Ước mơ trong veo của tuổi thơ đã thành hiện thực. Ước mơ ấy thật đẹp. Từng câu, từng chữ cứ vang lên theo điệu nhạc reo vang trầm bổng, trong sáng và lãng mạn. Ngày bé, mỗi lần nghe, ca từ này cứ thôi thúc tôi và các bạn đồng trang lứa ước ao được làm người lính bảo vệ Tổ quốc. Dù biết kỷ luật quân đội là “kỷ luật thép”, nhưng tuổi trẻ muốn thử sức trong môi trường “thép” ấy để trưởng thành. Khi đứng trong quân ngũ, niềm khát khao lớn hơn là được đi thật nhiều, được đến với các cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, hay miền biên ải xa xôi để hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của người lính hôm nay.

Quân cảng Cát Lái, bình minh tỏa nắng, sóng nước ngân nga!

Từng hồi còi hú dài chào tạm biệt bến cảng, tạm biệt đất liền, con tàu mang số hiệu Trường Sa 571 nhổ neo chở đoàn công tác đến với các chiến sĩ nơi đảo xa. Đứng trên boong, nhìn con tàu vươn sóng ra khơi, đất liền dần lùi phía sau. Càng ra xa, đất liền như một dải màu xanh lá, màu xanh ấy hòa cùng màu trời, màu nước thành màu xanh ngọc, màu của hòa bình và khát vọng, bất chợt trong lòng cảm xúc trào dâng.

leftcenterrightdel
Chăm sóc rau xanh tại Nhà giàn Phúc Nguyên.

Chẳng biết từ lúc nào, tình yêu biển như ngấm vào máu thịt mỗi người con dân đất Việt, để rồi giờ đây yêu luôn cả màu áo trắng tinh khôi của người lính đảo. Hải Yến, một du học sinh tham gia cùng chuyến hải trình tâm sự: “Lần đầu tiên khi sang nước ngoài học tập, em cũng chộn rộn niềm vui, nhưng khi ra với các chiến sĩ Trường Sa lần này, em có cảm xúc rất đặc biệt”. Tàu cập bến, mặc cho cơn say sóng vẫn đang chênh chao, loáng cái đã thấy cô gái thân thiện bên các chàng lính trẻ, niềm vui như đang được trở về với vòng tay người thân yêu trong gia đình. Lấy từ trong ba lô ra nào túi to, túi nhỏ, túi to là đất, túi nhỏ có mấy lá tre rung rinh, cô giải thích: “Trước hôm đi Trường Sa, em có lên Phú Thọ xin nắm đất và gốc tre này từ đất Tổ Hùng Vương để mang ra đảo, nhờ các chiến sĩ trồng, với hy vọng cây tre luôn xanh tốt, rì rào nơi đầu con sóng”. Mỗi người một việc, những bàn tay xốc vác chung vui, người thì trồng, người vun đất, người chạy đi lấy nước tưới, tất bật nhưng hạnh phúc, gương mặt toát lên niềm hân hoan như Tết trồng cây.

Dưới tán lá bàng vuông, mọi người quây quần bên ấm chè xanh mới pha. Câu chuyện bắt đầu từ việc hỏi thăm sức khỏe chiến sĩ, từ việc ăn ở đến sinh hoạt thường ngày của bộ đội. Nhìn những gương mặt trẻ trung, ánh mắt sáng và tác phong nhanh nhẹn của chiến sĩ, đoàn công tác đặt trọn niềm tin vào những điều mắt thấy tai nghe. Giữa mênh mang sóng nước, tình đồng chí, đồng đội, đồng hương gắn kết nhau, ngọt ngào và sâu lắng. Để rồi chẳng còn giữ gìn khoảng cách về tuổi tác, công việc, tất cả cùng lâng lâng theo nhịp sóng hoan ca… Người thì đọc thơ, người hát tặng nhau những ca khúc hay ca ngợi quê hương, đất nước, về biển, đảo dấu yêu. Lúc này tôi mới để ý trên đảo còn có rất nhiều rau xanh, nhiều loại cây của các vùng miền được trồng và che chắn cẩn thận. Thượng úy Nguyễn Văn Thành, quê Hải Dương chia sẻ: “Mỗi cán bộ ra đảo công tác đều mang một vài loài cây ra trồng. Ai cũng muốn lưu giữ trên đảo những loại cây đặc trưng của quê hương mình. Tuy nhiên, lúc đầu cây chưa thích nghi được với nắng và gió biển nên phải che chắn cẩn thận”. Nhìn hàng cây xanh mát mắt, đủ hiểu người lính quý cây đến nhường nào. Bởi không chỉ là thời tiết, ở đây đến nước ngọt sinh hoạt còn phải tiết kiệm, vậy mà các chiến sĩ luôn dành phần nước của mình để tô thắm màu xanh cho đảo.

Biển mặn mòi, có thể làm da các chiến sĩ sạm màu sương gió, nhưng tình yêu biển của người lính đảo lại vô bờ. Nhạc sĩ Hình Phước Long từng trải lòng mình qua ca khúc “Gần lắm Trường Sa” với những hình ảnh: “Biển đảo quê hương”, “đôi mắt biên cương”, “sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật”… Đến được với các chiến sĩ là niềm hạnh phúc, nhưng khi chia tay các anh để về đất liền thì quyến luyến nhớ nhung. Hải Yến cũng từng giấu kỹ cảm xúc ấy cho riêng mình trong cuốn nhật ký: Chẳng rượu nồng mà sao vẫn cứ say/ Cái siết tay, cái siết tay người lính/ Để hôm nay còn nhói mãi niềm thương/ Để ra về lòng cứ mãi vấn vương/ Để nỗi nhớ đong đầy theo năm tháng/ Cái niềm thương tuy không hề hiển hiện/ Cảm xúc không lời trong dạ cứ xốn xang...

Mùa xuân rất đẹp, nhưng thời tiết có phải lúc nào cũng mưa thuận gió hòa, đâu đó vẫn còn những vùng đất chịu sự hà khắc của thiên nhiên. Trong bài “Gió Lào cát trắng”, thi sĩ Xuân Quỳnh từng thổ lộ: Em mới về em chưa thấy gì đâu/ Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa/ Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ/ Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương/ Dẫu đôi khi tôi chẳng bằng lòng/ Với cái cát làm bàn chân rát bỏng/ Với cái gió làm chín lừ da mặt/ Mảnh đất cằn khoai, sắn ít sinh sôi. Dù quy luật của tạo hóa là vậy, nhưng người lính quen với “vượt nắng thắng mưa”, rồi sẽ làm thay đổi quy luật ấy, tất cả nhờ bàn tay và khối óc. Đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Tây Nguyên mùa khô, cái nóng gắt làm táp cả vạt cỏ dài. Mặc cho lưng áo còn ướt đầm mồ hôi, gương mặt sạm nắng gió của Thượng tá Nguyễn Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê (Đắc Lắc), ánh lên niềm vui. Trong câu chuyện, tôi biết: Năm 2006, xã Ia Rvê được thành lập theo mô hình kinh tế gắn với quốc phòng. Những công dân đầu tiên đến với mảnh đất này chính là thanh niên xung kích từ các miền quê của cả nước lên đây lập nghiệp. Đặc biệt, những đoàn viên, thanh niên ưu tú của xứ dừa Bến Tre, họ đến với miền đất trắng bằng sức trẻ, niềm tin và sự quyết tâm. Nhắc về những ngày gian nan, xã Ia Rvê và một số vùng lân cận dường như hoang hóa và cằn cỗi. Những hàng cây mới trồng xanh tươi, tự nhiên ngả vàng rồi héo khô, nguyên nhân do thiếu nước tưới. Bài toán khó đặt ra cho các cán bộ, chiến sĩ lúc này là phải tìm bằng được giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu của đồng bào. Anh em chỉ huy đơn vị bàn bạc, rồi thống nhất phương án khoan giếng, có giếng rồi vẫn chẳng có nổi một giọt nước. Không hề nản chí, các anh tiếp tục nghĩ cách đào ao, kè đá và đắp đất xung quanh chờ mùa mưa. Có ao ắt sẽ thả cá, xung quanh trồng các loại cây leo như bầu, mướp, su su để làm bóng mát cho cá trú ngụ. Đúng như dự tính, chẳng bao lâu sau, ao đã có tiếng cá quẫy đớp mồi, cây leo kín giàn, quả sai lúc lỉu, anh em nhìn nhau rưng rưng vì mừng. Những thành quả bước đầu ấy như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Tình yêu lứa đôi cũng lớn dần, những thế hệ công dân đầu tiên được sinh ra và lớn lên ở nơi thấm đẫm tình đất, tình người ấy.

leftcenterrightdel
Văn nghệ ngẫu hứng của chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: HÀ CHUYÊN

Ra đi từ những vùng quê thanh bình, hành trang mang theo là những ký ức tuổi thơ thật đẹp. Với chàng sĩ quan trẻ YPong Niê Kdăm luôn tự hào về truyền thống quê hương Bản Đôn của mình, nơi có dòng sông Sêrêpôk cung cấp nguồn nước mát lành cho cánh rừng đại ngàn. Anh bảo: “Trẻ con cao nguyên thật may mắn, từ bé đã biết cưỡi voi, được theo cha vào rừng hái lượm, lớn hơn nữa biết làm cái nương, cái rẫy, săn bắn và nghe được tiếng con hươu, con nai gọi bạn mỗi độ xuân về”. Nghe chàng sĩ quan trẻ kể về thời thơ ấu, tôi cảm thấy như đang lạc vào miền ký ức của riêng mình, nơi có cây đa, bến nước, sân đình, với những câu dân ca và điệu chèo mượt mà của vùng quê lúa Kinh Bắc.

Sương sớm giăng mắc trên những nương rẫy cà phê trắng muốt, mùi thơm nồng nàn quyến rũ níu chân người ở xa. Cảm giác được phóng hết tầm mắt ngút ngàn trên nương rẫy để cảm nhận cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời như thế nào, một cảm giác thanh bình và thư thái. Đang thả hồn với những suy nghĩ miên man ấy thì H’linh Êban xuất hiện, gương mặt tươi tắn, trên tay cầm cánh hoa pơ lang đỏ thắm. Với mái tóc bồng bềnh thả ngang vai, ngước đôi mắt đen láy, cô gái Ê Đê kể về sự tích hoa pơ lang, một biểu tượng về tình yêu của đồng bào cao nguyên. Cô nói: “Người Tây Nguyên như cây rừng, mạnh mẽ, thân thiện và nồng hậu. Ai từng đặt chân đến mảnh đất cao nguyên này sẽ cảm nhận được hương men say của tình người, tình đất nơi đây”, rồi hướng cái nhìn âu yếm về phía YPong Niê Kdăm làm chàng trai chỉ biết gãi đầu thừa nhận. Chẳng biết có phải tại màu đỏ của hoa pơ lang, hay tại ánh hồng trên gương mặt của H’linh Êban mà trong mắt chàng sĩ quan trẻ như có thêm ngọn lửa yêu thương giữa điệp trùng cao nguyên hùng vĩ.

Tùy bút của PHÙNG MINH