Một ngày bình thường, bên bờ hồ Xuân Hương, những đôi tình nhân tay trong tay, say sưa dạo bước và ghi lại khoảnh khắc rạng ngời hạnh phúc. Dưới lòng đường, từng đoàn xe chen chúc, hối hả nối đuôi nhau hướng về trung tâm thành phố báo hiệu mùa du lịch sôi động trở lại sau thời gian dài vắng vẻ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở góc bờ hồ, một cụ ông dáng vẻ gầy gò, khắc khổ, đeo chiếc máy ảnh cũ kỹ trong chiếc áo choàng màu xám, đứng nép cạnh gốc thông, lặng lẽ nhìn dòng người và xe cộ lướt qua trước mặt. Thỉnh thoảng, ông cất lời mời chào nhưng dường như không có hồi đáp nào từ những vị khách đi trên phố. Không ai tiếp chuyện, ông đành giơ chiếc máy ảnh lên, hướng ống kính vào vài điểm cố định và bấm như một thói quen vô thức.
Ông là Nguyễn Văn Thái, 78 tuổi, ngụ tại đường Y Dinh, phường 5, TP Đà Lạt, đã có thâm niên làm nghề chụp ảnh dạo cho khách du lịch hơn 45 năm tại Đà Lạt. “Tôi sinh ra, lớn lên tại thành phố này. Từ nhỏ đã đam mê chụp ảnh. Từ năm 1961 đến 1975, tôi học nghề và làm thợ tại tiệm ảnh Hồng Thủy trên đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định). Từ năm 1976, bắt đầu rời tiệm, ra ngoài cầm máy ảnh chụp dạo cho khách đến bây giờ”, ông Thái nhớ lại.
|
|
Ông Nguyễn Văn Thái, thợ chụp ảnh dạo đợi khách bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. |
Là thành phố du lịch chịu ảnh hưởng bởi lối sống Pháp nên nghề ảnh xuất hiện tại Đà Lạt khá sớm. Với nhiều gia đình ở Đà Lạt, chụp ảnh kỷ niệm là nhu cầu thường xuyên, nhất là trong dịp lễ, tết hoặc trong những chuyến du ngoạn. Những cuốn album ảnh là tài sản tinh thần quý giá, được lưu giữ, nâng niu qua nhiều thế hệ. Chụp ảnh cũng là công việc được nhiều thanh niên địa phương trước đây yêu thích, chọn làm kế sinh nhai bởi chỉ cần dăm ba năm học nghề, sắm một chiếc máy ảnh, mua vài cuộn phim ra bờ hồ Xuân Hương hoặc tới một số điểm du lịch nổi tiếng như thác Cam Ly, thác Prenn, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở là các “phó nháy” đã rủng rỉnh tiền trong túi. Dù chẳng có trường lớp đào tạo bài bản và chỉ được trao truyền bằng kinh nghiệm, người đi sau học người đi trước nhưng nhiếp ảnh Đà Lạt đã có một thời phát triển rực rỡ với với những tên tuổi như: Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông, MPK... Từ những “phó nháy dạo” nhưng bằng niềm đam mê, nỗ lực và sáng tạo không ngừng, họ đã vươn tầm trở thành những nghệ sĩ lớn mà nhiều tác phẩm của họ đến nay đã trở thành mẫu mực về phong cách nghệ thuật, trở thành một phần di sản văn hóa Đà Lạt.
Nhưng thời vàng son giờ chỉ còn là dĩ vãng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và điều kiện kinh tế không ngừng phát triển những năm gần đây khiến nghề chụp ảnh dạo ở Đà Lạt lụi tàn. Thay vì nhờ thợ chụp ảnh, khách du lịch hiện nay dễ dàng tự ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm cho bản thân, gia đình, bạn bè bằng những chiếc máy ảnh cá nhân hoặc điện thoại di động thông minh. “Ở Đà Lạt trước đây còn có cả một hợp tác xã chuyên về chụp ảnh với số lượng xã viên lên tới hàng trăm người, nhưng giờ thì chẳng còn nữa. Số người còn làm nghề chụp ảnh dạo như tôi hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước kia, chỉ cần xách máy ảnh ra bờ hồ vài chục phút đã chụp đầy một cuộn phim, nhưng nay có khi 4-5 ngày mà không chụp được tấm ảnh nào”, ông Nguyễn Văn Thái thở dài.
Anh Nguyễn Quốc Dũng, một người trẻ đang làm nghề ảnh ở Đà Lạt cho biết: “Thực ra nghề chụp ảnh ở Đà Lạt vẫn sống nhưng dưới một hình thức khác. Thay vì cầm máy chụp dạo cho khách tại trung tâm thành phố hoặc những điểm du lịch, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang làm nghề trong các studio với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại hoặc chụp ảnh theo hợp đồng. Các cặp uyên ương, vợ chồng mới cưới hoặc khách du lịch khi tới Đà Lạt muốn thực hiện những bộ ảnh đẹp, mang tính nghệ thuật cao sẽ có ê-kíp phục vụ và tất nhiên là chi phí cho những bộ ảnh như vậy không hề rẻ. Một số khác thì chụp ảnh theo khuynh hướng sáng tác và bán sản phẩm của họ cho những người yêu thích, hoặc chụp các sản phẩm quảng cáo cho khách hàng. Để theo được nghề, họ phải có kiến thức, am hiểu về công nghệ, có tiền mua sắm thiết bị mới".
Ông Nguyễn Văn Thái thừa nhận nghề chụp ảnh dạo như ông giờ đã lỗi thời, nhưng vì trót đam mê và nếu không theo nghề này thì những người như ông cũng chẳng biết làm gì. Dẫu biết đó là quy luật của đời sống nhưng khi nhìn người thợ ảnh già cô đơn trong buổi chiều bạt gió ở Đà Lạt, hẳn những người trót yêu thành phố này không tránh khỏi một nỗi buồn len lén tâm tư.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG