Đó là vào năm 2010, khi mới 19 tuổi, Tôn Nữ Na Uy, cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi Nguyễn Kim, sinh viên Khoa Tài chính ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Huế đã đi thi Hoa hậu Việt Nam và lọt ngay vào tốp 20. Dù không giành được vị trí cao nhất nhưng Tôn Nữ Na Uy đã khiến cho cả nước biết đến vẻ đẹp của người con gái Huế e ấp, dịu dàng. Tiếp đó, vào năm 2014, cô sinh viên Khoa Du lịch-Đại học Huế là Lê Thị Hà Thu đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương Việt Nam. Năm 2015, cô đã lọt tốp 17 chung kết Hoa hậu Liên lục địa và chiến thắng giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất. Năm 2017, cô lọt vào tốp 16 Hoa hậu Trái Đất 2017 với chiến thắng ở các giải phụ như: Hoa hậu ảnh, Chiến binh Trái Đất, Trang phục dạo biển đẹp nhất. Đặc biệt, người đẹp gốc Huế đứng thứ 57 trong danh sách 90 người đẹp năm 2017 do chuyên trang sắc đẹp Missosology bình chọn.

leftcenterrightdel
Lê Thị Hà Thu tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2017. Ảnh: Missosology

Lớn lên trên vùng đất Cố đô, người con gái Huế phải biết đủ công, dung, ngôn, hạnh. Đặc biệt, để con cháu có lòng hiếu thảo, con gái Huế phải không ngừng được nuôi dạy bởi hiếu đạo. Trong lần đi cùng nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Tạp chí Sông Hương) đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, tôi rất xúc động và khâm phục khi được nghe nội dung cuốn sách “Thư gửi con” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2012) của TS Thái Kim Lan, một người phụ nữ xứ Huế lập nghiệp ở phương trời Tây. Được biết, “Thư gửi con” của TS Thái Kim Lan dành cho cô con gái Mai Lan. Mai Lan sinh ra, lớn lên và sinh sống ở CHLB Đức, học tập nền giáo dục phương Tây nhưng cô gái này lại không giống như những đứa trẻ phương Tây khác. Bởi khi ra đời, Mai Lan được nằm trong chiếc nôi tre được mẹ cẩn thận đưa từ Việt Nam sang, được mẹ dạy cho tiếng Việt khá nhuần nhuyễn, được mẹ căn dặn “phải biết vâng lời của bà nội nghe con” và niệm Phật khi đã trưởng thành khôn lớn. Đối với Mai Lan, vẻ đẹp và cốt cách Huế vẫn đậm nét trong cô. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, chia sẻ: “Nếu ai gặp Mai Lan cũng sẽ cực kỳ yêu quý cô, không những về bề ngoài xinh đẹp mà còn vì cái cách một cô gái phương Tây biết giữ lễ phép truyền thống và lòng hiếu đạo của người phương Đông”.

Đặc biệt, với mong muốn đưa hình ảnh áo dài Huế có cơ hội trở lại thời vàng son, góp phần quan trọng nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, nhân ngày khai giảng năm học mới 5-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã có thư ngỏ gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống. Theo thư ngỏ này, bắt đầu từ tháng 9-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quy định toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện mặc trang phục áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hằng tuần. Bên cạnh đó, phát động và khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài truyền thống tối thiểu hai ngày trong tuần (trong đó có ngày thứ hai). Được biết, trước đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức cho giáo viên mặc trang phục áo dài khi lên lớp giảng dạy; tại một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học phổ thông cũng đã tổ chức cho nữ sinh, sinh viên mang trang phục áo dài từ hai đến ba ngày mỗi tuần.

Mới đây, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách. Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng đạo diễn chương trình đã chia sẻ: “Tôi may mắn là người Huế nên hiểu được văn hóa và con người Huế. Chúng tôi chọn chủ đề “Huế vàng son” với mong muốn đưa hình ảnh Huế sâu sắc và đậm nét về văn hóa đến với người xem, đặc biệt là du khách”.

Bên cạnh chiếc áo dài thì chiếc nón lá và giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương cũng là nét duyên cần được gìn giữ của những cô gái Huế. Chiếc nón lá không chỉ che mưa, che nắng mà còn thực hiện chức năng làm đẹp, góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ Huế.

Trong bài hát của mình, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã viết: Giữ chút gì rất Huế đi em / Nét duyên là trời đất giao hòa / Dẫu xa, một mai anh gặp lại / Vẫn được nhìn em say lá hoa / Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan / Xin em chớ cắt mái tóc thề / Để cho gió thổi bay suối tóc / Và mùa đông ấm đôi vai gầy...

Vẻ duyên bên ngoài lẫn nét đẹp tâm hồn của những cô gái Huế là vậy, rất quý báu và xứng đáng để yêu thương. Và rõ ràng chẳng ai muốn mất đi hình tượng đẹp đẽ này, nhất là đối với các du khách đến Huế với mong muốn chiêm ngưỡng, ngắm nhìn cho kỳ được những cô gái Huế mặn mà, dịu dàng và duyên dáng.

NGUYỄN VĂN TOÀN