Chuyện tình sơn nữ năm xưa

“Em là dòng sông Mã. Anh là núi Mường Hung”. Nhân vật trữ tình trong bài hát “Tình ca Tây Bắc” được lấy từ nguyên mẫu tình yêu của sơn nữ vùng cao Tây Bắc Cà Thị Tống với anh bộ đội Tây Tiến Phạm Quang Bích thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bản Cát (thuộc xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) soi bóng hiền hòa bên dòng sông Mã. Nơi đây có nàng sơn nữ xinh đẹp người dân tộc Thái, là con gái của một cơ sở cách mạng. Trong số những cán bộ được gia đình nuôi giấu có một anh bộ đội rất nho nhã, thư sinh. Anh là người Hà Nội nhưng nói thông thạo nhiều thứ tiếng như Thái, Mông, Lào, Dao và được bà con vùng Tây Bắc yêu thương, che chở. Trong thời gian hoạt động tại Sơn La, gia đình nàng sơn nữ nhận anh là con rể để che mắt địch. Thế rồi thành thật. Trong những ngày ấy, tình yêu của anh với nàng sơn nữ đẹp như bông hoa rừng đã nhen nhóm. Sau giải phóng Điện Biên, họ cưới nhau và sinh hai người con, một gái, một trai là Phạm Thị Liêm và Phạm Văn Chung. Đất nước hòa bình, Thượng úy Phạm Quang Bích ở lại xây dựng miền núi.

leftcenterrightdel
Bà Cà Thị Tống đọc bức thư cuối cùng của người cha liệt sĩ

Do nhiệm vụ cách mạng giao nên anh thường xuyên vắng nhà. Có khi cả năm vợ chồng họ mới gặp nhau một lần. Nhớ chồng cồn cào, nhưng Cà Thị Tống chỉ biết khóc thầm và cố gắng nuôi dạy con để chồng yên tâm công tác.

Dồn nén nỗi nhớ thương vợ con vào những trang nhật ký, người chiến sĩ ấy đã viết: “Nhớ những lúc phóng ngựa như bay dọc triền sông cát trắng, nhớ người vợ hiền bên dòng suối Cát rì rào cùng hai đứa con bụ bẫm, xinh xắn đang ngày đêm trông ngóng”. Nhưng rồi một lần tham gia tiễu phỉ, Thượng úy Phạm Quang Bích đã anh dũng hy sinh trên đất bạn Lào.

Câu chuyện tình của sơn nữ Cà Thị Tống năm xưa được chính bà kể lại cho tôi nghe bằng cả hai thứ tiếng Kinh và Thái. Sơn nữ xưa năm nay đã gần 80 tuổi. Khi kể về chuyện cũ, những giọt nước mắt long lanh vẫn lăn dài trên gò má.

Ngoài kia, dòng suối Cát vẫn rì rào, sông Mã vẫn trong xanh, núi Mường Hung còn đó. Dường như trong bóng dáng của rừng, của núi, của sông, tôi thấy như vẫn thấp thoáng bóng anh bộ đội Phạm Quang Bích, người con trai của làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội)...

Viết tiếp bản tình ca

Cuốn nhật ký và bức thư cuối cùng của liệt sĩ Phạm Quang Bích luôn được con trai Phạm Văn Chung đem theo bên mình. “Những kỷ vật không chỉ tiếp cho tôi sức mạnh, nghị lực mà còn nhắc nhở tôi cùng con cháu sống sao cho xứng đáng với cha ông của mình, một chiến sĩ cách mạng kiên trung đã hy sinh vì nước, vì dân”-Phạm Văn Chung đã chia sẻ khi tôi gặp anh tại TP Sơn La, nơi gia đình anh đang sinh sống.

Phạm Văn Chung vui vẻ kể cho tôi nghe về những năm công tác của anh. Năm 1979, anh vào công tác trong ngành tòa án tỉnh Sơn La và được cử đi học tại Trường Cán bộ tư pháp TP Hồ Chí Minh 3 năm (khi đó chưa có Trường Đại học Luật). Ra trường, anh được cấp bằng trung cấp ngành tòa án. Sau này, anh học chuyên tu thêm 2 năm để lấy bằng đại học và gắn bó với ngành tòa án tròn 30 năm. Năm 2009, Phạm Văn Chung được phân công về Sốp Cộp, một huyện giáp Lào, giữ chức Phó bí thư Thường trực Huyện ủy rồi Chủ tịch UBND huyện cho đến năm 2013. Cuối năm đó, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cho đến năm 2015. Năm 2016, anh giữ chức Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La. Con trai đầu của anh chị nay đã là một chiến sĩ cảnh sát hình sự gan góc khi tiếp cận, đấu tranh với tội phạm.

leftcenterrightdel
Những kỷ vật của liệt sĩ Phạm Quang Bích

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh tại TP Sơn La, những giấy khen, bằng khen, danh hiệu của các cấp từ Trung ương đến địa phương tặng thưởng Phạm Văn Chung qua các thời kỳ công tác nhiều vô kể. Thời gian công tác tại huyện Sốp Cộp, anh được nhiều lần khen thưởng về thành tích xây dựng kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới. Sốp Cộp là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, có 120km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Vì vậy, vấn đề an ninh, quốc phòng luôn nhạy cảm. Lúc Phạm Văn Chung về đây, tỷ lệ hộ nghèo đến 60%. Cả huyện chưa hề có đường nhựa mà chủ yếu là đường đất và đá. Duy nhất ở trung tâm huyện có điện. Không ngại gian khó, anh cùng các lãnh đạo và nhân dân huyện bắt tay vào cải tạo, xây dựng và kiến thiết. Mấy năm sau, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống một nửa. Toàn bộ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đến tận xã, hơn 80% hộ dân có điện. Đến hôm nay, bộ mặt Sốp Cộp đã hoàn toàn đổi mới.

Trong bề dày thành tích của anh, tôi đặc biệt chú ý đến thành tích trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Anh kể: “Đó là vụ án đáng nhớ nhất suốt 30 năm công tác trong ngành tòa án. Lúc đó, tôi là Thẩm phán xét xử trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn. Vụ án có 32 bị cáo thì 8 bị cáo bị án tử hình, còn lại thấp nhất 12 năm tù cho đến chung thân”. Đó là một vụ án phức tạp, các bị cáo ngoan cố đến cùng. Vì vậy, với vai trò Thẩm phán đồng Chủ tọa phiên tòa, Phạm Văn Chung cùng hội đồng xét xử đã dùng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, kết hợp các chứng cứ trong hồ sơ buộc các bị cáo phải cúi đầu nhận tội.

leftcenterrightdel
Anh Phạm Văn Chung đọc bức thư cuối cùng của người cha liệt sĩ

Những việc làm của Phạm Văn Chung đã góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho nhân dân. Anh là người đang viết tiếp bản “Tình ca Tây Bắc” trên quê hương thứ hai của mình, nơi núi Mường Hung, dòng sông Mã vẫn ngày đêm dõi theo bước anh đi.

Khi đất nước không còn chiến tranh, Phạm Văn Chung đã tìm về quê cha (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Hiện nay, anh trai của liệt sĩ Phạm Quang Bích cùng con cháu vẫn sống ở đây. Làng xưa với mái nhà tranh như miêu tả trong nhật ký của cha anh đã không còn. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại. Tại đây, những người anh em bên nội luôn dành cho anh những tình cảm sâu nặng. Với anh, dù không sinh ra, lớn lên ở Thủ đô, nhưng quê cha đất tổ, hình ảnh người cha liệt sĩ luôn là động lực giúp anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Bài và ảnh: KIM THANH