Nghệ thuật với công nghệ 3D
Được dàn dựng trên một sân hình tròn đường kính 21m, triển lãm đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” dẫn dắt người xem từ không gian ảo rồi dần đi đến hiện thực. Phần dẫn nhập được thiết kế là một con ngõ nhỏ quanh co đi qua các ngôi nhà mái ngói lô xô (nhà được phóng lên từ bức tranh “Phố” của họa sĩ Bùi Xuân Phái) tạo cảm giác về ngõ nhỏ-phố nhỏ của Hà Nội xưa.
Ba phần chính của triển lãm được phân theo 3 chủ đề: Tranh phố Hà Nội, Vẽ chèo, Ký họa gia đình và bạn bè. Mảng trình diễn tranh phố cổ Hà Nội với các bức tranh gốc đa phần là tranh nhỏ được phóng lớn lên hàng trăm lần, khiến cho màu sắc và bút pháp của Bùi Xuân Phái được hiển lộ các lớp bề mặt rõ nét hơn bao giờ hết. Loạt tranh vẽ chèo cũng rất đặc sắc bởi Bùi Xuân Phái từng có thời gian dài được các đạo diễn sân khấu mời thiết kế sân khấu và phục trang chèo cho các đoàn lưu diễn. Điều đáng nói, thay vì thưởng thức tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống là xem tranh treo ở các phòng trưng bày... thì lần này khách tham quan được đắm mình vào từng tác phẩm nghệ thuật, được trải nghiệm cảm giác như chính mình là một nhân vật trong đó thông qua các ứng dụng công nghệ đa dạng.
    |
 |
Triển lãm đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” mang đến trải nghiệm mới lạ cho công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh do Bảo tàng Hà Nội cung cấp |
Tại triển lãm, gần 200 tác phẩm để đời của họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping (phủ hình ảnh bằng ánh sáng lên vật thể 3D). 13 máy chiếu laser cao cấp của Panasonic-mang lại hình ảnh sắc nét với màu sắc trung thực để phóng lớn các bức tranh lên những mảng tường gấp khúc tạo ra hiệu ứng không gian có chiều sâu. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ Al deep learning trong nhận diện hình ảnh giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm. Không ít công chúng bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm trong không gian tương tác “Hãy đứng vào để danh họa Bùi Xuân Phái vẽ bạn…”. Hình ảnh của mỗi khách tham quan được ứng dụng Al deep learning học theo các đường nét và phong cách vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Từ đó tạo ra các hình ảnh phái sinh theo phong cách của ông...
Được biết, toàn bộ giải pháp trình chiếu và công nghệ được sử dụng trong triển lãm này là do Công ty Panasonic System Solutions Asia Pacific, Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam, Công ty TNHH Sense Art tài trợ thực hiện. Các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm được cung cấp từ nguồn tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các nhà sưu tập, gia đình và bạn bè đương thời của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Cách làm mới về quảng bá văn hóa
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Đặng Thị Khuê thực sự cảm động và bất ngờ khi gặp lại bức chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bà giới thiệu ở đây. Là người từng đứng ra tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho họa sĩ Bùi Xuân Phái, bà cảm thấy rất vui khi tác phẩm của ông một lần nữa lại đến được với công chúng. Bà nói: “Chúng ta có những tài năng đích thực ở nhiều lĩnh vực, những tên tuổi tạo hình có thể đứng ngang hàng với các tác giả trong khu vực và hơn thế. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, còn quá xa lạ với cả công chúng Việt Nam, chứ chưa nói tới thế giới. Triển lãm này đã đáp ứng với những mong mỏi bấy lâu nay của chúng tôi-những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Nó như một bảo tàng động, cho ta đi vào đời sống của nghệ sĩ, đi vào thế giới tinh thần phong phú và độc đáo của họ. Triển lãm như một bước ngoặt quan trọng trong cả nhận thức và cách quản lý văn hóa, cách làm truyền thông và bảo tàng trong thời đương đại”.
Ông Phạm Trung Hưng, Giám đốc Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam cho hay, sự phát triển vượt bậc của các công nghệ nghe nhìn và các ứng dụng hiện nay đã khiến anh nhen nhóm ý tưởng về một triển lãm đa phương tiện trong mỹ thuật. Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một tên tuổi lớn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tuy nhiên giới trẻ hiện nay nhiều người không biết ông là ai. Bởi thế, tôi đã đề xuất tổ chức triển lãm đa phương tiện về họa sĩ Bùi Xuân Phái-một tác giả tiêu biểu phản chiếu sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam nửa sau của thế kỷ 20. Qua đây, chúng tôi-những người thực hiện, bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, kỳ vọng mở rộng quan niệm về tham quan bảo tàng. Những ứng dụng của khoa học-công nghệ sẽ giúp công chúng trải nghiệm nghệ thuật theo một cách hoàn toàn mới.
Sau thành công của triển lãm này, tới đây vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Bảo tàng Hà Nội dự kiến tổ chức triển lãm đa phương tiện về tranh dân gian Hàng Trống. Có thể nói, nếu triển lãm được tổ chức thành công, sẽ khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ hiện đại để tái hiện những không gian nghệ thuật ấn tượng, nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, khẳng định vị thế văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trên dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại.
Bài và ảnh: HÀ THAO