Đến với Đà Lạt những ngày cận Tết, du khách dễ dàng gặp những vườn hồng trĩu quả, đỏ rực, trải rộng trên những sườn đồi thuộc các xã ngoại thành Xuân Trường, Trạm Hành, dưới chân đèo Dran hay dọc Quốc lộ 723 nối Nha Trang và Đà Lạt. Nhiều vườn hồng trở thành điểm du lịch hấp dẫn bởi khi tới đây, du khách không chỉ được thưởng thức vị ngon của quả hồng, trải nghiệm quy trình thu hái, chế biến mà còn có cơ hội cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc lãng mạn. Bạn Đặng Quỳnh Tri Giao, 22 tuổi, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hồ hởi: “Hồng vào mùa chín rộ rất đẹp và nên thơ, vị của nó cũng rất ngon. Vì thế 3 năm trở lại đây, vào mùa hồng chín, em và các bạn đều lên Đà Lạt trải nghiệm mùa hồng”.
Hồng là loài trái cây ôn đới, được trồng ở Đà Lạt từ thời Pháp thuộc. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Hồng Đà Lạt có nhiều giống, như: Hồng trứng, hồng bát, hồng vuông, hồng không hạt… mỗi giống lại có kiểu dáng, hương vị đặc trưng. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, hồng chủ yếu được trồng xen canh nhằm tạo bóng mát cho cây cà phê, giúp cà phê phát triển tốt, sai quả. Hiện nay, toàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận có khoảng 1.800ha hồng, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 20.000 tấn.
Cụ Nguyễn Thị Chanh, 77 tuổi, ngụ tại thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, người có thâm niên trồng hồng 40 năm cho biết: “Trước đây, hồng Đà Lạt chủ yếu dùng để ăn tươi hoặc sấy khô. Nếu ăn tươi thì để cho hồng chín mềm hoặc ngâm vào nước vôi trong cho mất đi vị chát. Tuy nhiên, cách này rất khó bảo quản và vận chuyển đi xa vì dễ bị giập hỏng. Muốn bảo quản được lâu, người dân thường hái những quả chín, bóc vỏ, ép cho dẹp rồi đem sấy bằng than củi cho khô. Tuy nhiên, sản phẩm nhìn không đẹp, khi ăn rất dai, vị kém ngon”.
Do công nghệ chế biến lạc hậu nên trong một thời gian dài hiệu quả kinh tế của cây hồng rất thấp, thậm chí có năm, tiền bán không đủ bù tiền thuê nhân công thu hái nên người dân bỏ mặc hồng chín rụng đầy vườn. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, ngành hồng Đà Lạt đã hồi sinh ngoạn mục nhờ sản phẩm hồng giòn yếm khí và hồng sấy gió công nghệ Nhật Bản.
leftcenterrightdel
Sản xuất hồng sấy gió công nghệ Nhật Bản tại Đà Lạt
Hồng giòn yếm khí được chế biến bằng cách hái những trái già bỏ vào bao ni lông buộc chặt không cho không khí lưu thông. Trong môi trường thiếu oxy, chất chát (tanin) trong quả hồng biến đổi thành đường, khiến quả hồng có vị ngọt thanh nhưng vẫn giòn, dễ dàng bảo quản và vận chuyển đi xa.
Từ năm 2014, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TP Đà Lạt đã cử một số cán bộ và nông dân sang Nhật Bản học công nghệ hồng sấy gió, sau đó về chuyển giao cho người dân địa phương. Đây chính là bước ngoặt mở ra sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của ngành hồng Đà Lạt. Anh Mai Xuân Long, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất chia sẻ: “Để làm hồng sấy gió, cần lựa chọn những quả hồng vàng ươm, đủ độ đường cần thiết nhưng vẫn còn cứng rồi gọt vỏ, treo lên giàn. Sau khoảng 30 ngày, gió sẽ rút toàn bộ nước trong quả hồng nhưng vẫn giữ được hình dáng và màu sắc đẹp, mùi thơm, vị mềm, ngọt. Cứ 4-5kg hồng tươi sau khi sấy sẽ thu được 1kg hồng khô. Hồng sấy gió có thể bảo quản được 6 tháng trong điều kiện thông thường, được một năm nếu trữ đông trong tủ lạnh. Sản phẩm này có thể dùng ăn trực tiếp, làm bánh kẹo, ngâm rượu. Vỏ quả hồng cũng không bỏ đi mà được sử dụng như một loại dược liệu hoặc phục vụ trong ngành sản xuất mỹ phẩm…”.
Nhằm nâng cao chất lượng và tránh hao hụt trong quá trình chế biến hồng sấy gió, nhiều hộ còn xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống quạt thông gió, đèn hồng ngoại, cải tiến bao bì, giúp sản phẩm đồng đều, mẫu mã đẹp, hạn chế nấm mốc, côn trùng và ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết.
Từ chỗ chỉ là loại trái cây rẻ tiền, hồng Đà Lạt giờ đây đã trở thành loại trái cây cao cấp, đặc sản được nhiều người ưa chuộng, cung không đủ cầu. Với giá dao động 300.000-350.000 đồng/kg hồng sấy gió, mỗi hộ nông dân trồng hồng tại Đà Lạt có thể thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Trong bối cảnh cây cà phê và cây chè đang bị rớt giá thì hồng trở thành “cứu cánh” giúp nhiều nhà vườn Đà Lạt vượt qua khó khăn và ngày càng trở nên khá giả.
 
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG