Một trong những nghệ nhân tiêu biểu mà tôi được biết là bà Lâm Thị Hương ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Bà Hương là truyền nhân đời thứ 5 của đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông lừng lẫy một thời ở tỉnh Sóc Trăng và cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn nhớ mùa mưa năm 2012, tôi theo chân cán bộ làm công tác văn hóa của xã, gửi xe máy ngoài đầu lộ đan, sau đó đi bộ gần 2km đường đất sình lầy mới tới nhà bà Hương. Lúc ấy, bà đang cùng chồng là ông Sơn Đel và mấy người con, cháu trong gia đình dọn cỏ trên mảnh ruộng ngay bên nhà. Trao đổi ngắn gọn, vội vã rửa tay, khui thùng đựng đạo cụ biểu diễn gia truyền, câu chuyện về Rô băm lập tức diễn ra rôm rả.

Bà Hương tâm sự, cả gia đình bà sống dựa vào 2 công đất (2.000m2) trồng lúa. Túng quẫn, khổ cực cỡ nào cũng chịu chứ bà nhất quyết không buông bỏ Rô băm. Bởi hai bên nội, ngoại của bà cùng các thế hệ trước nữa đều theo nghiệp Rô băm. “Đến tôi là đời thứ 5 kế thừa gia sản của tổ tiên, nếu bỏ ngang thì sau này không ai khôi phục lại”, bà nói.

Bà Hương có 6 anh chị em, tất cả đều biểu diễn được Rô băm. Nhờ khả năng nổi bật, bà được giao trọng trách làm trưởng đoàn Rô băm của gia tộc.

leftcenterrightdel
Bà Lâm Thị Hương với các đạo cụ biểu diễn Rô băm truyền thống. Ảnh: HỒNG HIẾU

Gọi là “đoàn” nhưng “diễn viên” lại tản mát, làm thuê ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hoặc theo tàu đánh cá xa bờ, chỉ khi nào có “hợp đồng” biểu diễn (vào các dịp lễ hội cổ truyền, sân khấu Rô băm được dựng ngay trong sân chùa) mới tập trung lại.

Thời hoàng kim của Rô băm đã qua, bây giờ diễn Rô băm không đủ sống. Ít nơi mời diễn, bà Hương cùng chồng và con, cháu trong gia đình thường tự biểu diễn cho nhau xem. Nhờ vậy mà Rô băm đã không thất truyền, lại còn đào tạo được thế hệ kế cận. Riêng bà Hương, với tài năng đã được khẳng định, bà từng được mời sang Mỹ, Campuchia biểu diễn; một tổ chức ở Campuchia còn đề nghị bà sang đào tạo diễn viên giúp họ.

Tiếp xúc với các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer, chúng tôi được biết Rô băm là một trong những sản phẩm văn hóa tinh thần hoàn toàn do đồng bào Khmer Nam Bộ sáng tạo, phát triển rực rỡ vào những thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ 20. Rô băm chịu ảnh hưởng của sân khấu cung đình, sử dụng ngôn ngữ múa làm chủ đạo. Vở diễn của Rô băm phần lớn lấy cảm hứng từ trường ca Ramayana của Ấn Độ, trong đó nhiều nhân vật đã trở nên quen thuộc với đồng bào Khmer như: Nàng Sê Đa, Hoàng tử Phrés Riem, Khỉ thần Hanuman… Mặc dù có giá trị bản sắc rất riêng nhưng đến nay, sân khấu cổ Rô băm vẫn chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu.

Mới đây, tôi có dịp gặp lại bà Lâm Thị Hương tại tỉnh Sóc Trăng, bà vui mừng thông báo: Từ giữa năm 2016, vợ chồng bà và 3 người nữa là con, cháu trong gia đình đã được Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) mời ra phục dựng lại sân khẩu cổ Rô băm. Do còn hạn chế về số lượng diễn viên nên các thành viên trong gia đình chủ yếu biểu diễn các trích đoạn, phân cảnh tiêu biểu nhưng bà cảm thấy rất hài lòng, rất vui khi có cơ hội được giới thiệu loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc mình với công chúng.

Rô băm là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật múa, nói và hát, vì vậy đào tạo được một diễn viên rất công phu, mất nhiều thời gian, nhưng hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa có trường lớp nào đào tạo bài bản. Bà Hương bày tỏ mong muốn khi nào có điều kiện, bà sẽ viết ra tất cả các vở diễn Rô băm để làm cơ sở đào tạo diễn viên.

“Vợ chồng tôi đều đã ngấp nghé tuổi 60, sức khỏe không còn tốt cho biểu diễn nữa. Ước mơ lớn nhất của tôi là trong tương lai, sân khấu Rô băm không chỉ được bảo tồn trong dân gian”, bà Hương tâm sự.

HỒNG ĐĂNG