Trong cuộc đời mỗi con người, dù chỉ một lần được tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là niềm vinh dự lớn lao. Với ông Phan Duy Vẽ, người đã có vinh dự được gặp, báo cáo công việc với Người, ông còn được Bác tặng chiếc ống nhòm để phục vụ công việc. Đó là kỷ niệm hết sức đặc biệt đối với ông Vẽ và những người thân trong gia đình.

Ông Phan Duy Vẽ sinh năm 1913 tại xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc và phong trào Việt Minh tại địa phương. Năm 1945, ông tham gia giành chính quyền tại Hưng Yên, là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Khoái Châu, Bí thư đảng đoàn Cơ quan chính quyền huyện, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hưng Yên. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm phái viên của Ủy ban tỉnh theo dõi Mặt trận đường số 5; rồi chuyển công tác tại Ban Quân giới Quân khu 4, Quân khu 8; Ban thi hành Hiệp định Geneve thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam... Sau này, nhờ thông thạo ngoại ngữ nên ông Phan Duy Vẽ chuyển sang làm việc tại Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) cho đến lúc nghỉ hưu.

leftcenterrightdel

Chiếc ống nhòm Bác Hồ tặng ông Phan Duy Vẽ.

Theo lời kể của bà Phan Thục Oanh, con gái ông Phan Duy Vẽ thì hồi ấy, bố của bà bị cận thị rất nặng (trên 10 độ), nên nhìn rất khó. Do tính chất công việc nên ông Vẽ hay phải đi công tác nhiều, phiên dịch cho các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Thời kỳ đi nhiều nhất là lên khu K9 (nay là Khu di tích lịch sử K9-Đá Chông thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Mỗi lần đi công tác, ông Phan Duy Vẽ luôn có chiếc ống nhòm nhỏ ở bên mình. Năm 1960, trong buổi đến kiểm tra thực địa ở một địa điểm bí mật, Bác Hồ thấy ông Vẽ cận thị mà chiếc ống nhòm thì nhỏ nên Bác tặng ông chiếc ống nhòm lớn hơn. Rồi Bác nói với ông Vẽ: “Tặng chú chiếc ống nhòm này để nhìn rõ hơn”.

Chiếc ống nhòm sau đó được ông Vẽ nâng niu, quý trọng và luôn mang theo mình. Bà Thục Oanh nhớ lại: "Trước khi bố tôi mất, chiếc ống nhòm đã được ông cẩn thận trao lại cho mẹ tôi cất giữ. Cho đến những năm cuối đời, khi mẹ tôi già yếu, tôi thường nhìn thấy mẹ có một chiếc hộp để trong hòm gỗ rồi khóa lại. Chiếc hộp này luôn được mẹ tôi cất giữ cẩn thận. Mẹ tôi cũng không nói cho ai biết về chiếc hộp đó".

Trong thời gian ở với bà Oanh, thỉnh thoảng mẹ của bà cũng có mở hộp ra. Một hôm bà Oanh tò mò nên hỏi: "Mẹ có hộp gì mà con cứ thấy mẹ giữ kín vậy? Mẹ bà Oanh mở ra và bảo: Bây giờ mẹ nói cho con biết, cái này không phải là vàng bạc, nhưng mà quý hơn vàng. Vì thế, con cố gắng giữ gìn. Sau đó mẹ giơ ra cho tôi xem một chiếc ống nhòm lớn. Mẹ tôi nói tiếp: "Đây là kỷ vật Bác Hồ tặng cho bố con. Trước khi về với tổ tiên, bố dặn mẹ con mình phải cất giữ cẩn thận".

leftcenterrightdel

Chiếc ống nhòm Bác Hồ tặng ông Phan Duy Vẽ đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Sau khi mẹ mất, qua nhiều đêm suy nghĩ, năm 2013, bà Phan Thục Oanh quyết định mang kỷ vật này đến trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo quản lâu dài và phát huy giá trị. Chiếc ống nhòm hiện đang được trưng bày tại Triển lãm “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” (Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Món quà tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất thiết thực trong công việc đối với ông Phan Duy Vẽ lúc đương thời, đồng thời thể hiện tình cảm gần gũi, chân thành, tình thương yêu của Bác Hồ đối với mọi người dân Việt Nam.

MINH PHƯƠNG