QĐND - Ngày 19-5-1946, khi đến chúc mừng sinh nhật Bác Hồ tại Hà Nội, các cháu thiếu nhi đã biểu diễn một bài hát mới, nói về tình cảm của tuổi thơ đối với Người. Bài hát có tên: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã. Đến nay, bài hát ấy đã 71 “tuổi đời” nhưng vẫn vang lên rất vui tươi, đầy thiết tha và được nhiều người yêu thích.
 |
Nhạc sĩ Phong Nhã. Ảnh: Lê Kiều Chi
|
Trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2015), Hội đồng Đội Trung ương phát hành một MV với sự tham gia của 1.500 người cùng hòa điệu, biểu diễn bài hát thân quen đã đi cùng năm tháng này. Đặc biệt, trong MV có sự xuất hiện của nhạc sĩ Phong Nhã, ông mặc áo trắng, thắt khăn quàng đỏ, đệm đàn piano cho các cháu thiếu nhi cất những lời ca trong trẻo. MV ca nhạc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng" tạo được hiệu ứng xúc động lớn trong lòng khán giả. Và với riêng Phong Nhã, ngay từ những thanh âm thánh thót dạo những giai điệu đầu tiên của ca khúc, ông đã thấy như được trở về một thời tuổi trẻ.
Đó là những ngày mùa thu cách mạng năm 1945. Lúc này, Phong Nhã đang là Bí thư Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Những tình cảm ân cần của Bác Hồ dành cho thiếu nhi ngay sau ngày đất nước độc lập thể hiện qua 2 lá thư của Người viết gửi cho các cháu nhân dịp khai trường và Tết Trung thu, đã khiến người nhạc sĩ trẻ tuổi hết sức xúc động và nung nấu ý muốn sáng tác một bài hát về đề tài này. Một lần, khi đang cùng các cháu trong đội thiếu nhi Nguyễn Thái Học đi ngang qua khu vực Bộ Ngoại giao, nhạc sĩ Phong Nhã nhìn thấy Bác Hồ. Khi đến gần các cháu thiếu nhi, Bác đưa hai tay ra vẫy chào, dáng điệu của Người vô cùng dịu dàng, ấm áp, trìu mến. Rồi sau đó, Phong Nhã có một hạnh phúc lớn là được gặp và trò chuyện với Bác về đội thiếu nhi Hà Nội, tại Bắc Bộ Phủ vào một buổi trưa.
Cuộc gặp gỡ với Bác Hồ tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng để lại trong Phong Nhã nhiều tình cảm và suy nghĩ. Ý muốn viết một bài hát về tình cảm của thiếu nhi dành cho Bác Hồ ngày càng thôi thúc. Cuối cùng, người nhạc sĩ trẻ đã tìm được tứ cho bài hát từ chính những câu hỏi thường xuyên của anh phụ trách đội trong những buổi họp thiếu nhi: "Các cháu yêu ai nhất? Ai yêu thiếu niên, nhi đồng nhất?". Khi được hỏi vậy, các em thiếu nhi luôn hô vang: "Bác Hồ yêu thiếu niên, nhi đồng nhất". Ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” đã được ra đời rất nhanh, chỉ trong một đêm. Trong ca khúc này, danh xưng đầy thân thương, trìu mến “Bác Hồ” lần đầu tiên được sử dụng.
Ra đời vào những ngày cuối năm 1945, ngay đầu năm 1946, bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” được trao giải nhất trong cuộc thi do Ban Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức. Đến năm 1999, ca khúc được bầu chọn là bài hát hay nhất về Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là một trong những bài hát có số phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn "50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20" do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 2000. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ bút tích đầu tiên của ca khúc này, thời gian sau đó, nhạc sĩ Phong Nhã còn chép tặng Bảo tàng Bến Nhà Rồng một bản để trưng bày.
 |
Học sinh Trường Trưng Vương đến chúc thọ Bác Hồ năm 1956. Ảnh tư liệu
|
Trọn cuộc đời lao động nghệ thuật, người nhạc sĩ đã dành hết tài năng và nhiệt huyết cho tuổi trẻ. Cái tên Phong Nhã đã in đậm trong tâm hồn thiếu nhi Việt Nam với những ca khúc nổi tiếng: "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Hành khúc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh"... Trong gia tài âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tác khoảng 250 bài hát. Nhiều thế hệ thiếu nhi trưởng thành cùng những giai điệu đầy thúc giục, tự hào trong âm nhạc của ông. Và những lứa thiếu nhi ấy, khi lớn lên rồi, nghe con cháu mình hát nhạc của Phong Nhã vẫn thường dành cho ông sự mến mộ và tự hào.
Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1924, tại một làng quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nhà nghèo, cuộc sống vất vả, thiếu thốn nhưng cậu học trò Nguyễn Văn Tường luôn say mê âm nhạc, tỏ ra thích thú với mấy cây đàn, ống sáo. Thấy cậu học trò có năng khiếu âm nhạc, chơi được sáo trúc và đàn măng-đô-lin, thầy giáo đã phân công Nguyễn Văn Tường làm quản ca trong đội nhạc của trường. Năm 1944, Nguyễn Văn Tường về nông thôn tham gia hoạt động thiếu nhi, lập ra đội thiếu nhi của làng Ngọc Động quê mình, được Việt Minh xã Hoàng Đông kết nạp vào tổ chức. Cứ băn khoăn mãi về chuyện không có một bài ca nào để kêu gọi, cổ vũ lớp măng non với khí thế thật sôi nổi nên Tường quyết định viết ca khúc mới, có tên “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, rất tươi tắn và phù hợp với giọng ca của các em thiếu nhi. Sáng tác đầu tiên dành cho thiếu nhi ấy đã mở đầu cho hàng loạt những sáng tác sau này của Phong Nhã và nói như nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu thì Phong Nhã đã trở thành “ông vua âm nhạc thiếu nhi”.
Bước qua tuổi 90, vào những ngày trời đẹp, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn chống gậy đi dạo ở Bờ Hồ. Gặp ông, nói chuyện với ông về những khúc ca cho thiếu nhi rộn ràng, sôi nổi khi xưa, đôi mắt người nhạc sĩ dường như vẫn lấp lánh niềm vui hồn nhiên của cậu học trò đam mê thổi sáo và niềm say mê của anh chàng phụ trách đội năm nào.
BẢO MINH