Ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ hẹp trên đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt, chất đầy cổ vật. Khó khăn lắm, người đàn ông bé nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, quần áo tuềnh toàng mới thu xếp được một chỗ ngồi cho khách. Thoạt nhìn, thật khó tin đây lại là chủ nhân của kho báu trị giá hàng trăm tỷ đồng. “Ai cũng nói tôi đại gia. Nhưng anh thấy đấy, tôi rất nghèo vì cả cuộc đời đã dành hết thời gian, công sức, tiền bạc vào đống cổ vật này rồi”, ông Nguyễn Văn Tuấn phân trần.
|
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn bên bộ sưu tập cổ vật và hiện vật Đà Lạt. |
Cách đây hơn 30 năm, khi phong trào buôn bán cổ vật bắt đầu rộ lên trong cả nước, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng tham gia với tư cách là môi giới cho những tay buôn đồ cổ ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nghe thấy Đà Lạt có người nào đang sở hữu hoặc muốn bán đồ cổ, ông cũng tới tìm hiểu, sau đó giới thiệu cho người mua để kiếm hoa hồng. “Hàng nghìn ngôi biệt thự cổ tại Đà Lạt ngày ấy chứa đựng biết bao là cổ vật, hiện vật có giá trị. Những chiếc đồng hồ, tranh tường, lò sưởi, máy nghe nhạc, máy ảnh, nhạc cụ, đồ gốm sứ cùng vô số đồ gia dụng và máy móc, thiết bị có xuất xứ từ nước ngoài cũng như trong nước bị tháo dỡ và mua bán với giá rẻ mạt, một số bị đập phá, bán phế liệu”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhớ lại.
Khi nhìn kho tàng cổ vật Đà Lạt bị “chảy máu”, ông Nguyễn Văn Tuấn không khỏi xót xa, ân hận vì bản thân cũng là một trong những kẻ đã tiếp tay cho nạn "chảy máu" cổ vật Đà Lạt. Từ một người môi giới, ông quyết tâm sẽ trở thành người sưu tầm và lưu giữ cổ vật Đà Lạt.
Quyết tâm là thế nhưng với một gã nhạc công nghèo như ông thì làm sao có tiền để mua những món đồ tiền triệu, tiền tỷ? Nhưng vì đã trót hứa với lòng nên dành dụm mãi ông cũng mua món đồ cổ đầu tiên. “Đó là một chiếc đĩa sứ cổ Trung Quốc sứt mẻ, do một người ở Đà Lạt bán cho tôi với giá 70.000 đồng. Ngày ấy, thù lao chơi đàn phục vụ một đám cưới là 20.000 đồng. Tôi phải phục vụ cho hơn 3 đám cưới mới đủ tiền mua chiếc đĩa vỡ. Nếu nó là cái đĩa lành thì tôi chẳng thể mua được”, ông Nguyễn Văn Tuấn kể.
Để có kiến thức về đồ cổ và lịch sử của dân tộc, ông quyết tâm thi vào đại học để lấy bằng cử nhân lịch sử và cử nhân kinh tế khi đã 33 tuổi. Điều này khiến không ít người ngỡ ngàng nhưng ông tâm niệm muốn làm tốt việc gì thì phải học và có kiến thức bài bản về lĩnh vực ấy.
Thời gian sau đó, tất cả tiền bạc dành dụm được từ công việc dạy đàn, chơi đàn trong hàng chục năm đều bị ông “nướng” vào những món đồ cổ, hiện vật quý giá. Nhìn một người đàn ông chẳng biết ăn ngon, không biết mặc đẹp, quên cả lấy vợ, quanh năm ăn bám bố mẹ, suốt ngày mê say với những món đồ cũ kỹ, nhiều người đã gọi ông là “Tuấn khùng” và biệt danh “khùng” theo ông tới tận bây giờ.
Không có tiền mua những món đồ đắt tiền, ông tìm tới bãi rác, cửa hàng phế liệu bởi ông tin ở đó sẽ có nhiều hiện vật giá trị. “Cách đây 20-30 năm, người ta chưa hiểu và trân trọng những hiện vật cổ, bởi thê, khi cải tạo hoặc tháo dỡ các ngôi nhà, biệt thự, rất nhiều hiện vật quý như: Đồng hồ, lò sưởi, nhạc cụ, máy móc... đã bị tháo dỡ và bán cân cho các cửa hàng phế liệu. Thậm chí, nhiều món còn bị vứt ra bãi rác và tôi đã tìm tới những chỗ ấy để chuộc hoặc nhặt lại. Nhờ thế mà bộ sưu tập ngày càng phong phú”, ông Văn Tuấn chia sẻ.
Trên hành trình tìm kiếm và lưu giữ ký ức của Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Tuấn có rất nhiều kỷ niệm và mỗi hiện vật dường như đều gắn liền với những câu chuyện thú vị. Chỉ tay vào bức hoành phi bằng gỗ được chạm trổ rất đẹp, ở giữa là dòng chữ Nôm khảm xà cừ lấp lánh, ông Tuấn kể: “Đây là bức hoành phi đình làng hoa Hà Đông, một trong những ngôi làng đầu tiên của Đà Lạt. Cách đây gần một thế kỷ, khi rời quê vào đây, người dân các làng Quảng Bá, Nhật Tân, Ngọc Hà... đã mang theo bức hoành phi này treo lên trước cửa đình nhằm nhắc nhở con cháu trên vùng đất mới luôn khắc ghi và kế thừa đức sáng của tổ tiên, 3 chữ Nôm trên bức hoành phi là “Kế tiên quang”, nghĩa là kế thừa đức sáng tổ tiên. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì mà nó lại bị tháo bỏ và bị một nhóm người mang đi bán rẻ. Tôi đã bỏ tiền chuộc mang về”.
|
|
Những chiếc kèn đồng trong dàn nhạc "Ngự lâm quân" của "Hoàng triều cương thổ" do ông Nguyễn Văn Tuấn sưu tầm. |
Năm 1995, một lần, khi đi từ nhà lên Trường Đại học Đà Lạt, qua đường Bùi Thị Xuân, ông Tuấn thấy một cụ già ném một bức gỗ chạm trổ khá cầu kỳ vào sọt rác. Dù đã đi một đoạn khá xa nhưng linh cảm mách bảo đó là một món đồ có ý nghĩa nên ông quay lại nhặt lên xem thử. Khi kiểm tra, ông ngỡ ngàng vì biết đó là một sắc phong của vua Bảo Đại dành cho một gia đình ở Đà Lạt. Một lần tới nhà người bạn buôn đồ cổ, ông lại thấy một cánh cửa được gá tạm bợ vào nhà vệ sinh. Cánh cửa này vốn là một bức hoành phi làm từ khung gỗ quý, ở giữa là kính được khảm chữ Nôm xà cừ rất đẹp. Khi đọc dòng đại tự “Đăng để đường-Bảo Đại thập niên”, ông biết đây chính là bức hoành phi treo trong một căn phòng thuộc Dinh Bảo Đại tại Đà Lạt, nơi anh em, hoàng thân quốc thích họp mặt, trò chuyện. Ông bèn hỏi mua, người bạn ra giá 5 triệu. Lúc này trong túi chỉ có 2 triệu, ông Tuấn phải chạy đi mượn người thân, bạn bè được thêm 3 triệu nữa để rước bức hoành phi về.
Kho cổ vật do ông Tuấn sở hữu không chỉ lớn về số lượng (hơn 70.000) mà còn phong phú về chủng loại, xuất xứ, chất liệu, phong cách nghệ thuật. Ngoài đồ gốm sứ, mỹ nghệ, đồ gia dụng có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, còn rất nhiều cổ vật xuất xứ từ châu Âu được nhập vào Đà Lạt vào những năm đầu của thế kỷ 20 nhằm phục vụ tầng lớp tư sản Đà Lạt, kỷ vật của lưu dân các vùng, miền tới Đà Lạt làm ăn, sinh sống những năm đầu của thế kỷ 20. Độc đáo nhất là hàng trăm chiếc cúp thể thao, trong đó có chiếc cúp năm 1892 của Câu lạc bộ
Liverpool (Anh). Ông Tuấn cho biết, rất quý chiếc cúp 129 năm tuổi này và chính ông cũng không hiểu vì sao mà chiếc cúp này lại lưu lạc qua tận Đà Lạt cách đây gần một thế kỷ, hay những chiếc cúp bóng rổ tổ chức ở Việt Nam năm 1933, cúp điền kinh chạy tiếp sức của Pháp tổ chức tại Đông Dương đầu thế kỷ 20, cúp bóng đá Bưu điện Pháp mở rộng tại Đông Dương đầu thế kỷ 20, cúp đua xe đạp 3 nước Đông Dương năm 1947, cúp giải Novices Boxing năm 1947, cúp bóng đá giữa Pháp và 3 nước Đông Dương tổ chức năm 1948-1949, cúp bóng đá Đông Dương năm 1941-1942, ghi rõ do vua Bảo Đại, Quốc vương Sihanouk và Toàn quyền Đông Dương Decoux tài trợ... “Nhìn những cổ vật và kỷ vật này, thế hệ hôm nay hiểu rằng Đà Lạt chính là nơi hợp lưu văn hóa Đông-Tây, văn hóa các vùng miền trong cả nước. Nơi mà các dòng văn hóa đã được chắt lọc, “gạn đục khơi trong” để trở thành nét văn hóa Đà Lạt đặc trưng riêng, không thể nào trộn lẫn”, ông Nguyễn Văn Tuấn tự hào khẳng định.
Trân trọng tấm lòng của ông đối với di sản Đà Lạt, rất nhiều người đã trao tặng hoặc bán rẻ cho ông những hiện vật giá trị. Cách đây vài năm, có một người ở Cần Thơ bán cho ông một lô gồm 5 chiếc máy ảnh cổ với giá tượng trưng 150 triệu đồng. Trong khi, có người khác đã trả lô máy ảnh này với giá 2 tỷ đồng nhưng người chủ nhất quyết không bán vì họ tin bán cho ông Tuấn thì thì lô máy ảnh này sẽ được trân trọng, giữ gìn tốt nhất. Một lần, ông được một nhóm người ở Hà Nội gửi tặng 100 triệu đồng dù chưa biết mặt; một nhóm bạn ở Vĩnh Long lên Đà Lạt, tình cờ gặp ông ngoài quán cà phê đã dúi vào túi ông 20 triệu đồng vì trân quý và muốn hỗ trợ ông thực hiện công việc sưu tầm, lưu giữ cổ vật, hiện vật cho Đà Lạt.
Giờ đây, dù đã sở hữu bộ sưu tập lớn có giá trị nhưng ông Tuấn vẫn không ngừng công việc tìm kiếm và lưu giữ hào quang ký ức Đà Lạt. “Người buôn đồ cổ thì mục đích chính là lợi nhuận nhưng tôi là người sưu tầm thì chỉ muốn giữ nó cho mình và cho người Đà Lạt để thế hệ hôm nay cũng như sau này hiểu rõ, tự hào về lịch sử của thành phố. Tôi ao ước sẽ mở được một bảo tàng tư nhân để những di sản của cha ông đến được nhiều với công chúng hơn”, ông Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG