|
|
Thầy Phan Xuân Hải bên bức chân dung Bác Hồ do mình vẽ. |
Năm 1953, tốt nghiệp loại ưu Trường Sư phạm Liên khu 4, từ quê hương Nghệ An, thầy Hải vào Bình Trị Thiên dạy học. Từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, thầy chủ yếu dạy Văn nhưng môn học nào thầy cũng giỏi, nhiều lúc thầy dạy cả các môn khoa học tự nhiên thay cho các giáo viên nam lên đường đánh Mỹ. Vừa dạy học vừa sáng tác, thầy là tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi với hàng chục vở kịch nói, kịch bản truyền hình, câu chuyện truyền thanh, cùng với hàng trăm tản văn, ghi chép, phê bình văn học, thơ ca, nhất là thơ Đường luật. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thầy lãng tử như một nghệ sĩ dân gian tài hoa, được nhiều người mến mộ.
Ở Bình Trị Thiên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng hầu như cả tỉnh ai cũng biết đến thầy Hải bởi tài vẽ tranh. Thầy vẽ nhiều tranh, song có hai đề tài thầy tâm đắc nhất là tranh về Bác Hồ và vẽ truyền thần chân dung liệt sĩ. Vẽ tranh nổi tiếng nhưng chưa bao giờ thầy tự nhận mình là họa sĩ. Thầy bảo mình chưa học qua trường lớp mỹ thuật nào, chỉ là người chép tranh. Theo thầy, vẽ ảnh Bác Hồ là sự đam mê và kính trọng vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu.
Tôi từng đến nhà xem thầy vẽ. Trong căn nhà cấp 4 dột nát, la liệt các bức tranh đã vẽ xong và còn dang dở, chủ yếu là tranh về Bác Hồ, rồi chân dung Các Mác, Lênin. Tôi cũng từng xem nhiều họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ nhưng thấy tranh của thầy Hải đẹp và rất sống động, toát lên thần thái tinh anh của vị lãnh tụ thiên tài mà thật gần gũi. Những bức tranh vẽ Bác Hồ ngồi làm việc bên chiếc bàn mây ở sân vườn Phủ Chủ tịch, Bác Hồ với bộ kaki trắng giơ tay chào, Bác mang quân phục đi Chiến dịch Biên giới là nhiều nhất. Các bức tranh bằng sơn dầu có kích thước khoảng 1,3m x 1,8m và nhỏ hơn một chút, được treo trang trọng ở hội trường tỉnh ủy, các công sở lớn hoặc ngã tư đường phố trung tâm của tỉnh, rất đẹp nên ai cũng nghĩ đó là ảnh chứ không phải tranh. Để có những bức tranh chân thực như vậy, thầy đã tiết kiệm từng đồng lương giáo viên ít ỏi để mua vải lanh, vải toan, sơn dầu và thuê người đóng khung. Vẽ xong, thầy chủ yếu đưa đi tặng, sau này có ý định đem bán để gây quỹ “Trái tim cho em”, nhưng mới bắt đầu thực hiện thì thầy đổ bệnh, ước mơ còn dang dở.
Có những bức tranh đã trở thành câu chuyện cảm động thời đánh Mỹ. Năm 1973, đặc khu Vĩnh Linh có nhã ý mua một bức chân dung Bác Hồ để treo trong hội trường, thầy Hải vẽ một bức ảnh của Bác cao gần 3m rồi gửi vào tặng. Khu ủy thấy bức tranh quá đẹp, đưa treo ở bờ bắc sông Bến Hải để bà con đôi bờ cầu Hiền Lương được ngắm Bác, khi cuộc kháng chiến chưa kết thúc. Năm ấy diễn ra cuộc trao trả tù binh, nghệ sĩ Bùi Á là người chụp bức ảnh của Bác trước lúc vào Nam chiến đấu. Ông bị bắt và bị đày đi Côn Đảo, rồi được trở về trong “đoàn quân chiến thắng” ra miền Bắc. Tới cầu Hiền Lương, gặp lại tác phẩm của mình được treo trang trọng nơi tuyến đầu miền Bắc, ông đã khóc hồi lâu nơi Vĩ tuyến 17 lịch sử. Rồi ông ra thị trấn Ba Đồn tìm gặp bằng được thầy Hải, người đã chép lại bức ảnh của mình đẹp như ảnh thật. Nghệ sĩ nhiếp ảnh và họa sĩ chép tranh vừa uống rượu vừa dốc bầu tâm sự. Câu chuyện xoay quanh về nguồn gốc tấm ảnh nổi tiếng, lại tản mạn về cái đẹp và cái khó khi vẽ đôi mắt của Bác Hồ. Người nghệ sĩ cảm phục thầy giáo vẽ tranh như thần, còn họa sĩ kính phục nghệ sĩ đi vào nơi hòn tên mũi đạn, bị đày đi Côn Đảo vẫn một lòng kiên trung với cách mạng...
Giờ đây, thầy Hải đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong căn nhà cấp 4 vẫn còn nhiều tranh ảnh và cọ vẽ, sơn dầu, bột màu. Những tấm tranh đã hoàn thành và còn dang dở như ước mơ đầy tính nhân văn của thầy. Theo anh Phan Xuân Dương, con trai cả của thầy (hiện sống ở Hà Nội) kể thì bố anh có khiếu vẽ và đã vẽ chân dung Bác từ rất sớm. Năm 1945 khi mới 13 tuổi, ông đã vẽ tranh Bác Hồ để rước trong ngày Tết Độc lập ở Nghệ An quê nhà. Những năm đất nước nghèo khó về kinh tế, cơm không đủ ăn, ông đã vẽ tranh phong cảnh và tranh Bác tọa trên đài sen, bán cho các gia đình treo trong nhà, lấy ít tiền nuôi con ăn học. Thầy Hải có 6 người con, nay các con đều thành đạt, đều là thạc sĩ, cử nhân khoa học.
Ngoài đam mê vẽ tranh Bác Hồ, thầy Hải còn có biệt tài vẽ truyền thần. Nhưng thầy vẽ nhiều nhất là chân dung các liệt sĩ. Những gia đình có người hy sinh, ảnh mờ hoặc thậm chí không có ảnh, thầy đều nhận vẽ giúp và hoàn toàn miễn phí. Qua miêu tả của người thân hoặc bằng trực giác, sự tâm huyết pha trộn chút tâm linh, những tấm hình của các liệt sĩ được hoàn thành ngoài mong đợi của thân nhân. Với tài đức vẹn toàn và nét vẽ tài hoa, dù nhiều người chưa một lần được làm học trò nhưng ai cũng trìu mến gọi ông là thầy Hải hoặc họa sĩ Phan Xuân Hải.
Bài và ảnh: XUÂN VUI