 |
Phút thả hồn mình sau tiếng kèn saranai của Trượng Tốn
|
Là người đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Chăm, Trượng Tốn (68 tuổi), được xem là một cây đại thụ trong nền văn hóa Chăm-pa thời hiện đại. Đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng với trình độ hiểu biết về văn hóa và âm nhạc Chăm-pa, Nghệ nhân dân gian Trượng Tốn vẫn miệt mài đem tiếng kèn Saranai để thu hút du khách đến với Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). Đến nay, tiếng kèn của ông vẫn chưa có ai so sánh được...
Nghệ sĩ dân gian còn “sót” lại
Sinh ra ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa Chăm-pa. Mẹ của Trượng Tốn là một phụ nữ Chăm tuyệt vời bởi tính đảm đang, cha là người am hiểu tường tận về các nhạc cụ và âm nhạc Chăm-pa. Ông được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp của người mẹ và lòng yêu âm nhạc của người cha nên âm nhạc Chăm-pa đã đi vào tâm hồn ông lúc nào không hay biết. “Đặc điểm của âm nhạc Chăm là không có bài nhạc, mà chỉ viết bằng ký hiệu rồi truyền cho nhau qua cách thấu hiểu của từng người” - ông Tốn tâm sự. Lúc 16 tuổi, Trượng Tốn bắt đầu theo cha đi hát xướng tại các đám ma, đám chà-và (Lễ tôn chức vũ sư của người Chăm), Hội múa đầu năm (tiếng Chăm gọi là Ri-chà-nư-cành), Lễ hội đầu năm của gia tộc (Ri-chà-ha-rây), đây là những lễ hội chào đón năm mới của cả làng, của gia tộc, do ông Bóng (Ôn-ca-ing) múa và ông thầy vỗ trống pa-ra-nưng làm chủ lễ.
18 tuổi, ông đã rành rẽ các ngón nghề lấy hơi, thổi saranai. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì mình đã học, Trượng Tốn lại tiếp tục theo cha “tầm sư học đạo”. Năm 20 tuổi, Trượng Tốn đã là một nghệ sĩ Chăm đích thực, ông sử dụng được tất cả các nhạc cụ của dân tộc Chăm và bắt đầu đi hát riêng, rồi đi thực tế tại các làng Chăm để học hỏi thêm. Vài năm sau, khi phong trào học chữ quốc ngữ của bà con người Chăm phát triển mạnh mẽ, ông thôi làm nhạc công, chuyển về dạy học ở Trường Tiểu học cộng đồng làng Hữu Đức, là nơi tập trung học sinh người Chăm của toàn bộ tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận và Ninh Thuận, thời đó có 22 thôn Chăm, trong đó có 7 làng theo đạo Hồi - Hồi giáo).
Tháng 12-1969, khi một người Pháp thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm ở Ninh Thuận và biết được trình độ uyên bác của ông về văn hóa Chăm, đã mời ông về làm nghiên cứu cho Trung tâm này đến năm 1975. Đây là những ngày tháng giúp ông có cơ hội để được nghiên cứu kỹ hơn về văn hóa của dân tộc mình. Sau chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cách mạng tiếp quản Trung tâm này và ông lại tiếp tục ở lại nghiên cứu. Đến năm 1977, ông được mời tham gia Ban biên soạn sách giáo khoa cho người Chăm do Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập. Năm 1991, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng mời ông về làm việc cho Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải. Rồi năm 1993, ông tiếp tục niềm đam mê nhạc Chăm khi đích danh Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Thuận thời đó là đạo diễn Nguyễn Hải Liên mời về làm việc cho Đoàn Nghệ thuật Chăm tỉnh Bình Thuận.
Với những cống hiến cho văn hóa Chăm pa, năm 2002, ông là người Chăm đầu tiên được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Chăm. Năm 2004, ông chuyển ra làm việc tại Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm - Mỹ Sơn cho đến nay.
Người độc tấu saranai
Du khách khi đến với Mỹ Sơn không khỏi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện trên sân khấu một vóc dáng nhỏ bé, gầy gò nhưng những bản độc tấu kèn saranai của ông thì thật tuyệt vời, làm say mê lòng người (Trong văn hóa Chăm, kèn saranai thuộc bộ hơi cùng với tù và, còn bộ gõ gồm trống ghi-năng, trống pa-ra-nưng, tămkhe’k, lục lạc, chiêng có núm). Ông đã từng mang tiếng kèn của mình đi biểu diễn từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… rồi sang In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Lào… những năm 1975-1979.
 |
Nghệ nhân Trượng Tốn đang biểu diễn ở Mỹ Sơn
|
Nghệ nhân Trượng Tốn thổi được tất cả các điệu nhạc ứng với 72 điệu trống của âm nhạc Chăm-pa như điệu: Pìdền, tiong, cà măng, patra, kache’k, achong… Vận lại chiếc áo Ao - Chăm, chiếc váy Khăn - bek, quấn lại chiếc khăn sếu ngang đầu, bản độc tấu saranai của nghệ nhân Trượng Tốn cất lên trong nhịp điệu của trống ghi-năng, trống pa-ra-nưng, trống hagărsit, tămkhe’k, chiêng núm và khúc dạo đàn cha pi… Tiếng kèn của ông làm mê say người nghe bởi tính mạnh mẽ và tinh khiết. Ông thổi saranai bằng cả một tấm lòng, và khi đến đoạn cao trào của điệu chà-và, người nghệ nhân dân gian Trượng Tốn lần lượt tháo rời phần loa, phần thân, chỉ còn giữ lại phần chuôi kèn trên môi, rồi dùng hai bàn tay để múa chứ không còn giữ kèn nhưng mạch âm thanh vẫn không bị ngắt quãng. Hàng trăm khán, thính giả trong căn nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm Duy Xuyên như bị cuốn vào tiếng nhạc vút cao, mạnh mẽ của ông. Dòng âm thanh kỳ lạ cứ chảy mãi, chảy mãi trên môi người nghệ nhân già nua ấy…
Mỗi ngày phải đảm nhận hai suất diễn. Đã nhiều học trò qua sự đào tạo của ông, nhưng cũng chưa có ai kế thừa được những ngón nghề độc đáo trong kỹ thuật độc tấu kèn saranai, bởi theo nghệ nhân Trượng Tốn: “Một người độc tấu saranai hay phải có kỹ thuật lấy hơi tốt và điêu luyện”.
Ông Nguyễn Hường - Trưởng Ban quản lý khu di tích Mỹ Sơn tâm sự: “Khách du lịch đến với Mỹ Sơn và quay lại nơi đây không những vì Mỹ Sơn có một vẻ đẹp tiềm ẩn, mà bởi ở đây có tiếng kèn của nghệ sĩ Trượng Tốn”.
Không cần giữ lại những bí mật “ngón nghề” cho riêng mình, hiện nghệ nhân Trượng Tốn vẫn ấp ủ ước mơ viết sách, viết tư liệu về nhạc cụ truyền thống của người Chăm, ghi lại những ký âm, nhạc lý… Ông Tốn lý giải: “Sau khi hoàn thành, những cuốn sách này sẽ góp phần bổ sung tư liệu cho kho tàng văn hóa Chăm, mặt khác lại giúp cho những thế hệ về sau dễ tiếp thu hơn với nền nhạc cổ này”.
Bài và ảnh: P.HỒNG