“Nguyễn Văn Cừ-tuổi trẻ chí lớn” là vở chèo được Đại tá, NSND Vũ Tự Long đạo diễn. Vở diễn tập trung khai thác cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ từ khi tham gia cách mạng đến khi bị địch giam cầm và hy sinh. Với thể loại chính kịch và khắc họa chân dung nhân vật lịch sử, đạo diễn đã chọn cách thể hiện mộc mạc, kết cấu vở diễn lần lượt các màn, bắt đầu từ khi Nguyễn Văn Cừ là học sinh trường Bưởi, đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhận ra bản chất kẻ thù của dân tộc là thực dân xâm lược và dám đứng lên đấu tranh, chống lại áp bức, bất công. Tiếp sau đó là các màn: Nguyễn Văn Cừ bỏ học về Bắc Ninh tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng ở quê nhà, tuyên truyền và đưa hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát triển rộng khắp các làng quan họ; Bị địch truy lùng ráo riết, dưới sự che chở, đùm bọc của đồng bào, đồng chí thoát khỏi lưới giăng bủa vây của quân thù và đến Quảng Ninh tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng tại các khu mỏ. Với sự dẫn dắt của Nguyễn Văn Cừ, hàng loạt cuộc đình công, bãi khóa yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập của thợ mỏ ở Hòn Gai được diễn ra. Do trong tổ chức có kẻ phản bội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt và giam tại nhà tù Côn Đảo. Trong cảnh lao tù, Nguyễn Văn Cừ vẫn cùng các đồng chí khác tiếp tục đấu tranh, không nao núng tinh thần cho tới khi hy sinh...

leftcenterrightdel
 Cảnh trong vở chèo "Nguyễn Văn Cừ-tuổi trẻ chí lớn".

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ ngắn ngủi, hy sinh khi mới 29 tuổi, nhưng qua vở chèo, khán giả sẽ thấy được phần nào chân dung, phẩm chất của một nhà cách mạng có tài, tuổi trẻ chí lớn. Từ khi còn là một thanh niên ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Văn Cừ đã sớm bộc lộ là một người có lý tưởng cách mạng, dám đấu tranh chống lại những hành động ngang ngược, bỉ ổi của đám thực dân, tay sai. Ngay cảnh khai màn, khán giả đã ấn tượng với cảnh cậu học sinh nhỏ bé Nguyễn Văn Cừ lớn tiếng yêu cầu hai tên đội Tây “Dừng ngay hành động bỉ ổi này lại!” khi thấy chúng cầm roi đánh tới tấp bắt những phu xe phải kéo đua trên phố... Khi biết không thể ở lại trường học, Nguyễn Văn Cừ quyết định “sẽ về quê dạy học, truyền bá tư tưởng cách mạng đến tầng lớp thanh niên ở nông thôn... Tôi sẽ không bỏ cuộc đâu.”...

Vở chèo cũng giúp khán giả thấy được tinh thần học hỏi, trí tuệ, tài năng của một lãnh tụ cách mạng qua những chi tiết như khi cậu Mỡ hỏi về những bài viết của Nguyễn Văn Cừ trên tờ Báo Than và Báo Dân chúng: “Cậu tài thật, con chẳng thấy cậu học ở trường ở lớp nào vậy mà cậu viết kinh thật, sắc như dao, nhọn như giáo. Ai đọc bài của cậu cũng thích. Cậu học ở đâu thế?”-Học ở đâu ư, học từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh của anh em phu mỏ, học từ những tài liệu sách báo gửi từ nước ngoài về, học từ "Đường Kách mệnh" và học từ tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc... Những bài học kinh nghiệm ấy đã được đồng chí Nguyễn Văn Cừ đúc rút và để lại qua tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Chí Cường. Tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng, có tính thời sự cho đến ngày nay và là tiền đề cho nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng sau này.

Ở cảnh cuối, khi tên sĩ quan Pháp mời Nguyễn Văn Cừ uống rượu, nói chuyện tại nhà tù Côn Đảo với mục đích thuyết phục anh theo Pháp, Nguyễn Văn Cừ đã khiến tên sĩ quan Pháp phải cúi người nể phục bởi sự hiểu biết của mình về văn hóa Pháp và những câu nói sắc bén đầy tính chân lý, nhất là tinh thần yêu nước không thể khuất phục đã khiến lính Pháp phải sợ hãi.

Về thời lượng, vở chèo có vẻ hơi dài nhưng bằng tình huống kịch hấp dẫn, kịch tính, có những điểm nhấn sâu về tình cảm khiến cho người xem bị cuốn hút, khó rời. Bên cạnh những làn điệu chèo quen thuộc được giọng hát mượt mà của các nghệ sĩ thể hiện, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép vào vở diễn làn điệu quan họ (cảnh Nguyễn Văn Cừ ở quê hương Bắc Ninh), hay hò Huế (cảnh tiễn biệt đồng chí trước khi hy sinh do địch tra tấn tại nhà tù Côn Đảo). Ngoài ra, việc đan xen những cảnh diễn tình cảm sâu lắng khi Nguyễn Văn Cừ trò chuyện với Duyên (NSƯT Thùy Linh) hay khi ở mỏ than nhớ về quê nhà; những câu thoại hài hước, châm biếm mà sâu cay của anh Mỡ (nghệ sĩ Xuân Nghĩa) đã giúp cảm xúc người xem không bị “mệt” trong một vở chèo dài.

Tất nhiên, đóng góp vào thành công của vở diễn không thể không nhắc đến các thành phần sáng tạo với sự tham gia của các nghệ sĩ ở hai đoàn diễn của nhà hát. Vở diễn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tuy nhiên hầu hết đều xuất hiện khá ngắn để tập trung làm nổi bật nhân vật chính-đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Vai diễn Nguyễn Văn Cừ có thể nói khá nặng cho nghệ sĩ trẻ Phùng Quỳnh bởi đây là nhân vật nổi tiếng, xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Làm sao thể hiện được phong thái, tính cách, tài năng của nhân vật để bộc lộ “tuổi trẻ chí lớn” của một lãnh tụ trẻ tuổi của dân tộc. Đó là một thách thức lớn với diễn viên và Phùng Quỳnh đã thể hiện tốt vai diễn này. Xuất hiện nhiều thứ hai là vai anh Mỡ-người theo Nguyễn Văn Cừ, do nghệ sĩ Xuân Nghĩa vào vai. Đây có thể nói là vai sở trường thường thấy của Xuân Nghĩa, vừa có phần dí dỏm, hài hước, lại cũng rất sâu sắc qua những câu nói tưởng như đùa; bề ngoài có phần tưng tửng nhưng rất trung thành, dũng cảm luôn sẵn sàng đương đầu với kẻ thù.

“Nguyễn Văn Cừ-tuổi trẻ chí lớn” là vở chèo tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc lấy bối cảnh giai đoạn đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Vở diễn khắc họa biểu tượng người anh hùng cách mạng-Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với tài năng, ý chí, bản lĩnh, niềm tin sắt đá được minh chứng qua những thử thách cam go nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi xa nhưng vẫn còn đó vẹn nguyên tài năng, nhân cách, trái tim yêu nước và ngọn lửa đấu tranh bất khuất giành lại độc lập dân tộc. Vở diễn một lần nữa là dịp ca ngợi, khẳng định vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; cũng là bài học sâu sắc cho thế hệ hôm nay phấn đấu và trưởng thành hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG DƯƠNG