“Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An”-tên gọi chính thức của di tích-nằm ở số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Đã giữa trưa, lúc này, ông Công Ngọc Dũng, cháu nội đích tôn của cụ Nguyễn Thị An đang dọn dẹp, chỉnh trang lại những lẵng hoa. Từ năm 1996 đến nay, ông Dũng là người hằng ngày trông nom di tích. Trong chiếc sân rộng chừng 5m, được lát bằng gạch bát nhỏ, ông chỉ tay vào bể nước xây bằng gạch ở góc phải sân, nắp bể cuốn hình mái vòm, giới thiệu: Đây là bể đựng nước của gia đình tôi, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây, Người đã múc nước sử dụng hằng ngày.
Căn nhà tọa lạc theo hướng chính nam, xung quanh sát nhà dân. Ông Dũng cho biết, nhà được xây dựng từ năm 1929, với tổng diện tích 187,6m2. Trải qua 4 lần tu sửa vào các năm 1996, 1998, 2004 và 2015, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An hiện vẫn giữ được kiểu thức kiến trúc khi khởi dựng. Từ sân qua 3 bậc là đến nhà trưng bày. Đây là phần chính của ngôi nhà, gồm 5 gian, tường xây bít đốc sơn màu vàng, mái lợp ngói hưng ký, đỉnh mái lợp ngói bò. Hai đầu hồi là hai trụ xây thắt cổ bồng, các bờ mái để trơn không trang trí. Mặt trước nhà lưu niệm tương ứng với 5 gian là 5 cửa đi, 3 gian giữa là các ô trang trí sơn màu vàng tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. Trên cùng đắp hình tượng dơi ngậm đồng tiền, bên dưới là tường xây để các ô thoáng, ở giữa viết 4 chữ "Minh nguyệt thanh phong" (Gió mát trăng thanh).
|
|
Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An. |
Công trình này được nối từ đầu hồi gian bên trái nhà trưng bày sang tường bao, gồm 1 gian, 1 mái nghiêng. Toàn bộ phần mái đứng trên một cột cái nối với xà ngang gối lên tường. Phía trước trổ một cửa đi, bên trong được ngăn làm hai phần, trong cùng là nhà vệ sinh, bên ngoài là kho để một số vật dụng của di tích.
Các di vật của di tích tập trung chủ yếu ở 3 gian giữa của nhà trưng bày. Tại gian chính giữa, trên cùng là ảnh Bác Hồ, hai bên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Phía bên dưới là tủ chè. Trên tủ chè bài trí một số di vật như bát hương, lọ hoa, lục bình... Dưới cùng là một chiếc sập gỗ. Gian bên trái có chiếc phản gỗ, gian bên phải kê bộ trường kỷ. Hai gian ngoài cùng, bên trái là phòng trưng bày có hiện vật chiếc valy và chiếc máy đánh chữ, cùng các bức ảnh theo chủ đề liên quan cuộc kháng chiến. Gian bên phải là phòng trưng bày chủ đề các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghé thăm gia đình, cùng tủ trưng bày các tài liệu, sách báo viết về một số sự kiện diễn ra tại đây. Ngoài hiên có chiếc gương soi, chiếc chậu rửa mặt và chiếc nồi đồng để đun nước tắm. Tất cả các di vật bài trí trong nhà lưu niệm đa số là các vật dụng Bác Hồ đã dùng khi ở tại đây, trong đó chiếc chậu bằng đồng được Người sử dụng cả hai lần vào năm 1945 và năm 1946.
Trong niềm tự hào, hãnh diện, ông Công Ngọc Dũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở, làm việc tại ngôi nhà này: Theo lời bố tôi (ông Công Ngọc Kha) kể lại, tối 23-8-1945 có đoàn công tác từ chiến khu về, trong đó có anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng). Đoàn có nhiều người lạ mặt, trong đó có một cụ già mặc bộ quần áo nâu, tóc hoa râm, râu thưa, vóc người gày yếu, nước da ngăm đen... Hình như cụ vừa trải qua một cơn sốt. Mọi hoạt động, lời nói của những người trong đoàn hết sức nhẹ nhàng, trật tự. Đặc biệt, tất cả đều tỏ ra rất kính trọng ông cụ. Bữa cơm những hôm sau, bà nội tôi dọn mâm trên hai chiếc sập gỗ mời cụ và các đồng chí trong đoàn ăn nhưng cụ không bằng lòng, bảo cứ dọn ra nền gạch, tất cả mọi người cùng ăn. Cụ còn nói với bà không phải đứng xới cơm cho từng người mà để nồi cơm vào giữa, ai ăn hết thì tự lấy cho mình... Chiều 25-8-1945, trước khi đi vào nội thành, cụ nói với bố tôi đi mời mọi người trong nhà đến cho cụ gặp. Cụ tươi cười cảm ơn gia đình đã tận tình phục vụ chu đáo, bảo vệ đoàn cán bộ trong những ngày đoàn ở gia đình được bí mật, an toàn và hẹn khi nào có dịp sẽ về thăm lại gia đình.
|
|
Ông Công Ngọc Dũng (ngoài cùng, bên phải) thuyết minh về các hiện vật tại di tích cho du khách. |
Tới ngày 2-9-1945, ông Công Ngọc Kha đi dự cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập mà trong lòng cứ ngờ ngợ. Về đến nhà, ông nói chuyện với đồng chí Hoàng Tùng thì mới biết cụ già ở nhà mình mấy ngày trước đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn một số đồng chí khác hay tới gặp Cụ là các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh... Lần thứ hai, gia đình cụ An lại vinh dự đón Bác về thăm. Đó là ngày 24-11-1946, Người về thăm hỏi và dùng cơm với gia đình. 77 năm qua, gia đình cụ An luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ gìn ngôi nhà lịch sử, tiếp tục phát huy truyền thống, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau tinh thần yêu nước, tin tưởng cách mạng.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT