Nhưng sự khốc liệt của chiến tranh là một thực tế không thể không đối mặt. Và rồi những người mẹ không bao giờ được gặp lại con mình bằng hiện hữu, họ chỉ có thể gặp trong sự tưởng tượng của tâm trí, tinh thần.

      ... Con về với mẹ đây

      Những ngọn gió thổi qua vườn cuối hạ

      Lá xôn xao những cánh thư thầm

 

      Chiến tranh đã tắt cuối con đường

      Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ

      Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở

      Con đã về, mẹ có thấy con không?

Những người con trở về với mẹ theo ngọn gió, theo tiếng lá thì thầm như những lá thư, qua quả cau rụng và bẹ cau rơi vào những chiều thương nhớ. Con đã về, mẹ có thấy con không?

Người lính trở về nói với mẹ bằng những gì thân thương nhất, bằng kỷ niệm, bằng nỗi nhớ của người mẹ như thuở nào con còn trong vòng tay mẹ. Ôi! Có tình yêu nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử? Có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con và những người con dành cho mẹ, đặc biệt là những người con hy sinh vì nghĩa lớn?

          Cỏ đã lên mầm trên những hố bom

          Ôi Tổ quốc lại một lần đứng dậy

          Gió thổi suốt bốn nghìn năm và mẹ

          Nước mắt đầy trên những vết nhăn

 

          Con đã về với mẹ, chiều nay

          Mà mẹ không nhìn thấy

          Con mèo thay con thức cùng với mẹ

          Lặng im theo bóng mẹ lưng còng

Con đã về với mẹ chiều nay mà mẹ không nhìn thấy, chỉ có con mèo mướp thay con thức cùng với mẹ. Con mèo không nói được, hình bóng con chỉ còn trong tâm tưởng. Tất cả lặng im theo bóng mẹ lưng còng. Nhưng con vẫn về, về bằng những lá thư, bằng lời nói và hơn hết: Bằng những lời thơ của chúng con hòa trong lòng mẹ.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Vâng, những người lính trở về bằng sự im lặng qua những lời thơ. Và nhà thơ đã thức cùng những người mẹ, thức cùng những người con. Để những vần thơ theo bóng con về:

          Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin

          Con ngủ quên dưới cánh rừng lá bạc

          Khi gió thổi là con tỉnh giấc

          Theo đường gió con về ngắm mẹ sau lưng

Chiến tranh qua rồi, thời gian không quay trở lại nhưng con vẫn còn, còn mãi mãi dưới cánh rừng lá bạc. Con không chết mà chỉ là đang ngủ quên và khi gió thổi là con tỉnh giấc theo gió quay về. Con trở về chỉ ngắm mẹ sau lưng. Bởi con đã hòa vào gió, hòa vào tình thương của mẹ.

          Viên bi tròn vẫn lăn mãi qua sân

          Cần câu cũ buông vào từng kỷ niệm

          Cánh diều giấy trẻ con làng lại thả

          Tiếng sáo trăng tìm đến ngõ nhà mình

Khi xa nhà thì nỗi nhớ đầu tiên của những người con là nỗi nhớ về mẹ. Bởi không ai khác, mẹ là người gắn bó nhiều nhất với những kỷ niệm ấu thơ của con. Nhưng những người lính chỉ có thể về bằng tâm hồn, bằng ký ức, nỗi nhớ. Ký ức đó cứ lăn như viên bi tròn thuở nhỏ, lăn mãi, lăn mãi qua bao nhiêu năm tháng tuổi thơ; đó là chiếc cần câu, là cánh diều giấy cùng tiếng sáo vi vu đêm trăng trước ngõ ở quê nhà. Con đã trở về trong những kỷ niệm yêu thương ấy. Con vẫn về trong những hình ảnh thân thương:

          Con đã về rón rén bước chân

          Như thủa nhỏ để òa trong nức nở

          Con đã về mẹ bớt ho mẹ nhé

          Bông hoa đèn lại nở sáng trong đêm...

Con vẫn biết mẹ nhớ con không ngủ được, vẫn biết mẹ thương con mà sức khỏe hao mòn. Nhưng con đã về đây, trong tiếng cười trẻ thơ và trong mảnh vườn xưa đong đầy kỷ niệm. Con đã về trong ngọn đèn dầu, trong tiếng gà gáy ban mai. Và người chiến sĩ nhắn nhủ: Mẹ ơi, đừng buồn lo mẹ nhé, cau vẫn trổ và trầu vẫn xanh cho đỏ những nụ cười...

          Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin

          Con không chết, con chỉ không lớn nữa

          Và con sống suốt đời mười tám tuổi

         Như buổi chiều chào mẹ con đi

Vâng, con không chết, con vẫn sống mãi trong lòng mẹ với những gì thân thuộc nhất. Con đã về, về bên mẹ, mẹ đừng thao thức nữa. Con vẫn là con bằng những tiếng reo cười. Con đang ngồi bên mẹ, bên bếp lửa nhà mình...

Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đa cảm. Những vần thơ của ông không chỉ tinh tế mà còn giàu cảm xúc. Ở bài thơ này, mỗi vần thơ cứ như những sợi dây níu những người con và những người mẹ. Nhà thơ đã nói hộ rất nhiều tâm tư của những người mẹ nhớ con. Đặc biệt hơn, ông đã nói thay những người lính hy sinh bằng những lá thư, bằng những vần thơ gửi vào tâm hồn những người mẹ và hơn hết, ông đã viết bằng cả nỗi niềm thành kính, biết ơn, cảm thông tận sâu thẳm tâm hồn mình.

Kết thúc bài thơ là hình ảnh lá thư con gửi về cùng đồng đội. Lá thư đó con không viết bằng giấy bút mà viết bằng con tim, bằng giọt máu, bằng tình cảm của những người đang sống. Lá thư đó chỉ viết bằng một chữ "mẹ" mà thôi. Nhưng đó là lá thư dài nhất ở trên đời.

PHAN XUÂN HẬU

                 Thư gửi mẹ                                               

Thưa mẹ!

Con về với mẹ đây

Những ngọn gió thổi qua vườn cuối hạ

Lá xôn xao những cánh thư thầm

 

Chiến tranh đã tắt cuối con đường

Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ

Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở

Con đã về, mẹ có thấy con không?

 

Cỏ đã lên mầm trên những hố bom

Ôi Tổ quốc lại một lần đứng dậy

Gió thổi suốt bốn nghìn năm và mẹ

Nước mắt đầy trên những vết nhăn

 

Con đã về với mẹ, chiều nay

Mà mẹ không nhìn thấy

Con mèo thay con thức cùng với mẹ

Lặng im theo bóng mẹ lưng còng

 

Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin

Con ngủ quên dưới cánh rừng lá bạc

Khi gió thổi là con tỉnh giấc

Theo đường gió con về ngắm mẹ sau lưng

 

Viên bi tròn vẫn lăn mãi qua sân

Cần câu cũ buông vào từng kỷ niệm

Cánh diều giấy trẻ con làng lại thả

Tiếng sáo trăng tìm đến ngõ nhà mình

 

Con đã về rón rén bước chân

Như thủa nhỏ để òa trong nức nở

Con đã về mẹ bớt ho mẹ nhé

Bông hoa đèn lại nở sáng trong đêm

 

Có tiếng gà gọi mẹ góc vườn xa

Con vẫn thế hò reo chùm khế ngọt

Cau lại trổ mẹ ơi cau sẽ bổ

Trong cơn mê tiếng trẻ nói vang nhà

 

Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin

Con không chết, con chỉ không lớn nữa

Và con sống suốt đời mười tám tuổi

Như buổi chiều chào mẹ con đi

 

Con đã vào đến bếp nhà ta

Ngồi bên mẹ xòe tay hơ trước lửa

Niêu tép mẹ kho suốt đời không thể nguội

Cơm đang cười mẹ có thấy con không?

 

Đũa vẫn so thừa cả những bữa cơm đông

Cánh cửa cũ chần chừ đêm gió lạ

Mẹ ơi mẹ, mẹ đừng ngồi khuya quá

Mẹ đừng ngồi vấn tóc mãi trong đêm

 

Những quả khế vàng rụng kín cả mùa thu

Mẹ thêu áo buổi chiều ra quét ngõ

Chim khách kêu rung từng chân tóc mẹ

Con đã về mẹ có bớt ho đêm

 

Con đã về trong tiếng sấm tháng Tư

Hoa gạo đỏ con cười trong tiếng gió

Con đã về trong mùa gặt hái

Cơm mới thơm như con đứng cười thầm

 

Con đã về lửa tí tách trong rơm

Soi mặt mẹ tự hào và thương nhớ

Con đã về khi làng vui đón Tết

Hoa đào xòe những chúm môi thơm

 

Chiến tranh qua rồi và mãi mãi mẹ ơi

Đồng đội con trở về với thư con viết dở

Ôi lá thư chỉ một câu gọi mẹ

Là lá thư dài nhất ở trên đời.

                                NGUYỄN QUANG THIỀU