Cũng như những dòng nhạc trước đó, rock chia thành nhiều trường phái khác nhau như hard rock, heavy metal, blue rock... nhưng tất cả đều có một điểm chung là xoay quanh cây ghi ta điện.
|
|
Ban nhạc rock “Bức tường” nổi tiếng ở Việt Nam đầu những năm 2000. Ảnh: Bức tường |
Những nghệ sĩ nhạc rock đã chứng minh khả năng sáng tạo vô hạn khi chỉ với một cây ghi ta, họ có thể tạo ra âm thanh chậm rãi, du dương lãng mạn như tiếng nước chảy trong những bản rock ballad (thường kể một câu chuyện trữ tình), tiếng “quạt chả” sôi động, hay cả âm thanh chát chúa như tiếng súng đại liên hay cánh quạt trực thăng vần vũ ở những bản heavy metal “nặng đô” mà không phải ai cũng có thể nghe được. Giai điệu và ca từ của những bản rock ballad trứ danh như: “I don’t want to miss a thing” (Không muốn bỏ lỡ một phút giây), “November rain” (Mưa tháng Mười một), hay “nặng đô” hơn như “Hit the lights” (Tắt đèn đi)… đã đi vào lòng người như thế, vừa mang chất tự sự chậm rãi, lãng mạn nhưng cũng rất “nổi loạn” đặc trưng của rock. Những ban nhạc như: Scorpions, Guns N’ Roses, Aerosmith, Metallica… đã trở nên quá quen thuộc với thính giả nghe nhạc quốc tế nói chung và fan hâm mộ nhạc rock nói riêng. Còn ở Việt Nam, ban nhạc rock Việt “Bức tường” (chia tay năm 2006), với những ca khúc như: “Bông hồng thủy tinh”, “Người đàn bà hóa đá”, “Hoa ban trắng” và đặc biệt là “Đường đến ngày vinh quang”… đã làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc. Ca từ giản dị nhưng không kém phần sâu sắc cùng tiết tấu mạnh mẽ, sôi động của hard rock đã tạo động lực cho không ít bạn trẻ vượt qua thử thách đầu đời để thành công trong cuộc sống.
Vậy mà gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc thế giới buộc lòng phải đặt câu hỏi: “Nhạc rock có thực sự đã chết?”. Quả thật, đối với fan nhạc rock thì phải trả lời câu hỏi này là một nỗi đau khó có thể nói bằng lời. Thế nhưng, câu hỏi này cũng chẳng phải là ngẫu nhiên. Lý do dễ thấy là người ta ngày càng thấy nhạc rock ít xuất hiện hơn ở các giải thưởng âm nhạc. Sau Bob Dylan, Gene Simmons-ca sĩ, nhà viết nhạc người Mỹ gốc Israel và cũng là cây ghi ta bass, hát chính của ban nhạc rock nổi tiếng Kiss-mới đây đã phải lên tiếng về sự thoái trào của nhạc rock. Ông khẳng định: “Cuối cùng thì nhạc rock cũng đã chết. Nhưng nó không chết một cách tự nhiên mà là bức tử”. Theo ông, ít ai chịu đầu tư vào nhạc rock nữa, hoàn toàn không phải do dòng nhạc này đã mờ nhạt hay thiếu tính chuyên nghiệp. Thay vào đó, chính việc chia sẻ file trên mạng đã khiến người nghe dễ dàng tìm kiếm bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào, dù đó có là những tác phẩm dễ dãi kiểu “nhạc nhảm, nhạc rác” hay phải đầu tư nhiều công sức và khổ luyện mới có được như nhạc rock. Điều này đang khiến người nghe dễ dãi hơn và “không đánh giá đúng mức giá trị âm nhạc” và người nghệ sĩ nhạc rock không thể sống được bằng đam mê. Họ đành lui vào hậu trường, viết nhạc cho những chương trình giải trí “ăn xổi” khác để nuôi sống đam mê.
Nhạc rock đang rơi vào thoái trào. Đó là một thực tế! Nhưng có thật nhạc rock đã chết hay không lại là câu hỏi không dễ gì có câu trả lời. Nhà phê bình âm nhạc người Mỹ Steven Hyden đã khẳng định: “Nếu bạn cho rằng nhạc rock đã chết thì bạn chưa để ý đúng mức đến nó”. Dòng nhạc này tự thân nó vẫn sẽ cứ tồn tại và có sức sống mạnh mẽ trong lòng người yêu âm nhạc. Cũng giống blues và rock and roll đã từng là nền tảng cho rock ra đời, nó sẽ chỉ tạm lắng xuống để làm nền cho những dòng nhạc mới ra đời. Rồi dòng nhạc mới cũng sẽ lại lắng xuống để một dòng nhạc mới hơn ra đời, nhưng giá trị của nó sẽ không bao giờ mất đi. Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn thấy giai điệu của “Nothing else matters” (Chẳng còn điều gì quan trọng nữa) của Metallica hay “Đường đến ngày vinh quang” của “Bức tường” cùng tiếng ghi ta điện lúc thánh thót, khi dồn dập vang lên đâu đó trên đường phố. Rõ ràng và hiển nhiên, sau tất cả những thử thách của thời gian, rock vẫn có sức sống lâu bền trong lòng người hâm mộ. Và như vậy, câu trả lời có lẽ là: “Nhạc rock có thể không còn chỗ đứng tốt trên thị trường âm nhạc như trước nữa, nhưng nó chưa bao giờ chết, nhất là trong lòng người yêu nhạc”.
HOÀNG ANH