Ai cũng biết, bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày những tư liệu, hiện vật do con người sáng tạo ra trong các thời kỳ, giai đoạn lịch sử nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Ai cũng biết, trong bảo tàng, hiện vật, tư liệu được xem là trung tâm, là hồn cốt. Tôi rất tâm đắc với thổ lộ của PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về vai trò của hiện vật trong các bảo tàng. Ông nói, tài liệu, hiện vật của bảo tàng là vô giá bởi nó có câu chuyện, có chủ nhân, nó gắn với các sự kiện có thật đã diễn ra trong lịch sử rất đời thường, vô cùng thích thú.

Nhưng với người Việt Nam, để dành nhiều thời gian đến với hiện vật, để nghe hiện vật kể chuyện hoặc để tìm hiểu sâu hơn về một bộ sưu tập mang giá trị văn hóa, nghệ thuật cao ở bảo tàng thì không dễ vì rất nhiều nguyên nhân.

Ở các nước phương Tây, bảo tàng được xem là một biểu tượng của đời sống văn hóa, phản ánh trình độ văn minh; là nơi để thỏa mãn đam mê, khám phá của con người trong xã hội. Với nhiều người các nước phương Tây, bảo tàng là niềm tự hào, là địa chỉ đầu tiên họ chào mời khi sang đất nước họ. Với họ, đến với bảo tàng, đi thăm hiện vật và được nghe hiện vật kể chuyện là thói quen khám phá.

leftcenterrightdel

Hoạt động trải nghiệm của học sinh tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: THÙY DƯƠNG 

Tôi có anh bạn là tiến sĩ du học ở một nước châu Âu hơn 5 năm. Anh kể, ngày nghỉ hoặc những dịp nghỉ dài không về Việt Nam, anh đi du lịch và thường đến thăm nhiều bảo tàng, trong đó có cả các bảo tàng tư nhân. Ở đó, thông qua những hiện vật, anh khám phá ra nhiều thứ rất hay về lịch sử, văn hóa và đời sống của con người bản địa. Anh trầm trồ khoe, khi đến bảo tàng ở nước Nga, anh đã bị choáng bởi quy mô, tính thẩm mỹ và đặc biệt là sững sờ khi nhìn thấy những bộ sưu tập nghệ thuật rất giá trị được trưng bày trong đó.

Tôi từng đọc cuốn sách của một học giả phương Tây chuyên nghiên cứu về văn hóa với các triết lý rất đáng lưu tâm. Tác giả ấy đưa ra lời khuyên đại ý rằng, muốn tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một địa phương thì hãy đến bảo tàng. Ở đấy, hiện vật sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện sinh động, ngắn nhất mà câu chữ khó có thể làm thay. Thực tế cho thấy, trước khi dịch Covid-19 diễn ra, trong những năm ngành du lịch đạt đỉnh về lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì tỷ lệ du khách nước ngoài, trong đó có nhiều du khách đến từ châu Âu thăm bảo tàng.

Tại thời điểm này, khi du lịch hoạt động trở lại bình thường, lượng du khách nước ngoài đến bảo tàng tham quan bắt đầu nhộn nhịp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các hoạt động lễ hội được phục dựng mạnh mẽ, nhất là ở các địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ thì từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng ba âm lịch, lượng khách đến tham quan bảo tàng thường thấp hơn so với những tháng khác trong năm.

Bạn thân của tôi làm hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở ven thành phố Hà Nội. Một hôm, nhân nói chuyện về việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm trong mỗi kỳ của năm học, tôi hỏi anh có khi nào định hướng, tổ chức cho học sinh, giáo viên đến với bảo tàng chưa? Anh cười hiền và nói rất thật, chưa khi nào cả. Anh bộc bạch, ngay cả anh cũng chưa một lần đưa vợ con đến bảo tàng, cho dù nhà anh ở cách các bảo tàng lớn của Hà Nội không xa.

Thấy hiện tượng khá lạ này, tôi tìm hiểu thêm qua bạn bè, người thân thì thấy số người quan tâm, số gia đình đưa con đến bảo tàng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa không nhiều. Đây là thực trạng khiến chúng ta đều phải suy nghĩ...

Trong các buổi nói chuyện với đồng nghiệp hoạt động trong ngành văn hóa, chúng tôi đã cố tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng thật khó xác định đâu là nguyên nhân chính. Có người tự an ủi, có lẽ thời đổi mới, thời của lối sống công nghiệp nên ai cũng bận rộn với tỷ loại công việc, ai cũng chạy đua với cơm áo gạo tiền, thời gian đâu mà đến tham quan bảo tàng, đó cũng là lẽ thường. Hơn nữa, thời đại công nghệ 4.0, thông tin và các loại hình giải trí khác phát triển mạnh mẽ đã lấy mất tâm hồn, tình yêu của người xem dành cho bảo tàng.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi thì “tự kiểm điểm”, “tự chỉ trích” rằng do công tác bảo tồn, bảo tàng chưa sáng tạo, chưa hiện đại, chưa biết cách làm cho câu chuyện của hiện vật sinh động, hấp dẫn người xem. Rồi là ngành bảo tàng cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động để đưa hiện vật đến gần hơn với nhân dân, từ đó kéo du khách đến với bảo tàng... Nói chung, rất nhiều cái thiếu, cái yếu và cả không ít giải pháp đã được đặt lên bàn mổ xẻ, nhưng thực tế thì việc người dân quan tâm đến với bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua các hiện vật vẫn chưa nhiều.     

Thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật... Nhiều hiện vật quý, độc nhất vô nhị, mang giá trị lịch sử to lớn.

Ví dụ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ gần 250.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật rất quý hiếm, đặc biệt là hơn 20 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đáng chú ý là những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất ý nghĩa trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Hay như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang có hơn 40.000 tài liệu, hiện vật với nhiều chủ đề đa dạng. Hoặc như Bảo tàng Hậu cần cũng lưu giữ tới hơn 20.000 hiện vật với những câu chuyện thú vị về ngành hậu cần từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tới nay. Hoặc Bảo tàng Phòng không-Không quân, nơi lưu giữ tới 56.000 hiện vật sống động, mang giá trị hàm lượng khoa học-công nghệ lớn của nhiều nước, gắn với nhiều nhân vật, anh hùng, nhiều trận chiến đấu ác liệt, anh dũng, nhưng số du khách đến tham quan vẫn chưa được như mong muốn.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa và phát triển triển lãm được kỳ vọng rất lớn, là một trong những mũi nhọn để tăng nguồn thu cho đất nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

Tôi nghĩ rằng, với số lượng bảo tàng và “kho báu” hiện vật khổng lồ, cùng tiềm năng như vậy thì việc tổ chức hoạt động sáng tạo nhằm phát triển mạnh mẽ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến bảo tàng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Theo tôi cần phát triển theo hai hướng cơ bản, đó là gắn với phát triển văn hóa du lịch và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhưng trước khi có những hướng đi đó thì thiết nghĩ, vấn đề quan trọng là các bảo tàng phải có nguồn đầu tư xứng tầm và tự đổi mới mình về nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đổi mới cách trưng bày hiện vật, tư liệu. Theo tôi, các bảo tàng nên kết hợp các hiện vật thành một chuỗi câu chuyện giống như nhà văn viết tiểu thuyết, như vậy học sinh hay khách đến thăm sẽ thích thú thay vì thuyết trình hiện vật như đang làm hiện nay. Việc này giúp hiện vật sống động, ý nghĩa và chắc chắn sẽ làm người xem thấy hấp dẫn mà đến với bảo tàng.

Thăm bảo tàng, nghe hiện vật kể chuyện là một nét đẹp văn hóa, cũng là một trong những tiêu chí thể hiện nếp sống văn minh. Dành thời gian đến với bảo tàng sẽ giúp mỗi người giảm căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian làm việc cường độ cao, đồng thời giúp bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; thêm tự hào hơn với dòng giống Lạc Hồng, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đưa thế hệ trẻ, học sinh đến với bảo tàng là vun vén tình yêu lịch sử, lòng yêu nước được liền mạch, không bao giờ đứt gẫy.

Chung tay đánh thức, lan tỏa các hiện vật trong bảo tàng là việc làm ý nghĩa và cần thiết.

Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ