Dấu xưa mấy dặm thương hồ...

Cụ Nguyễn Văn Quang, 82 tuổi, nhà ở đường Bình Đông, sát bờ kênh Vĩnh Long, quận 8, là người gắn bó với sông nước Sài Gòn từ những ngày tóc còn để chỏm. “Hồi xưa, những dòng kênh này là tuyến giao thương đường thủy nhộn nhịp giữa Sài Gòn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hoạt động vận chuyển hành khách và buôn bán diễn ra tấp nập quanh năm. Dọc các tuyến kênh có rất nhiều khu chợ kiểu trên bến dưới thuyền. Dân thương hồ ngày đó sống khỏe re chứ hổng khó khăn như bây giờ”-cụ Quang kể với giọng tiếc nuối rồi dẫn tôi ra phía bờ kênh. Tuổi già, vóc người nhỏ thó, gầy gò nhưng bước chân cụ vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Một đời gắn với nghiệp thương hồ, rong ruổi rày đây mai đó theo con nước ngược xuôi đã giúp cụ có được sức khỏe dẻo dai mà không phải ai ở độ tuổi cụ cũng may mắn có được.

leftcenterrightdel
Thương hồ tấp nập trên bến dưới thuyền ở kênh Tàu Hủ thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu. 

Khi tôi ngỏ ý muốn tìm một chủ ghe để xin đi nhờ về miền Tây, cụ Quang nhìn tôi bán tín bán nghi. Chỉ khi tôi nói rõ mục đích của mình là đi để lấy tư liệu viết báo, cụ mới vui vẻ trở lại. Cụ bảo, dễ đến mấy chục năm rồi, từ ngày giao thông đường bộ mở mang, xe gắn máy, ô tô thay cho xe thổ mộ, thì những tuyến giao thông đường thủy gần như không còn chức năng vận chuyển hành khách. Chỉ còn dân thương hồ ngược xuôi buôn bán, mà gọi theo cách dân dã là “ăn hàng”. Cụ Quang dẫn tôi ra bờ kè rồi cất tiếng gọi người quen dưới ghe. Người đàn ông trung niên cởi trần, da đen sạm, vóc người cũng nhỏ thó như cụ Quang từ trong ghe bước ra, leo thoăn thoắt qua thanh gỗ bắc vắt vẻo từ sàn ghe lên bờ kè bê tông. Đó là anh Tư Hiệp, quê ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Tư Hiệp già trước tuổi. Mới ngoài 30 mà như đã ở ngưỡng U.50. Neo cạnh đó là ghe của gia đình chị Lê Thị May, một người họ hàng của Hiệp. Cả một tuyến kênh dài, tôi thấy chỉ có chưa tới chục chiếc ghe, neo cách nhau một quãng khá xa để thuận lợi cho việc “ăn hàng”.

Đợi đến sẩm tối, đúng kỳ con nước lớn, ghe của Hiệp và chị May mới rời bến. Chỉ cách trung tâm thành phố dăm cây số và cách nhịp sống hối hả của đô thị đúng một cái bờ kè, nhưng cuộc sống của người dân sông nước gần như là một thế giới khác, bình lặng và khắc khoải.

Tôi ngồi gần vị trí tài công của Hiệp. Chiếc ghe ì ì nổ máy, xuôi kênh Vĩnh Long ra kênh Tàu Hủ rồi ra sông Tiền. Vào hồi nước lớn, các dòng kênh đầy ăm ắp, ghe xuồng ngược xuôi tạo thành những đợt sóng tràn qua kè bê tông tung bọt trắng xóa lên vệ đường. Tư Hiệp kể về cuộc sống lấy xuồng ghe làm nhà, sông nước là cõi mưu sinh. Đa số dân thương hồ ở tuyến kênh này là người Vĩnh Long, hành nghề theo kiểu cha truyền con nối. “Thời ông cha mình làm nghề chạy ghe, vừa chở khách vừa chở hàng nên mới có tiền để mua đất, cất nhà. Còn bây giờ, dân thương hồ chỉ còn dùng ghe để buôn bán nên chỉ đủ ăn, nhiều người phải bỏ nghề”-anh Hiệp nói.

Những người như anh Hiệp, chị May, dù khó khăn đến mấy cũng bám trụ với nghề. Một bộ phận khác thì làm theo thời vụ. Vào dịp Tết, dọc theo bến Bình Đông có đến hàng trăm chiếc ghe chở đầy cây cảnh, hoa trái từ miệt vườn Cửu Long lên bán mối. Hoạt động giao thương dọc các tuyến kênh diễn ra rất xôm tụ, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn. Cùng với kênh Vĩnh Long, kênh Tàu Hủ, bến Bình Đông… ở quận 8, tuyến kênh Tẻ ở quận 7 cũng là nơi hội tụ ghe xuồng bán buôn của người thương hồ. Dịp Tết Nguyên đán là mùa làm ăn. Ghe xuồng ngược xuôi hoạt động hết công suất. Chị Ba Thương, một trong những chủ ghe gắn bó với dòng kênh Tẻ gần 20 năm nay, cảm thán: “Từ nhỏ tui đã theo ba má sống kiếp thương hồ lênh đênh nên hổng có điều kiện học hành. Giờ muốn đổi nghề cũng chịu. Biết là việc buôn bán ở thành phố ngày càng khó khăn, vì đa số người tiêu dùng bây giờ có thói quen đi mua sắm ở siêu thị, nhưng còn trụ được ngày nào thì vẫn phải ráng kiếm tiền nuôi con ăn học!”.

“Buýt trên sông” - thương hồ thời hiện đại

Rời thành phố về miệt vườn bằng đường thủy, trên chiếc ghe nhỏ xinh của Tư Hiệp, tôi lại nhớ đến những lần gặp gỡ với nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam khi ông còn sống, được nghe ông nói về cuộc sống của người dân sông nước Sài Gòn, Nam Bộ. Sơn Nam đã có nhiều công trình khảo cứu về vấn đề này. Ông bảo rằng, sự bào mòn yếu tố sông nước trong văn hóa, nếp sống dẫn đến những hành vi ứng xử thô bạo với môi trường sông nước, sẽ khiến không chỉ chúng ta phải trả giá đắt mà còn để lại những hậu quả nặng nề cho thế hệ con cháu mai sau. Đã đành, chúng ta đang rất cần những khu đô thị mới, những tuyến đại lộ kết nối liên hoàn, những tòa cao ốc khang trang hiện đại… nhưng thành phố sẽ còn lại những giá trị cốt lõi gì để trưng ra cho thế giới trong thời hội nhập, nếu hệ thống kênh rạch chỉ còn là những dòng kênh “chết”?

Và mới đây là câu chuyện với Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh. Anh chính là người truyền cảm hứng để tôi quyết định thực hiện chuyến trải nghiệm cuộc sống thương hồ. Khi chia sẻ với chúng tôi về công cuộc chỉnh trang đô thị ở Thành phố mang tên Bác, anh đã nhắc đi nhắc lại về tính đặc thù của văn hóa, văn minh sông nước mà người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã gắn bó, chung sống suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm khai khẩn, xây dựng và phát triển. Trong xã hội hiện đại, việc tìm mẫu số chung cho bài toán phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, kiến trúc, phù hợp với tính đặc thù và xu thế hội nhập chính là yếu tố bảo đảm cho phát triển ổn định, bền vững, nhưng đó cũng là việc không hề dễ dàng…

Anh bảo rằng, các chuyên gia và du khách nước ngoài khi đến TP Hồ Chí Minh rất tâm đắc với hệ thống kênh rạch, họ dành thời gian để trải nghiệm khám phá, nghiên cứu giá trị kinh tế, văn hóa mang tính đặc trưng này; còn chúng ta, mặc dù đang sở hữu lợi thế lớn, nhưng việc khai thác, phát triển chưa thực sự được chú trọng. Nhiều người không thấy được giá trị to lớn của hệ thống kênh rạch nên cứ mặc nhiên lấn chiếm, san lấp, gây ô nhiễm. Tại các cuộc hội thảo về văn hóa-du lịch TP Hồ Chí Minh diễn ra trong năm 2016, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng phàn nàn rằng, tiềm năng kinh tế từ sông nước của TP Hồ Chí Minh rất lớn, nhưng việc khai thác thì còn quá khiêm tốn; ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường kênh rạch còn rất hạn chế. Địa bàn thành phố có đến hơn 3.000 tuyến kênh rạch, với tổng chiều dài hơn 5.000km, là đô thị có số lượng và số ki-lô-mét kênh rạch hàng đầu cả nước. Theo khảo sát của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có hơn 100 tuyến kênh rạch với diện tích mặt nước hơn 4.000ha đã bị lấn chiếm, san lấp…

Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải thành phố đã triển khai dự án “buýt đường sông” đầu tiên. Tuyến số 1 lấy điểm xuất phát là bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn, vào kênh Thanh Đa rồi lại trở ra sông Sài Gòn, kết thúc tại bến ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức và ngược lại, gồm 7 điểm đón, trả khách. Chiều dài suốt tuyến gần 11km, qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2 và Thủ Đức. Đây cũng là những điểm “nóng” ùn tắc giao thông đường bộ. Tuyến số 2 với chiều dài tương tự, cũng bắt đầu từ bến Bạch Đằng, đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, kết thúc tại bến Lò Gốm thuộc phường 7, quận 6. Tuyến này cũng có 7 bến đón, trả khách, nằm trên địa bàn các quận: 1, 4, 5, 6 và 8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động cuối năm 2017, đầu năm 2018. Hải trình của những tuyến “buýt đường sông” này cũng chính là những khu vực có lượng ghe, xuồng của dân thương hồ hoạt động tấp nập từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy không phải là sự “trả lại tên cho em”, mà nó được áp dụng, đầu tư theo mô hình của một số nước tiên tiến trên thế giới. Thương hồ thời hiện đại là những người được đào tạo bài bản, cả về chuyên môn lẫn phương pháp phục vụ. Người dân sẽ được hành trình trên những con thuyền khang trang, hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, với sức chứa mỗi phương tiện từ 30 người trở lên. Các điểm đón, trả khách kiểu trên bến dưới thuyền sẽ được xây dựng khang trang, tiện ích, mỗi bến đều có hệ thống dịch vụ đi kèm, phục vụ mọi nhu cầu mua sắm, giải trí của hành khách.

KTS Khương Văn Mười bày tỏ thái độ lạc quan khi ông dẫn nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định chỉnh trang đô thị, cốt lõi là tập trung cải tạo hệ thống kênh rạch, là một trong 7 chương trình đột phá. Cho đến nay, dù mới chỉ có 80km kênh rạch được cải tạo, nạo vét, xây dựng, nhưng những gì đã làm được thực sự là một cuộc cách mạng về môi trường. Thành tựu nổi bật nhất là công cuộc hồi sinh tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Từ một dòng kênh “chết”, Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã trở thành một danh thắng giữa trung tâm thành phố, được nhiều nước trong khu vực đến tham quan, học hỏi. Tua du lịch đường thủy khám phá trung tâm TP Hồ Chí Minh từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016 đã hồi sinh hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đờn ca tài tử, trên bến dưới thuyền, giữ được đặc trưng văn hóa và phù hợp với xu thế hội nhập, thu hút đông đảo du khách tham gia. “Một tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài chưa đến 10km mà chúng ta đã mất gần 20 năm, với nguồn kinh phí rất lớn mới hồi sinh nó được như hôm nay. Để làm được điều tương tự ở hàng trăm ki-lô-mét kênh rạch đang bị ô nhiễm, bồi lấp hiện nay, là công cuộc lâu dài, bền bỉ chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều”-KTS Khương Văn Mười chốt vấn đề với chúng tôi như vậy!

Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN