Một buổi sáng cuối tuần, khi sương sớm còn vương trên tán cây, chúng tôi len qua những con phố của Hà Nội, hướng về quận Nam Từ Liêm. Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự rất ấn tượng. Từ xa, tháp Chiến thắng cao 45m đã hiện ra sừng sững giữa bầu trời trong xanh như một biểu tượng kiêu hãnh của dân tộc. Tháp được xây dựng với hình ảnh những ngôi sao năm cánh xếp chồng lên nhau, tượng trưng cho năm tầng lớp xã hội chủ nghĩa: Sĩ, nông, công, thương, binh.
Bước qua cổng chính là một không gian rộng lớn. Khu nhà bảo tàng nổi bật với sân trước và tòa tháp Chiến thắng, cùng với khối nhà bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng hơn 2,3ha. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính là hơn 6,4ha, tổng chiều cao 35,8m.
|
|
Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: TUẤN HUY
|
Hai bên của khu nhà bảo tàng trưng bày hàng loạt vũ khí. Nhìn từ phía cổng vào, bên trái trưng bày vũ khí của quân và dân ta như xe tăng T-34, T-54, pháo mặt đất, pháo phòng không, máy bay... Bên phải là chiến lợi phẩm thu được của địch như máy bay cường kích A-37, "thần sấm" F-105, "ngựa thồ" C-130, trực thăng vận tải CH-47, pháo 175mm-"vua chiến trường"... Mỗi hiện vật đều mang theo câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ và người dân Việt Nam. Ở đó còn thể hiện rõ ràng sự đối lập giữa chính nghĩa và bạo lực, giữa tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do và dã tâm xâm lược.
Tiến vào đại sảnh, tất cả không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh chiếc máy bay MiG-21 với số hiệu 4324, nặng 7,7 tấn, được treo trên trần nhà. Chiếc "én bạc" này từng lập kỷ lục bắn rơi 14 máy bay Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật trưng bày mang lại trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan.
Chúng tôi tiếp tục tham quan Bảo tàng theo 6 chủ đề trưng bày: Từ buổi đầu dựng nước và giữ nước (700 trước Công nguyên-938); bảo vệ độc lập dân tộc (939-1858); chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc (1858-1945); kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) cho đến xây dựng và bảo vệ đất nước (từ năm 1975 đến nay).
Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh đều kể một câu chuyện, đưa mọi người trở về với những trang sử hào hùng của dân tộc. Trước mắt là chiếc sa bàn trận Bạch Đằng năm 938 hết sức sống động, mang lại cho người xem cảm giác như đang đứng giữa chiến trường. Công nghệ sa bàn 3D mapping giúp tái hiện các trận đánh lịch sử một cách chân thực. Bảo tàng đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan. Bảo tàng mới được xây dựng từ năm 2019, hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.
Tại khu vực trưng bày các bảo vật quốc gia, ngoài chiếc MiG-21 số hiệu 4324 còn có chiếc xe tăng T-54B số hiệu 843 đã húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, đánh dấu Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiếc MiG-21 số hiệu 5121 từng bắn rơi chiếc B-52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Mỗi hiện vật như một nhân chứng kể lại từng dấu mốc trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bảo tàng còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như màn hình tra cứu thông tin, thuyết minh tự động audio guide, mã QR... giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu chi tiết về từng hiện vật. Chúng tôi thử quét mã QR trên một chiếc xe tăng, thông tin hiện ra đầy đủ: Từ lịch sử, chức năng đến những câu chuyện liên quan. Công nghệ giúp kết nối quá khứ và hiện tại một cách dễ dàng hơn. Đó cũng chính là mục tiêu đặt ra của Bảo tàng: Mang lịch sử đến gần hơn với mọi người.
Ngoài tham quan, chúng tôi còn được tham gia nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm như mô phỏng lái xe tăng, máy bay, tham gia các trận đánh lịch sử qua công nghệ thực tế ảo. Các trải nghiệm này không chỉ hấp dẫn mà còn giúp du khách hiểu sâu hơn về những khó khăn, thử thách mà cha ông ta đã trải qua.
Trong dòng khách tham quan, chúng tôi thấy một người lính già với ánh mắt lấp lánh niềm tự hào và xúc động. Ông chia sẻ: "Thời gian trôi thật mau, mới đó đã gần 65 năm kể từ khi Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) mở cửa đón khách. Giờ đây, Bảo tàng mới không chỉ là nơi trưng bày mà còn là một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia".
Nhìn về tương lai, khi các hạng mục trong giai đoạn 2 hoàn thành, Bảo tàng sẽ còn phong phú hơn nữa khi: Trưng bày thêm nhiều chuyên đề, phục dựng các công trình quân sự tiêu biểu, tạo không gian sáng tạo cho trẻ em... Nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với nhân dân mà với cả du khách quốc tế.
Kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi đứng thật lâu trước tháp Chiến thắng, nhìn dòng người tấp nập vào ra Bảo tàng, lòng tràn đầy niềm tin. Dù thời gian trôi qua nhưng những giá trị vĩnh cửu về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết vẫn luôn tồn tại, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là nơi lưu giữ những giá trị ấy, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước. Với nền tảng vững chắc và sự đầu tư nghiêm túc, Bảo tàng sẽ tiếp tục phát triển, trở thành niềm tự hào của dân tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc.
Bảo tàng mở cửa từ 8 giờ đến 16 giờ 30 phút các ngày trong tuần (trừ thứ hai và thứ sáu), miễn phí tham quan đến hết tháng 12-2024. Trong tổng diện tích 38,66ha, dự án xây dựng Bảo tàng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành. Trong giai đoạn 2, công trình tiếp tục triển khai trưng bày 7 chuyên đề, 8 bộ sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự, phục dựng công trình quân sự tiêu biểu, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không gian sáng tạo, du lịch sinh thái, khu vui chơi trẻ em và khu dịch vụ cho khách tham quan. |
THUẬN NGUYỄN