Đến với Sơn Pacamara, khách được chủ nhân tiếp đón niềm nở, trọng thị. Qua trò chuyện trực tiếp hoặc qua những câu chuyện được kể bằng hình ảnh một cách tinh tế trên những bức tường và tấm bưu thiếp đính kèm sản phẩm, họ sẽ biết về một người đàn ông tại Đà Lạt trước đây làm nghề buôn bán phụ tùng ô tô và chẳng có chút kiến thức gì về cà phê, đó là anh Nguyễn Văn Sơn, chủ nhân của Trang trại cà phê Sơn Pacamara bây giờ.
Cách đây 15 năm, anh Sơn sang Viện Eakmart mua gần 20.000 cây giống cà phê về trồng trong khu đất rộng hơn 3ha vốn bỏ hoang lâu ngày. Sau khi trồng được vài năm, anh phát hiện trong vườn có vài cây cà phê lạ với hình thái khác biệt so với những cây cà phê còn lại, đặc biệt hạt của chúng có hương vị rất thơm ngon. Khi tham gia hội chợ cà phê quốc tế tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), những hạt cà phê lạ đã thu hút sự chú ý của một chuyên gia cà phê người Mỹ. Ông quyết định tới Đà Lạt, vào tận vườn kiểm tra và cho biết đây là giống cà phê đặc biệt quý hiếm tên là Pacamara, có nguồn gốc từ El Salvador, một quốc gia vùng Trung Mỹ và gần như đã tuyệt chủng do khó trồng, sản lượng thấp. Vị chuyên gia này đã thuyết phục và hỗ trợ anh bảo tồn giống cà phê Pacamara, đồng thời chuyển sang trồng các loại cà phê đặc sản với những phương thức khá cầu kỳ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cà phê.
|
|
Kể chuyện cà phê bằng hình ảnh tại Sơn Pacamara. |
Từ một kẻ “ngoại đạo”, giờ đây, anh Nguyễn Văn Sơn đã trở thành một chuyên gia về trồng và chế biến cà phê đặc sản tại Đà Lạt. Trang trại và quán cà phê của gia đình anh đã trở thành điểm tham quan, mô hình trình diễn, lớp học, nơi trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia, sinh viên, nông dân, tình nguyện viên, khách du lịch trong và ngoài nước.
Nếu Sơn Pacamara quyến rũ khách hàng bằng câu chuyện khởi nghiệp thú vị, kiến thức chuyên sâu cùng mô hình trồng, chế biến cà phê mẫu mực thì anh Lê Thanh An ở số 10 Hùng Vương, TP Đà Lạt lại hấp dẫn người yêu cà phê bằng câu chuyện đượm màu ký ức. Trong căn nhà có tuổi đời gần một thế kỷ và những cây cà phê cổ thụ giữa lòng Đà Lạt, anh An kể: “Bố mẹ tôi trước đây là người làm thuê cho gia đình tư sản ở Đà Lạt. Ngôi nhà hiện nay do chính gia đình chủ xây dựng cho người làm thuê ở, trong đó có bố mẹ tôi. Cách đây hơn 60 năm, ông bà chủ đi du lịch vòng quanh thế giới và mang về những cây cà phê giống Arabica Bourbon, sau đó nhân ra khắp vườn. Đây là giống cà phê cho hương vị hảo hạng, xuất xứ từ đảo Bourbon (nay là Réonion) nằm giữa Ấn Độ Dương. Năm 1975, gia đình chủ đi định cư tại nước ngoài và họ đã tặng toàn bộ ngôi nhà, vườn cà phê cho chúng tôi. Thời gian dài trước đây, dù giá trị nó đem lại chẳng là bao nhưng chúng tôi vẫn giữ để nhớ tới ân tình của người chủ cũ”.
Năm 2011, một chuyên gia cà phê nước ngoài cùng một giám đốc của một công ty sản xuất cà phê nổi tiếng trong nước tình cờ phát hiện ra vườn cà phê của gia đình anh An. Họ đề nghị anh hợp tác bằng cách bảo tồn và thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê của gia đình với giá cao. Liên tiếp trong nhiều năm, sản phẩm cà phê của gia đình anh An đều đạt giải nhất Cuộc thi “Thi tuyển chọn chất lượng cà phê của UCC Nhật Bản-UCC châu Âu tại Việt Nam”. Câu chuyện lịch sử và những giải thưởng giúp danh tiếng cà phê của gia đình ngày càng bay xa.
Đến với trang trại của gia đình anh Lê Thanh An, khách sẽ được tận mắt thấy và nghe chủ nhân kể câu chuyện về những cây cà phê cổ thụ, được tham quan quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến và thưởng thức miễn phí một ly cà phê hảo hạng do đích thân chủ nhân pha chế.
Để những câu chuyện cà phê lan tỏa sâu rộng, những nhà sản xuất cà phê đặc sản như anh Sơn, anh An và nhiều nông dân khác đang sử dụng rất nhiều kênh khác nhau như tổ chức cho khách tham quan, học làm cà phê, trò chuyện trực tiếp với khách hàng, thông qua truyền thông, mạng xã hội, qua tờ rơi, bưu thiếp đính kèm sản phẩm... Bằng phương thức sáng tạo này, những người nông dân đã đưa cà phê từ một sản phẩm kinh tế đơn thuần trở thành vật phẩm văn hóa, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị cà phê Đà Lạt.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG