QĐND - 20 năm, vẫn bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng, bà đã khôi phục thành công lụa Vân và một số dòng lụa Hà Đông quý hiếm. Bà là một trong những người đi đầu khởi tạo lại một làng nghề tưởng chừng đã thất truyền. Lụa Hà Đông hồi sinh! là nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, người vừa được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt Công dân Thủ đô ưu tú 2015.

Cơ sở dệt lụa Vân thủ công duy nhất

“Những ngày đầu tháng 9-2015, dải lụa Hà Đông, Việt Nam, tung bay ở kinh thành Viên (Vienna) của Cộng hòa Áo. Hoa hậu Trái Đất Ka-ti-a Oác-nơ (Katia Wagner) phải thốt lên rằng: “Lụa Hà Đông thật mềm mại, ấm áp và quyến rũ”. Còn nhà thiết kế La Hồng (người Áo, gốc Việt), sau khi thiết kế bộ sưu tập áo dài “12 mùa hoa” bằng lụa Hà Đông để trình diễn trong sự kiện văn hóa “Ngày Việt Nam”, đã bày tỏ sự thích thú và đánh giá cao dòng lụa từ thiên nhiên này. Và còn biết bao những sự kiện thời trang trên thế giới mà các nhà tạo mẫu như Minh Hạnh, Lan Hương… đã sử dụng lụa Hà Đông.

Bà Tâm kể, ánh mắt không giấu được niềm tự hào. Có lẽ vì vậy, mỗi dịp ra nước ngoài quảng bá sản phẩm của quê hương, bà luôn sử dụng những trang phục do chính tay bà dệt và luôn nhận được thiện cảm từ các bạn hàng.

Bà Tâm giới thiệu sản phẩm lụa Vân thủ công với du khách nước ngoài.

Đến cơ sở sản xuất của bà Tâm, qua tìm hiểu mới thấy sự thăng trầm của những dòng lụa quý. Theo bà Tâm, những năm 90 của thế kỷ trước, lụa sản xuất ra không bán được. Bản thân những người trực tiếp sản xuất lụa chưa từng được sử dụng sản phẩm của mình và cũng không biết gì về thị trường. Các gia đình chỉ biết làm thuê cho hợp tác xã. Khi nền kinh tế thị trường mở ra, hoạt động của hợp tác xã gặp khó khăn, các gia đình bỏ nghề đi tìm việc khác. Những chiếc khung cửi bỏ không, chỉ còn một vài gia đình giữ nghề. Rồi giá nguyên liệu tơ tăng, giá thành một chiếc áo lụa cũng tăng vọt trong khi các chất liệu tơ pha ni-lông, đũi ngoài thị trường giá chỉ bằng 1/4, 1/5 giá vải lụa. Điều này đã khiến không ít người “bán rẻ” thương hiệu của làng nghề bằng việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho khách.

Mất thương hiệu là mất tất cả. Bà Tâm đau đáu suy nghĩ. Để cứu thương hiệu lụa Hà Đông thoát khỏi sự nhập nhằng với hàng chợ cần phải tạo ra sản phẩm khác biệt. Bà Tâm tự đặt câu hỏi: “Muốn làm những cái độc đáo, những cái chưa ai làm, vậy tại sao lại không khôi phục những loại vải đã làm nên thương hiệu của lụa Hà Đông xưa. Chỉ có những sản phẩm ấy mới không khiến lụa Vạn Phúc trở thành hàng chợ và giữ được thương hiệu của làng”.

Sản phẩm đầu tiên bà Tâm nghĩ đến là lụa Vân - thứ lụa đặc biệt, mượt, nhẹ, xốp, “đặc sản” của lụa Vạn Phúc nức tiếng cả vùng. Được sự giúp đỡ của bố chồng là cụ Triệu Văn Mão, bà đi khắp các hộ gia đình trong làng xin hoặc mua lại những khuôn mẫu vải về để làm. Bà Tâm nhớ lại: “Biết tôi có tâm huyết với nghề truyền thống, nhiều cụ già trong làng đích thân mang vải đến tặng. Việc làm đó làm tôi rất xúc động, thôi thúc thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu”.

Suốt một thời gian dài tỉ mẩn bên khung cửi, sau không biết bao nhiêu lần thất bại, cuối cùng bà Tâm đã tìm được bí quyết dệt lụa Vân tưởng mãi mãi thất truyền. Hiện nay, gia đình bà là hộ duy nhất ở Vạn Phúc còn dệt lụa Vân bằng phương pháp thủ công. Gian truân qua nhiều năm, cùng với những người trong gia đình, bà đã lần lượt phục chế thành công các loại lụa quý như lụa sa trơn, lụa xuyến 7, lụa quế trơn…

Tìm lối ra cho sản phẩm

Giữ được sản phẩm truyền thống đã gian nan, bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm lại nan giải hơn nhiều. Bà Tâm suy nghĩ, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã đẹp thì phải nắm bắt được tâm lý, đồng thời truyền được cảm hứng và tình yêu lụa đến với khách hàng. Nghĩ vậy, bà Tâm có một quyết định táo bạo, đảm nhận xưởng sản xuất lụa của hợp tác xã, thuê thợ cùng gia đình giữ nghề. Còn bà quyết một mình đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Sản xuất hàng đến đâu, bà lại ngược xuôi khắp các vùng miền để ký gửi. Lúc bắt xe đi Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng rồi ngược Điện Biên chỉ để giới thiệu những tấm vải lụa.

Tuy nhiên, lụa sản xuất ký gửi bán chẳng được là bao, ngày trả lương thợ đã đến, rồi tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt của cả gia đình. Tất cả trông cậy vào bàn tay bà. Trong lúc đang loay hoay với đầu ra thì năm 2001, lần đầu tiên diễn ra Liên hoan Du lịch làng nghề của tỉnh Hà Tây (cũ), bà Tâm đã chớp thời cơ mang những sản phẩm tơ lụa của mình giới thiệu với khách du lịch mọi miền. Bà nghĩ ngay, muốn phát triển được dòng tơ lụa chỉ còn cách gắn vào du lịch. Những tấm lụa mượt mà của bà ngay từ liên hoan đầu tiên đã để lại nhiều dấu ấn cho khách hàng. Bắt đầu lác đác những đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành phố tìm đến làng Vạn Phúc.

Nhưng có lẽ năm 2003 là dấu mốc quan trọng đối với người phụ nữ cả đời lăn lộn với tơ lụa và cũng là lần đầu tiên bà xuất ngoại. Bà được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tây giới thiệu đi cùng Tổng cục Du lịch mang sản phẩm lụa Hà Đông sang Nhật quảng bá. Sản phẩm thì có sẵn nhưng giới thiệu với khách nước ngoài ra sao? Cuối cùng, bà Tâm nghĩ cứ quyết tâm đi. Bà sẽ dùng chính sản phẩm của mình để nói lên tất cả. Sản phẩm lụa Hà Đông đã chiếm được cảm tình ngay từ những ngày triển lãm đầu tiên tại Thủ đô Tô-ki-ô. Người ta trầm trồ, khen ngợi khi cầm trên tay những sản phẩm từ lụa do xưởng của bà sản xuất. Ngày thứ hai triển lãm thì Tô-ki-ô bị động đất, bà phải thu gom tất cả sản phẩm về khách sạn, vừa buồn, vừa tiếc vì chưa kịp mang hết sản phẩm ra giới thiệu. Nhưng lạ thay, rất nhiều khách hàng đã tìm đến tận khách sạn bà ở để mua. Và kỳ tích, sản phẩm mang đi đã bán hết. Trở về nước, bà nhận thấy rằng chất lượng sản phẩm luôn đi đầu, nếu như chất lượng tốt sẽ có thị trường tốt và đầu ra tốt. Từ đó đến nay, bà luôn coi trọng chất lượng sản phẩm và luôn tuyên truyền điều này với bà con trong làng.

Cơ sở của bà Tâm khác biệt với nhiều cửa hàng bán sản phẩm khác, đó là ngay bên cạnh cửa hàng là cơ sở sản xuất lụa. Tại đây, khách hàng được tận mắt quan sát quy trình dệt vải. “Sau khi tham quan cơ sở sản xuất của gia đình, nhiều khách hàng tỏ ra rất thích thú và tin tưởng vào sản phẩm. Thông qua chuyện trò với khách hàng, chúng tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Do vậy, mẫu mã sản phẩm ngày càng đa dạng và đẹp hơn. Sản phẩm bán ra được nhiều hơn”, bà Tâm cho biết thêm. Hiện nay, lụa do gia đình bà sản xuất được nhiều nhà thiết kế nổi tiếng như Minh Hạnh, Lan Hương lựa chọn và tin dùng.

Không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng trong nước mà từ rất sớm, lụa Vân và nhiều dòng lụa Hà Đông đã mang hai tiếng Việt Nam đi đến nhiều nước, như: Nhật, Pháp, Tây Ban Nha... Nhớ lại một kỷ niệm khi đi giới thiệu sản phẩm với khách nước ngoài, bà Tâm kể: “Khi tôi mặc trang phục làm từ lụa, nhiều khách hàng nước ngoài trầm trồ. Họ nói rằng lụa của Việt Nam đẹp tuyệt. Qua nếp lụa thấy được cả tình yêu, sự lao động cần mẫn và chuyên nghiệp của người thợ”.

Năm 2005, làng nghề đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm lụa Vạn Phúc mang tên lụa Hà Đông.  

Đau đáu với nghề, bà Tâm luôn tìm tòi, cống hiến để làng nghề ngày càng phát triển. Ngoài việc tích cực tham gia nhiều hiệp hội, có mặt tại các triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm của làng, bà Tâm còn phối hợp với Phòng Kinh tế quận Hà Đông mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ, mở lớp học sáng tạo mẫu, kỹ năng bán hàng. Bản thân bà cũng ngày ngày tận tình truyền nghề cho lớp thợ trẻ. Chị Nguyễn Thị Mai Anh, một thợ trẻ, cho biết: “Bác Tâm có tình yêu, niềm đam mê rất mãnh liệt với nghề. Trong quá trình truyền nghề, bác rất tận tình, tỉ mỉ. Lúc đầu, chúng tôi có thể yêu nghề 1, nhưng sau khi  được bác Tâm chỉ bảo thì tình yêu nghề tăng lên gấp 10 lần. Nhờ bác Tâm mà bản thân chúng tôi cũng cuốn vào niềm đam mê, chỉ muốn gìn giữ nghề truyền thống của làng mà không phải là một nghề khác”.

Năm 2010, sản phẩm lụa Vân "Nghìn năm Thăng Long" của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được Thành phố Hà Nội chọn làm quà tặng các vị khách quốc tế đến tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với một loạt những sản phẩm cao cấp, tinh tế khác như lụa trơn, lụa màu, đũi... nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Năm 2006, tại Huế, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đoạt giải Ngôi sao Việt Nam và hai lần đoạt giải Bông hồng Vàng Thủ đô.

Bài và ảnh: HẢI LÝ