có khôn mới nên quan, có gan mới nên giàu; Có công mài sắt có ngày nên kim...
Điều thú vị là tất cả các tục ngữ đều có sự tương đồng về cấu trúc (có điệp, có đối, có vần) và đều bắt đầu bằng từ “có” (một vị từ giả thiết, mang tính điều kiện). Dĩ nhiên, dù có nhiều biến thể nhưng tựu trung, ngữ nghĩa chính của các câu thành ngữ, tục ngữ đều bắt đầu từ một triết lý mang tính nhân quả đặc sắc của người Việt: Mọi kết quả, mọi điều hay, điều tốt lành chỉ đến với ai đó khi họ biết cố gắng nỗ lực vượt gian khó để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Có chí thì nên ngắn gọn với 4 âm tiết, theo cấu trúc logic của phép kéo theo “có A thì (có) B”. Câu tục ngữ đã giản lược tới mức triệt để mà vẫn diễn tả đầy đủ, rõ ràng một thông điệp: Con người ta nếu có hoài bão lớn, biết nhẫn nại, kiên trì thì cuối cùng công việc chắc chắn sẽ thành công. “Chí” ở đây chính là chí khí, tức là “ý muốn bền bỉ, mạnh mẽ, quyết khắc phục mọi trở ngại, thực hiện mục đích cao đẹp của cuộc sống” (“Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2020). “Chí” còn là chí hướng, là quyết tâm vươn tới và thực hiện hoài bão, lý tưởng, mục tiêu đích thực của cuộc đời. Người ta sống ở đời có nhiều hoàn cảnh và thân phận, nhưng lý tưởng, chí hướng là điều cần phải có. Cái đó quyết định hướng đi, quyết định sự thành đạt, ước vọng của mỗi người. Đây cũng là lời tự bạch nổi tiếng chí lý của Pavel Korchagin (trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô viết Nikolai Ostrovsky): “Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. “Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không phải là sự thiếu hụt sức mạnh hay thiếu hụt kiến thức, mà đúng hơn là thiếu hụt ý chí” (Vince Lombardi).
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một minh chứng sinh động nhất cho Có chí thì nên. Chúng ta biết, năm 1911, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa-văn minh đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi! (“Theo chân Bác”-Tố Hữu)
Ai cũng cần “có chí”, tất nhiên rồi. Nhưng muốn “thì nên” không phải dễ. Đó là một quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ, kiên định. Như bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” (trong tập “Nhật ký trong tù”), Bác đã viết: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công. Có đi mới đến đích ta cần. Đó là logic cuộc sống, là lẽ thường vốn có của cuộc đời này.
Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền, lời thơ-một câu châm ngôn “như đinh đóng cột” ấy đặt trước chúng ta một phương châm, một “kim chỉ nam” định hướng cho cuộc đời mình. Câu nói giản dị như một lời khuyên, lời nhắn nhủ và hơn thế nữa, như một chân lý hiển minh của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi khi đọc lên phải tự ngẫm lại mình. Với mỗi thanh niên, những người đang đứng trước nhiều thử thách về năng lực trí tuệ, trước những đòi hỏi lớn về tiếp nhận tri thức mới mẻ... mà “thiếu chí” và “nhụt chí” thì hẳn là khó có thể đi tới đích mình cần trên con đường hướng tới tương lai.
Tôi nghĩ, những bạn học sinh, sinh viên còn mải chơi, xao nhãng việc học hành, tập luyện, trau dồi kiến thức, sẽ giật mình mỗi khi đọc bài thơ “Khuyên thanh niên” của Bác. Nó có tác dụng như một cú hích. Cú hích làm cho ta “tỉnh ngủ” và hăng hái nhập vào đội ngũ những con người trẻ trung, giàu nhiệt huyết hôm nay, với một niềm tin, sự phấn chấn vẫy gọi chúng ta lên đường lập ngôn, lập thân, lập nghiệp.
Bài thơ Bác Hồ viết cho thanh niên, khuyên thanh niên nhưng sâu xa hơn, đó là lời khuyên với tất cả chúng ta.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH