Mái trường nhỏ bên dòng Cà Ty
Cuối tháng 5, trời Phan Thiết ngập tràn nắng. Nắng dát bạc trên sông Cà Ty vào buổi trưa và phủ màu tím biếc lên phố phường khi hoàng hôn buông xuống. Lần đầu đến TP Phan Thiết cách đây 33 năm, tôi được một thiếu nữ tên là Phượng Vĩ của trường Phan Bội Châu giới thiệu về con sông Cà Ty. Sông trải dài 65km uốn lượn khắp thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp. Đi dọc bờ sông Cà Ty, cảm nhận tâm hồn thư thái, yên bình. Hòa vào ánh mắt, chảy vào tâm hồn là màu xanh của sông nước, mây trời.
Di tích Trường Dục Thanh ở bờ Nam sông Cà Ty. Tọa lạc tại làng Thành Đức xưa, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết. Trường Dục Thanh là điểm đến của rất nhiều du khách khi về với phố biển. Đầu thế kỷ 20, nơi đây là cơ sở của Công ty Liên Thành-một tổ chức yêu nước nổi tiếng thời đó. Trường được xây dựng trên đất của gia đình cụ Nguyễn Thông. Công ty Liên Thành gồm 3 bộ phận với chức năng: Làm kinh tế gây quỹ hoạt động, tuyên truyền và quảng bá sách báo có nội dung yêu nước, mở trường dạy học cho con em những người yêu nước và lao động nghèo. Công ty này tuyên truyền, giáo dục theo nội dung yêu nước và tiến bộ của các chí sĩ sáng lập ở Phan Thiết, nhằm hưởng ứng Phong trào Duy Tân.
Trường Dục Thanh xưa là những dãy nhà rêu phong cổ kính xen kẽ những mảng cây xanh được chăm chút gọn gàng. Trải qua hơn một thế kỷ, mái trường nhỏ bên dòng Cà Ty vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc năm nào với hai căn nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ. Trong hai phòng học có treo bảng đen phía trước và bộ bàn ghế của giáo viên. Tôi đi qua phòng học nhỏ, đến Nhà Ngư phía bên phải mà cứ ngỡ như được gặp các thầy giáo, các học sinh năm xưa đang nghỉ ngơi, sinh hoạt tại đây. Ấn tượng nhất là phòng Ngọa Du Sào. Đây là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ của thầy và trò nhà trường. Ở căn phòng này Bác Hồ của chúng ta thường thắp đèn dầu đọc sách, bình thơ và suy ngẫm để tìm đường cứu nước.
Chị Trần Thị Ngọc Thu, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Bình Thuận, giới thiệu: "Hầu hết các di tích vẫn còn nguyên vẹn. Không chỉ dạy chữ đi đôi với dạy người, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền cho học trò lòng yêu nước, thương nòi, chí khí để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ". Nói đoạn, chị Thu dẫn tôi ra giếng nước nhỏ ở phía sau phòng Ngọa Du Sào. Nước giếng trong veo, mát lạnh. Ngày trước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường ra giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây khế do cụ Nguyễn Thông trồng cùng nhiều loại cây khác trong trường. Du khách đến đây đều muốn múc một gầu nước rửa mặt và tưới cây để có cảm giác khoan khoái, gần gũi với thiên nhiên và nhớ đến Bác.
    |
 |
Lễ hội cầu ngư được tổ chức ở Khu di tích Trường Dục Thanh, tháng 8-2020. |
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong trái tim phố biển
Đã chiều muộn mà cụ Võ Văn Quang, 86 tuổi, ngụ tại phường Đức Thắng vẫn chống gậy đứng ngắm những hiện vật đã gắn bó với Bác Hồ một thời. Đây là bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác nằm mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, kia tráp văn thư, nghiên mài mực, khay và ly uống nước... của Người. Cụ Quang gật gù: “Tuần nào tôi cũng nói đứa cháu nội đưa ra đây một lần. Chỉ cần ngắm nhìn các kỷ vật này và hòa mình vào cây cối xanh tươi ở trường là thấy rất khoan khoái, dễ chịu trong người và như được thấy Bác bên mình. Vào phòng Ngọa Du Sào, ai cũng cảm thấy như ngọn đèn dầu ở đây luôn thức cùng Bác suốt hơn 100 năm qua”.
Không chỉ cụ Quang mà một số phụ nữ, các cháu thiếu nhi và du khách cũng có chung cảm xúc như vậy. Bao năm nay, Trường Dục Thanh không chỉ là một khu di tích đặc biệt mà người dân Bình Thuận còn coi nơi đây là cái nôi của tinh thần hiếu học và tình yêu quê hương, đất nước.
Dắt con gái 6 tuổi đi dạo trong vườn, chị Lê Thị Hải Yến, ngụ tại phường Phú Trinh xúc động bộc bạch: “Mỗi lần đến đây, tôi đều nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Lê Nguyên Ngữ: "Khu di tích con vào/ Ve đã gọi hè sang/ Mừng sinh nhật thầy/ Phượng dâng ngàn cánh đỏ/ Lớp tuổi chúng con như học trò ngoại khóa/ Bài vỡ lòng đầu tiên/ Là mãi mãi nhớ ơn Người". Con gái chuẩn bị vào lớp 1 nên tôi muốn cháu biết về Bác Hồ và truyền thống của quê hương”.
Ở lối đi vào trường, tôi còn thấy các cháu học sinh chụp hình cho khách bằng điện thoại thông minh. Cháu Trần Phương Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, tụi con hay đến Trường Dục Thanh. Thích nhất là được ngắm cây lá xanh mướt trong vườn và hướng dẫn cho du khách tham quan. Chúng con cũng cho mọi người biết thiếu nhi Phan Thiết yêu Bác Hồ biết chừng nào. Vì thế, mỗi khi có bạn đạt thành tích tốt trong học tập, làm được điều hay là đều đến Trường Dục Thanh để khoe với Bác”.
Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: Khu di tích Trường Dục Thanh là một tài sản tinh thần vô giá. Bình Thuận đang triển khai nhiều hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc đón làn sóng đầu tư mới vào tỉnh với nhiều dự án bất động sản, làm sân bay, du lịch, dịch vụ, thương mại, kinh tế biển đảo... Di tích Trường Dục Thanh là địa chỉ văn hóa thu hút du khách. Đứng trước tượng đài Bác Hồ bên dòng Cà Ty để cảm nhận tình cảm của Người dành cho cảnh vật, con người nơi đây. Tình cảm ấy sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận phấn đấu vươn lên.
TP Phan Thiết-TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2021
Bài và ảnh: PHÚ HƯNG