QĐND - Hơn 60 năm qua, mỗi lần bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân được cất lên thì dường như ngay trước mắt chúng ta lại thấy hiện ra hình ảnh thật đẹp của bộ đội và dân công Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tiếng hò của âm nhạc dân gian khi được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào cùng không khí kéo pháo của bộ đội và dân công đã làm nên một ca khúc rất độc đáo, được nhiều người yêu thích. Âm vang của ca khúc ấy sống cùng với kỳ tích kéo pháo của người chiến sĩ Việt Nam - một huyền thoại của chiến tranh nhân dân. Khi sáng tác, biểu diễn ca khúc này ngay tại trận địa pháo, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng không thể ngờ rằng, bài hát lại có giá trị và một sức sống mãnh liệt đến vậy.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế từ năm 16 tuổi. Ông từng làm liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312…

Thời điểm sáng tác bài hát “Hò kéo pháo”, Hoàng Vân chưa phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, vốn âm nhạc của ông lúc ấy chỉ là kiến thức cơ bản được học trong trường phổ thông. Xuất thân là một chàng trai Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nhiều tài lẻ, biết chơi một số nhạc cụ nên ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm chính trị viên của tốp văn công Sư đoàn 312. Khi công việc chuẩn bị cho chiến dịch đang vào giai đoạn gấp rút, Hoàng Vân được cử đi quan sát chiến trường Điện Biên Phủ để chuẩn bị đưa các tốp văn công xung kích vào phục vụ. Vào chiến trường, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những khẩu pháo lớn, nặng hàng tấn của ta, Hoàng Vân hết sức xúc động. Và kinh ngạc hơn khi ông biết những khẩu pháo này được kéo vào trận địa chỉ bằng những đôi tay, đôi vai của bộ đội và dân công. Khi Hoàng Vân vẫn còn đang bâng khuâng cùng những cảm xúc tự hào, cảm phục ý chí kiên cường của những người lính kéo pháo thì ông lại nghe một mệnh lệnh được truyền xuống: “Kéo pháo ra!”.

Nếu lúc kéo pháo vào đã vất vả, thử thách sức người và lòng kiên trì, dũng cảm của bộ đội thì lúc kéo pháo ra còn nguy hiểm, khó khăn hơn nhiều. Kẻ địch đã đoán được kế hoạch của ta, chúng dội bom đạn xuống những cung đường kéo pháo. Những hiểm nguy của người kéo pháo có lẽ chỉ có thể chứng kiến và cảm nhận, chứ khó có bút nào, lời nào có thể viết, tả hết. Tận mắt chứng kiến cảnh này, khâm phục sự dũng cảm của bộ đội, những nốt nhạc và lời ca của Hoàng Vân cứ giản dị, tự nhiên mà hình thành. Đêm ấy, viết xong khúc nhạc đầu, Hoàng Vân ngủ thiếp đi và tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng. Bước ra khỏi hầm trong một đêm trời giá buốt, mờ mịt sương giăng khắp núi rừng, Hoàng Vân bỗng nghe một tiếng gà rừng gáy. Thứ thanh âm của sự bình yên vang lên giữa khung cảnh trận mạc này khiến ông lặng người. Mới trải qua những ngày dài mưa dầm, cơm vắt, giờ được nghe một tiếng gà gáy sang canh khiến cảm xúc tươi mới trong ông bỗng tràn về. Thanh âm ấy đi vào bài hát của Hoàng Vân thật tự nhiên: "Gà rừng gáy trên nương rồi, kéo pháo ta băng qua đồi trước khi trời hừng sáng"... Và bài hát được hoàn thành với những lời nhạc rộn ràng như tiếng hò dô của bộ đội, dân công trên đường kéo pháo: Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù. Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi.

Viết xong bản nhạc, Hoàng Vân ghim lên vách hầm như tờ báo tường để ngày mai anh em cùng đọc, sẻ chia và động viên nhau. Nhưng bản hùng ca đầy dũng khí và tràn ngập những hình ảnh êm đềm, lãng mạn ấy vừa ráo mực, đội văn công đã thuộc lòng và mang đến phục vụ bộ đội, dân công ngay bên các khẩu pháo, góp phần quan trọng trong việc động viên tinh thần người chiến sĩ... Bài hát như một tiếng hò thúc giục lòng người chiến sĩ cứ vang vọng khắp chiến trường.

Hình ảnh bộ đội kéo pháo được tái hiện trong các bảo tàng. Ảnh: Khôi Minh

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại, trong cuộc đời sáng tác của ông, ông không thể nào quên được không khí chuẩn bị vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng trong chiến dịch đã tạo cho ông những giây phút đẹp nhất - những giây phút không dễ gì có được trong cuộc đời của một người sáng tác âm nhạc. Khi kể lại những lần biểu diễn bài “Hò kéo pháo”, dường như bầu không khí và sự thiêng liêng của những người lính trước khi vào trận đánh cứ điểm Him Lam đang hiện lên vẹn nguyên trong ký ức của người nhạc sĩ cao niên. Đấy là một ngày trời mưa tầm tã, trên chiến hào ngập nước và bùn, những người lính nối nhau bước đi, gương mặt đầy nghị lực, can đảm và khí thế. Ở một ngã ba chiến hào, nhạc sĩ Hoàng Vân tay cầm đàn ác-coóc, Đỗ Nhuận chơi sáo và Trần Ngọc Xương dùng đàn vi-ô-lông, cùng một tốp văn công đứng hát bài “Hò kéo pháo”. Mưa xuống, quần áo ai cũng ướt sũng, mặt mũi tím tái, tóc bết lại trên đầu nhưng họ vẫn mải miết, say mê hát. Mỗi người lính đi qua, họ lại trao gửi những ánh mắt như gửi một niềm tin chiến thắng. Tiễn những người lính đi đánh cứ điểm Him Lam xong, đoàn văn công trở về hậu cứ, trong đêm ấy, tin thắng trận đã náo nức đến với mọi người.

Sau Chiến thắng Điện Biên, bài hát “Hò kéo pháo” đã được trao giải nhất tại đại hội liên hoan toàn quân. Nhạc sĩ Hoàng Vân được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Ca khúc này cũng đã được giải thưởng toàn quốc ngay sau ngày giải phóng Thủ đô. Sự thành công của ca khúc “Hò kéo pháo” đã mở đầu con đường sáng tác của Hoàng Vân. Nhận thấy năng khiếu âm nhạc của Hoàng Vân, Tổng cục Chính trị cử ông sang học tại Nhạc viện Bắc Kinh. Hoàng Vân tốt nghiệp nhạc viện này bằng giao hưởng “Thành đồng Tổ quốc”. Sau  5 năm học, nhạc sĩ Hoàng Vân trở về Việt Nam nhận công tác ở Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

 Và suốt 2 cuộc kháng chiến, âm nhạc của Hoàng Vân đã “nở rộ” như một “phép màu nghệ thuật”, thôi thúc những chàng trai Phù Đổng từ khắp các miền quê lên đường ra trận. Ông đã có hàng loạt những ca khúc còn mãi với thời gian như: “Hò kéo pháo”, “Tin chiến thắng”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Người chiến sĩ ấy”, “Chào anh Giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…

Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân là một người tận tâm, tận sức với âm nhạc. Cả cuộc đời người đàn ông tài hoa, nho nhã, lịch thiệp của đất Hà thành dường như không màng đến chuyện gì khác ngoài âm nhạc. Ông có một gia đình yên ấm với người vợ là bác sĩ và hai người con cũng theo nghiệp âm nhạc của cha. Con trai ông là Giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi, con gái là Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc, hiện định cư tại Pháp. Và nếu có ai đó tò mò hỏi về cái tên nghe là lạ của cô con gái, thì đó chính là “sự tích” mối tình của ông với vợ.

Từ chiến khu trở về Thủ đô, anh lính văn nghệ Lê Văn Ngọ đem lòng thầm thương một cô gái có cái tên rất đẹp: Ngọc Anh. Cô thiếu nữ Ngọc Anh lúc ấy đang là sinh viên ngành y, nhà ở phố Trần Quốc Toản. Muốn đến chơi thăm Ngọc Anh nhưng Hoàng Vân không biết phải tiếp cận thế nào bởi gia đình cô rất nghiêm khắc. Biết Ngọc Anh thích chơi pi-a-nô, nhạc sĩ Hoàng Vân bèn phổ nhạc những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Thi: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây…” gửi đến tặng nàng với bút danh Y-na ký dưới bản nhạc. (Bút danh này có nghĩa là "yêu Ngọc Anh", sau đó đã theo ông gắn bó với nhiều ca khúc: “Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng”, “Trên đường tiếp vận”)…

Nàng thiếu nữ Ngọc Anh đã “đổ gục” trước vẻ tài hoa, thanh lịch của anh nhạc sĩ. Tết năm đó, cô đến chúc Tết gia đình nhạc sĩ và gửi lại cho Hoàng Vân một món quà là một chiếc hộp sơn mài. Mở chiếc hộp được chạm khảm kỹ lưỡng, bên trong là một chiếc khăn làm từ lụa tơ tằm rất dài, giản dị nhưng lộng lẫy, thêu tay đầy đủ cả bản nhạc mà nhạc sĩ đã gửi tặng. Món quà cho thấy trái tim nàng thiếu nữ đã dành trọn cho chàng nhạc sĩ. Và nàng thiếu nữ ấy đã trở thành vợ của chàng nhạc sĩ, gắn bó, tận lòng với ông, chăm sóc cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ tới tận bây giờ…

Thành công với nhiều ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, cống hiến hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam, dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành, năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Vân đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng khi tâm sự về âm nhạc, người nhạc sĩ già vẫn đầy say mê, bay bổng như tuổi trẻ thuở nào. Ông bảo, đời âm nhạc của ông lấy mạch nguồn cảm xúc đầu tiên từ Điện Biên. Mảnh đất và con người Tây Bắc luôn là mối tình thâm trong hơn 60 năm qua và luôn gợi cho ông nhiều cảm hứng sáng tác. Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên, nghe tiếng "hò kéo pháo" cất lên, ông lại thấy vô cùng tự hào và khích lệ.

PHẠM HÀ