Bác Hồ là vị Cha chung
Là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương
(Ca dao)
Bác Hồ muôn vàn kính yêu sinh ra từ xứ Nghệ, đi ra khắp năm châu, bốn biển, hấp thu tinh hoa văn hóa toàn nhân loại và trở thành nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới.
Nhưng có một cội nguồn Bác không bao giờ quên, đó là tiếng Nghệ. Cái ngôn ngữ đặc biệt đó là địa chỉ văn hóa, là thành tố văn hóa và là thành tố quan trọng bậc nhất của văn hóa xứ Nghệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ quê hương suốt cả cuộc đời với nhiều hoàn cảnh, thời gian khác nhau, sử dụng các loại hình đa dạng và hóm hỉnh, tự nhiên.
 |
Nhân dân xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đón Bác Hồ về thăm quê, năm 1957. Ảnh tư liệu. |
Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, với giọng Nghệ ấm áp, Bác hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? vô cùng thân thiết, làm nức lòng quốc dân đồng bào trong ngày độc lập đầu tiên.
Vào cuối năm 1946 tại Bắc Bộ phủ (nơi làm việc của Bác Hồ lúc đó), Bác Hồ đã gặp lại anh Cả Khiêm thân yêu của mình sau mấy chục năm xa cách. Hai anh em ôm chặt lấy nhau. Bác Hồ cảm động thốt lên thành lời:
Chốc đà mấy chục năm trời
Còn non còn nước còn người hôm nay
Anh Cả của Bác đọc câu họa lời cùng Bác Hồ:
Thỏa lòng mong ước bấy nay
Nước non rợp bóng cờ bay đón Người.
Sau lúc hàn huyên về chuyện gia đình, làng xã, quê hương đất nước, bác Cả Khiêm hỏi Bác Hồ:
- Tôi muốn hỏi riêng chú, việc gia đình riêng của chú ra sao?
Bác Hồ trả lời bác Cả Khiêm:
- Cảm ơn anh, em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Đến nay thì:
- Đã tu tu trót, qua thì thì thôi
Rồi tiếp đến kháng chiến trường kỳ và kết thúc bằng đại thắng Điện Biên Phủ, bao tấm gương anh hùng làm rạng rỡ non sông. Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (quê huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai trên đồi Him Lam trong trận mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, được Bác Hồ biểu dương:
Hy sinh vì nước là thơm
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
Những câu lục bát vừa nhắc lại trên đây của Bác Hồ đều là những câu lẩy Kiều, tập Kiều, một phong cách ngôn ngữ quen dùng của nho sĩ, trí thức xứ Nghệ.
Hơn 50 năm xa cách, năm 1957 Bác Hồ mới có dịp về thăm quê lần đầu. Bác vui mừng và cảm động khi nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14 tháng 6 năm 1957. Bác nói:
Chúng ta đoàn kết một nhà
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu.
Bác nói tiếp: Tôi là con của tỉnh nhà, đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu về thăm tỉnh nhà, có thể nói là:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Những câu lục bát Bác dùng mang đậm dấu ấn ca dao xứ Nghệ, được Bác nâng lên đi sâu vào lòng người, cho đến nay đã 52 năm mà mọi người còn nhớ mãi.
Trong hai lần Bác Hồ về thăm quê, năm 1957 và năm 1961, Bác đã để lại những câu chuyện ngôn ngữ xứ Nghệ thật khó quên.
Bữa đầu đón Bác về thăm Nghệ An, đồng chí Nguyễn Trường Khoát (Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Sỹ Quế (Chủ tịch tỉnh) đưa Bác vào nơi nghỉ. Đồng chí Quế kể lại: “Chờ Bác thay quần áo xong, tôi và anh Khoát vào thăm Bác. Bác mặc một chiếc quần đùi nâu và một chiếc áo may ô. Bác bảo chúng tôi ngồi và Bác ngồi bên cạnh. Chúng tôi vừa nói được mấy câu hỏi thăm sức khỏe Bác thì Bác hỏi tôi ngay:
- Chú là người Nghi Lộc à?
- Thưa Bác, cháu người Hưng Nguyên nhưng tiếng nói lại giống tiếng Nghi Lộc.
Bác cười nói:
- Hồi ở Thái Lan, Bác ở chung với một đồng chí quê Nghi Lộc. Khi ngồi nói chuyện, ai cũng cười là dân cà có cuống, cà có đuôi (1).
Chuẩn bị cho chuyến về thăm quê lần này của Bác, có người tháp tùng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu ủy Khu IV lúc bấy giờ, đã nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An:
- Bác chúng ta sinh ra trên đất Nghệ, thiếu thời Bác sống ở Nghệ An và Huế. Bác rất thích ví dặm, phường vải Nghệ Tĩnh và hò Huế. Hôm nào Bác vào, các ông chọn mấy tiết mục đặc sắc để biểu diễn mời Bác xem.
Trước buổi diễn, Bác vui vẻ hỏi thăm từng người. Đến anh Nghĩa, quê ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) Bác gật đầu mỉm cười và nhại giọng: Nghi Lộc à? Con méo phải không? Ở Nghi Lộc, con mèo thì nói là con méo chứ gì? Rồi Bác nói đặc tiếng Nghi Lộc: Con méo mà tréo cây cau, làm mọi người cười ran vui thích.
Chuẩn bị cho buổi biểu diễn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đích thân chỉ đạo một số tiết mục. Các cháu văn công Nghệ An biểu diễn say sưa, tiếng dân ca cất lên bay bổng tình tứ, ngọt ngào, ngân vang, mênh mang như dòng sông Lam quê Bác:
... Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi.
Chờ hết câu hát, Bác nói với anh Thanh, anh Khoát, anh Quế ngồi bên cạnh: Tiếng Nghệ không nói nước mà nói nác và trong tình yêu trai gái nghĩa thì nói là ngãi:
Nác non là ngãi là tình ai ơi
Anh Thanh nhẩm đi, nhẩm lại rồi nói giọng Huế nhỏ nhẹ:
- Như thế mới đúng phong vị đặc sắc của dân ca xứ Nghệ.
 |
Bác Hồ thăm lại ngôi nhà ở quê nội (Làng Sen, xã Kim Liên), tháng 12-1961. Ảnh tư liệu |
Ngày 18 tháng 5 năm 1969, Đoàn văn công Quân khu IV đi cùng đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua của quân khu ra báo cáo thành tích chống Mỹ với Trung ương và Bác Hồ. Trước lúc biểu diễn để Bác và các đồng chí Trung ương xem, Bác ân cần hỏi thăm quê quán từng người. Biết Mai Tư quê ở Đô Lương, Bác cười: Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương. Bác lại hỏi:
- Trong ta chừ có dệt vải nữa không?
- Dạ thưa Bác có ạ.
- Có phường vải không?
- Dạ, không có phường như trước, bà con đã vào hợp tác xã làm ăn cả.
- Rứa cháu có biết hát phường vải không?
- Dạ thưa Bác có ạ!
Bác bảo Mai Tư hát một câu mà các cụ ngày xưa hay hát. Mai Tư thưa với Bác:
- Dạ cháu biết hát phường vải nhưng không biết hát lời cũ ạ.
Bác bảo:
- Thì cháu lấy câu ni để hát nhá: Khuyên ai chớ lấy học trò… Cháu tiếp đi!
- Dạ có phải dài lưng tốn vải ăn no lại nằm không ạ!
- Giờ cháu tiếp câu thứ hai đi.
Mai Tư lúng túng không biết, Bác nhắc:
Lưng dài có võng đòn cong
Áo dài đã có lụa hồng vua ban
Mai Tư hát câu Bác vừa nhắc theo điệu ví phường vải Nghệ An (điệu dân ca mà mẹ và dì An của Bác cùng bà con quê hương thường cất lên văng vẳng từ thuở Bác còn nằm nôi). Nhưng Mai Tư đã nhớ sai đòn cong thành vòng tôm.
Bác cười:
- Đòn cong chớ!
Đến lượt Minh Huệ đứng dậy thưa với Bác:
- Bây giờ cháu xin hát điệu ru em, dân ca miền Trung theo lời cũ ạ.
À ơ ơ... Ru em em ngủ cho muồi...
Bác sửa lại:
Ru tam, tam théc cho muồi… (2).
(tam tiếng Nghệ cổ là em, théc là ngủ).
Đó là buổi biểu diễn cuối cùng của đoàn văn công Quân khu IV mà Bác nghe các câu hò ví dặm cùng lời ru quê hương trước lúc Người đi xa.
Bác không chỉ thích lẩy Kiều, tập Kiều, nghe hát dân ca xứ Nghệ mà Bác còn dí dỏm, hóm hỉnh, vui đùa bằng ngôn ngữ quê hương.
Ông Phạm Khắc Hòe, trong tác phẩm Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc kể lại, vào đêm đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc, ông được ngủ chung với Bác Hồ, Bác bảo ông đọc thơ. Bài thơ Câu cá gỗ ông đọc cho Bác có hai câu cuối:
Ba tháng công toi câu cá gỗ
Hồ Gươm Tây lại thả ông ra
Bác bảo Bác thích bài này nhưng phải sửa một chữ.
Ông Hòe nói:
- Thưa Bác, cần sửa chữ nào, xin Bác chỉ giáo cho, cháu nghĩ mãi không ra.
- Chú cứ suy nghĩ đi, thế nào qua một đêm chú cũng nghĩ ra mà.
Ông Hoè nằm nhẩm đi nhẩm lại bài thơ, suy nghĩ mãi không ra và nằm ngủ thiếp đi luôn… Đến khi thức dậy thì đã hơn 6 giờ. Chiếu, chăn màn, gối nơi Bác nằm đã dọn đi cả rồi. Ông đang vội vàng thu dọn chỗ nằm thì Bác từ cầu thang bước lên nói:
- Mình định thức chú dậy đi tập thể dục với mình, nhưng thấy chú còn ngủ ngon, mình không thức. Nhà thơ đã tìm ra chữ nào nên sửa chữa?
- Thưa Bác cháu tìm mãi không ra. Xin Bác dạy cho.
- Câu cuối cùng phải thay chữ ông bằng chữ tau thì mới đúng là giọng cá gỗ! (3) (tiếng Nghệ tau tức là tao).
Về giai thoại cá gỗ của ông đồ Nghệ, Bác Hồ khá thích thú và nhắc lại nhiều lần rất hóm hỉnh, còn có nét pha chút tự hào.
Tháng 5 năm 1980, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu IV, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ - đã kể lại:
“Một lần Văn phòng Phủ Chủ tịch tát ao bắt được rất nhiều cá. Bác dặn: Con to thì gửi biếu gia đình cụ Tôn, chú Ba, chú Trường Chinh, chú Giáp, cô Thập, chú Trinh, anh Lành… mỗi nhà một con, còn nữa thì nuôi tiếp để dành tiếp khách. Chủ nhà ăn cá trắt.
Bác giải thích: Ở quê choa, cá nuôi lâu mà không lớn thì gọi là cá trắt-thịt chắc, cũng rất ngon. Chỉ tội nhìn vào đĩa không oai thôi!
Bữa trưa đó, Bác khao cá cả cơ quan Văn phòng. Cá trắt nên rất nhiều xương. Bác gắp một chiếc xương sống cá giơ lên rồi hỏi:
- Đố các cô, các chú biết có loại cá nào không có xương không?
Mọi người ngơ ngác không hiểu đó là loại cá gì, có người hỏi Bác:
- Thưa Bác, là cá biển hay là cá sông?
Bác cười rất vui:
- Không phải cá biển, không phải cá sông mà cũng chẳng phải cá hồ.
Khi mọi người chịu thua không biết, Bác cười rất to, nói rất to:
- Đó là con cá gỗ quê choa! (tiếng Nghệ choa là tao).
Cá to đem biếu, để dành đãi khách, cá nhỏ đem ăn, nói chuyện trạng cho thêm “ngon tai”, phải chăng tinh thần tiết kiệm của ông đồ Nghệ đang vang vọng trong tâm thức Bác”(4).
Phải là dân Nghệ chính gốc nhiều đời mới sử dụng ngôn ngữ xứ Nghệ thành thạo như Bác Hồ. Phải yêu mến quê hương xứ sở, tự hào với quê hương dù nó là một vùng quê còn nghèo, quanh năm “tương cà là gia bản”.
Đã trăm nghìn thế hệ vẫn ưa nhút ưa cà.
Hồi còn ở Việt Bắc, Tỉnh ủy Nghệ An cho muối một hũ cà nhỏ đem ra biếu Bác. Khi nhận món cà ấy, Bác hỏi cà ở đâu? Đồng chí Lê Huy Điệp, người được tỉnh cử mang cà tặng Bác đã thưa: “Dạ, cà của Nghi Lộc ạ”. Bác vui vẻ nhận quà rồi nhắc đến câu ca dân gian xứ Nghệ:
Xưa kia em ở dưới sông
Vì chưng Nghi Lộc em trồng lên khô
Bác rất thích ăn món cà muối Nghi Lộc, nhưng hôm đó Bác bảo đem cất để dành. Nhân có cuộc họp Trung ương, Bác cho mang ra để cả hội nghị cùng được ăn. Đúng lúc đó Bác giới thiệu: Cà xứ Nghệ nhà choa đó.
Dấu ấn sâu đậm của ngôn ngữ xứ Nghệ trong nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh là như thế đó. Có thể kể mãi mà vẫn chưa hết, kể mãi mà vẫn muốn nghe thêm.
Bác Hồ là nước là non
Là vầng trăng sáng ôm hôn đất này
(thơ lục bát của dân xứ Nghệ)
Nhưng Bác Hồ vẫn mãi mãi là:
Một người con xứ Nghệ
Một con người xứ Nghệ. (5)
(thơ Huy Cận)
(1) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An, 1990, trang 305.
(2) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB tác phẩm mới, H, 1980, trang 230, 231.
(3) Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, NXB Hà Nội, 1983, trang 289.
(4) Người xứ Nghệ, tập II, NXB Nghệ An, 2007, trang 307, 308.
(5) Thơ Nghệ An thế kỷ XX, NXB Nghệ An, 1999, trang 591.
NGUYỄN TRUNG HIỀN