Có những nhà liệt sĩ kề nhau, cùng chung sân, chung ngõ như nhà ông Vó với nhà ông Bàng. Hai nhà này hai mái gianh, chái nhà như cọ vào nhau, khoảng cách hai bức vách chỉ là cái rãnh nước chảy mỗi khi cơn mưa rào đổ nước xuống. Hai ông mỗi buổi sáng thức dậy, khi việc đồng áng đã xong lại ngồi uống cùng nhau bát nước vối ủ đã hoai hoai, chuyền tay nhau cái điếu, tiếng điếu rít sòng sọc khi ngọn lửa từ chiếc đóm tre ngâm châm vào nõ điếu, rồi ngửa mặt lên nhả khói.
Hai con trai của hai ông (anh Trung và Chiến) cùng lớn lên trên mảnh sân chung ấy. Họ cùng nhau đánh khăng, đánh đáo trên cái sân đất mà mỗi khi có mưa phùn thì sân trơn như bôi mỡ, không ít lần cả hai trượt ngã khi khoảng sân lớp nhớp lầy lội. Rồi họ cùng đi học, cùng đá bóng trên sân đình làng. Anh Trung, người dong dỏng cao, khả năng rê dắt bóng thật khéo. Không ít lần anh dắt bóng đi qua mấy hậu vệ của đội bạn rồi sút tung lưới đối phương. Anh Trung nhập ngũ tháng 6-1965, còn Chiến nhập ngũ cùng ngày với tôi, 7-1-1967.
Chiến là con ông chú, tôi là con ông bác. Hai anh em tôi cùng một trung đoàn. Chiến ở Tiểu đoàn 26, tôi ở Tiểu đoàn 25, Trung đoàn 3, Sư đoàn 338. Sau 5 tháng huấn luyện tại xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, anh em tôi đi B. Tiểu đoàn 26 của Chiến đi B ngày 21-7-1967, đi trước Tiểu đoàn 25 của tôi một ngày. Đi trên đường Trường Sơn cứ 3 hoặc 4 ngày, chúng tôi được nghỉ một ngày để bổ sung gạo, muối. Cứ tiểu đoàn của Chiến đến trạm tối hôm trước, ngày hôm sau được nghỉ thì tối ấy tiểu đoàn tôi đến. Những ngày nghỉ ấy, anh em tôi vẫn gặp nhau, cho đến một lần gặp nhau như thế, Chiến bảo tôi: Tiểu đoàn của em được bổ sung cho Khu 5 Trung Trung Bộ. Hai anh em tôi ôm nhau trên đỉnh Trường Sơn. Tôi đâu ngờ lần ôm nhau ấy lại là lần cuối cùng trong cuộc đời mà anh em tôi ôm nhau bằng xương thịt. Hết tiếng súng, tôi mang cái vết thương về nhà, còn em nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn.
|
|
Nghĩa trang Liệt sĩ phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, nơi có 9 liệt sĩ xóm Tiền Phong (trước đây) và hàng trăm liệt sĩ của phường yên nghỉ. |
Nhà ông Sầm và nhà ông Vá ở cùng chung một ngõ trong xóm Tiền Phong ấy nhưng hai ông ít khi được ngồi với nhau vì giờ giấc công việc khác nhau. Ông Sầm làm thủ quỹ ở địa phương, ông Vá là công nhân ngành đường sắt. Không gặp thường xuyên nhưng mỗi khi ngồi với nhau, hai ông lại hỏi về hai người con của nhau đang ở chiến trường.
Anh Thợ, con ông Sầm, nhập ngũ tháng 1-1971, đến ngày 15-3-1972 thì anh hy sinh. Đời người lính chiến trường ngắn ngủi là thế. Trước khi nhập ngũ, anh Thợ đã yêu một cô gái trong làng, cái thời lũy tre còn lấp ló ánh trăng đêm, rặng cúc tần còn phủ sợi tơ hồng, họ yêu nhau chưa dám cầm tay. Ngày anh Thợ vào chiến trường, anh làm bài thơ tặng người yêu, bài thơ ấy bây giờ chị người yêu của anh vẫn nhớ, vẫn đọc rành rọt từng chữ, từng lời. Chị bảo quên làm sao được, dù bây giờ chị đã lên chức bà. Còn anh Bình, con ông Vá, nhập ngũ tháng 6-1968, đến tháng 12-1970 thì hy sinh. Những người lính chúng tôi ngày ấy ở chiến trường chẳng ai biết mình trụ được bao lâu, trong bom đạn ác liệt, trong đói khổ, trong sốt rét rừng. Đời người lính chiến trường, có người đánh từ trận đầu tiên cho đến trận cuối cùng của ngày chiến thắng. Nhưng cũng có người đánh trận đầu tiên cũng là trận đánh cuối cùng của họ. Tất cả là nhờ sự may mắn!
Xóm ấy còn có 3 nóc nhà như 3 cái chân kiềng chụm vào nhau, 3 nóc nhà mà có 4 liệt sĩ. Một cái cổng nhỏ vào bên trong là nhà bà Cánh, hai bên ngõ nhỏ, bên trái là nhà ông Cấn, bên phải là nhà bà Thỏa. Ông Cấn làm thợ nghỉ hưu, bà Cấn làm nông ở quê. Còn nhà bà Thỏa và nhà bà Cánh, hai ông đã mất sớm chỉ còn hai bà. Nhà bà Cánh ở trong có 2 liệt sĩ, còn nhà bà Thỏa với nhà ông Cấn mỗi nhà 1 liệt sĩ.
Anh Mông, con bà Cánh, bằng tuổi tôi. Năm chúng tôi 16 tuổi, cả hai xung phong đi khai hoang trên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang do Tỉnh đoàn Hải Hưng phát động. Anh người chắc đậm, da hơi ngăm đen, cái dáng chắc đậm ấy nên anh làm việc gì cũng chắc chắn. Sau mấy năm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi khai hoang, tôi và anh trở về làng. Tôi nhập ngũ trước anh hai tháng. Tháng 3-1967, anh Mông nhập ngũ, đến ngày 11-1-1970 thì anh hy sinh.
Hy sinh khi mới ngoài 20 như các anh, tuổi đời thật quá ngắn ngủi. Anh Thủy, em ruột của anh Mông, nhập ngũ trước anh Mông hai tháng. Hai con trai đều đi chiến đấu, bà Cánh chỉ còn biết ngồi chờ đợi, chờ đợi mãi các anh không về, đến khi trở về lại không phải bằng xương, bằng thịt mà bằng tờ giấy ố nhàu mưa nắng của đơn vị ở chiến trường: Giấy báo tử.
Nhà bà Thỏa có 4 người con (3 gái, 1 trai), anh Thoan là út. Anh Thoan nhập ngũ ngày 20-2-1967, hy sinh ngày 1-1-1974. Trong số những người con đã hy sinh của xóm Tiền Phong ngày ấy, có lẽ anh Thoan có tuổi quân ở chiến trường dài nhất. 6 năm 10 tháng trụ lại được dưới bom đạn, cũng là may mắn của người lính chiến trường.
Nhà ông Cấn có 3 người con trai, anh Soạn là thứ ba trong 3 người con trai ấy. Trước khi khoác ba lô lên đường ra trận, anh Soạn có tâm sự với người cô họ của mình rằng: “Hòa bình, cháu còn nguyên vẹn thì cháu mới về, nếu cháu bị thương cụt chân hay cụt tay, cháu sẽ không về làng nữa”. Anh Soạn ngại khi mất chân, mất tay sẽ chẳng làm được gì. Anh đâu biết ngày báo tử anh, bà Teo mẹ anh ngồi khóc anh, bảo rằng: “Con ơi! Soạn ơi! Con về đi, què cụt cũng được, què cụt thì mẹ nuôi con, mẹ nuôi suốt đời cũng được, con ơi!”. Giờ thì anh đã vĩnh viễn không được trở về quê sau ngày đất nước thống nhất.
3 ngôi nhà chân kiềng ấy ở ngay sát cạnh đường tàu hỏa, cứ mỗi đêm chuyến tàu đi qua, tiếng bánh tàu lăn trên đường ray rin rít, khiến cho những ông bố, bà mẹ trong 3 ngôi nhà ấy buồn nẫu ruột. Đã nhiều lần bà Cánh với bà Thỏa-hai chị em dâu-ngồi thừ nhìn đoàn tàu xập xình chạy về phương Nam, nơi những người con của các bà còn đang nằm phương ấy, nơi hai anh em ruột Mông và Thủy, nơi có người con chú ruột nữa là Thoan, lòng hai bà chỉ mong sao đến được nơi ấy, đến được với các con, dù hình hài các con bây giờ chỉ là nắm đất.
Trong 9 liệt sĩ ở xóm nhỏ Tiền Phong ngày ấy, chỉ có anh Mừng là không ai nghĩ anh lại hy sinh, bởi anh nhập ngũ sau khi đất nước không còn tiếng súng, hòa bình đã được hai năm. Khi nhà ông Vó, nhà bà Thỏa nhận bằng Tổ quốc ghi công, ngày báo tử anh Trung, anh Thoan, anh Mừng còn sang giúp hai gia đình lo việc tang lễ, dù gì cũng là hàng xóm với nhau. Mãi đến tháng 6-1977, anh Mừng mới nhập ngũ. Ai cũng nghĩ anh đi để bảo vệ thành quả mà lớp đàn anh đã hy sinh giành được. Vậy mà anh cũng lại phải xông vào cuộc chiến. Đấy là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam, khi bọn Pol Pot tràn sang tàn phá, giết hại người dân đất Việt, anh hy sinh vào một ngày mà quân Pol Pot tàn phá xóm làng của tỉnh An Giang.
|
|
Các em của liệt sĩ Vũ Đình Chiến đến thắp hương tưởng nhớ anh nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Ảnh: VŨ THƯ
|
Khi tôi ngồi viết bài này thì bố mẹ của 9 liệt sĩ hiện không ai còn nữa, các cụ đã về thế giới bên kia. Không biết ở thế giới xa xôi ấy, các cụ có gặp được các anh sau bao năm chờ đợi, mong nhớ nơi trần gian? Có thể thân hình các anh đã đổi thay, không còn vẹn nguyên hình hài như các cụ sinh ra, nhưng nếu có một phép màu của tình mẫu tử, tình phụ tử, chắc các cụ vẫn nhận ra được con của mình... Thời gian đã 50 năm trôi qua. Chiều nay khi ra nghĩa trang liệt sĩ phường thắp hương, tôi đã đến nơi các anh nằm nghỉ để lấy thông tin về ngày nhập ngũ, ngày hy sinh của các anh. Thật vui khi nhận ra trong một hàng mộ có 4 ngôi, của 4 trong số 9 anh nằm liền nhau, 2 anh nữa nằm hàng trên kế tiếp, như vậy là các anh vẫn được ở bên nhau, vẫn là hàng xóm của nhau như ngày nào ở trong cái xóm nhỏ trên đất quê hương. Mộ của hai anh em ruột Mông-Thủy cũng nằm sát bên nhau như họ đang cùng sống một nhà. Chỉ có em con chú tôi-liệt sĩ Vũ Đình Chiến là không ở bên những người hàng xóm. Điều ấy có sao đâu, khi bên cạnh em là người cùng làng, cùng xã, và hơn hết, tất cả đều là đồng chí, đồng đội của em.
9 người lính về với đất mẹ khi tuổi mới 17-22, chưa ai có gia đình. 9 người trong một xóm nhỏ của 20 nóc nhà, 9 người hy sinh trong số 15 người khoác ba lô vào chiến trường ngày ấy... Có nỗi đau nào đau hơn, có nỗi buồn nào buồn hơn nỗi đau, nỗi buồn mà chiến tranh gây ra?
Bút ký của VŨ NGỌC THƯ