Ai đã từng yêu đất nước của Lê-nin, yêu nhạc Nga đều không thể không biết hai tình khúc sâu lắng “Chiều Mat-xcơ-va” và “Đôi bờ”. Đó là những ca khúc đã trở thành “kinh điển” trong suốt nửa thế kỷ qua, chúng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
Và người đầu tiên đã dịch lời của chúng sang tiếng Việt là một Cựu chiến binh của Đại đoàn 308. Ông sống khiêm nhường, lặng lẽ và vừa đi xa vào một ngày đầu tháng 7-2010 vừa qua…
Số phận của hai ca khúc nổi tiếng
Một điều thú vị, còn ít người biết là cả “Chiều Mat-xcơ-va” và “Đôi bờ” đều là những ca khúc được viết “theo đơn đặt hàng” làm nhạc nền cho phim và khi mới xuất hiện lần đầu theo phim thì đều chẳng mấy ai quan tâm.
Với “Chiều Mat-xcơ-va”, khởi đầu, người ta đặt tên cho nó là “Đêm Lê-nin-grat”, được viết làm nhạc cho một bộ phim tài liệu về một sự kiện thể thao lớn ở Liên Xô hồi cuối thập niên 50 thế kỷ trước. “Đêm Lê-nin-grat” là đứa con chung của nhạc sĩ Va-xi-li Xê-đôi và nhà thơ Mi-khai-in Ma-tu-xốp-xki. Nhưng khi bài hát này xuất hiện lần đầu tiên, lồng vào cảnh phim tài liệu với hình ảnh các vận động viên nghỉ ngơi ở vùng ngoại ô Mát-xcơ-va… thì chẳng được mấy ai chú ý.
Còn tình khúc “Đôi bờ” có tên gọi ban đầu là “Em và tôi, đôi bờ”, nó còn có tên là “Bài hát của Masa”, là tác phẩm chung của nhạc sĩ An-đrây Y-a-kốp-lê-vich E-spai và nhà thơ Gri-go-ri Mi-khai-lô-vich Pô-zhen-y-an. Bài hát này được người ta đặt hàng viết minh họa cho bộ phim có tên là “Khát nước”, sản xuất năm 1960. Nội dung của ca khúc này nói về tiếng lòng của một thiếu nữ với mối tình đầu tuyệt đẹp. Nhưng đó là một mối tình vô vọng, như hai bờ của một dòng sông, không bao giờ gặp được nhau... Ca khúc “ăn theo” phim này khi mới xuất hiện cũng không được người yêu nhạc quan tâm.
Nhưng điều bất ngờ là sau đó, khi hai ca khúc trên lần lượt được giới thiệu trên làn sóng phát thanh, thì đều thu hút được sự yêu thích đặc biệt của thính giả và thành công ngoài sự mong đợi của những người sáng tác ra chúng. Đặc biệt là với bài “Đêm Lê-nin-grat” qua sự thể hiện của Vla-di-mia Trô-sin, một ca sĩ lừng danh của Nhà hát Mát-xcơ-va thì thính giả đã bị chinh phục hoàn toàn, tạo nên một “cơn sốt” cho công chúng yêu nhạc. Bộ Văn hóa Liên Xô lúc đó đã yêu cầu đổi tên nó chính thức thành “Podmoskovnye Vechera” (tạm dịch là “Buổi chiều ở ngoại ô Mát-xcơ-va”) và chỉnh sửa một chút ở phần lời.
Ngay trong năm 1957, "Podmoskovnye Vechera" đã bất ngờ giật giải trong một cuộc thi ca khúc quốc tế và giành giải nhất tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Mát-xcơ-va. "Podmoskovnye Vechera" đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, được đặc biệt ưa thích ở Trung Quốc. Thậm chí vào những năm đỉnh cao của “Chiến tranh lạnh”, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Mỹ là Van Cliburn từng trình diễn bài "Podmoskovnye Vechera" nhiều lần...
 |
Ông Vương Thịnh (đứng thứ hai bên phải) cùng một số lưu học sinh Việt Nam tại Mát-xcơ-va năm 1956. Ảnh do gia đình cung cấp
|
"Podmoskovnye" trở thành “Chiều Mát-xcơ-va”
"Podmoskovnye Vechera" là một trong những ca khúc được đề nghị phát thanh nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả Liên Xô. Kể từ năm 1964, giai điệu của nó được lấy làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Tin tức và Âm nhạc Mayak (Hải đăng) ở Liên Xô.
Từ sau Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới ở Mát-xcơ-va (1957), "Podmoskovnye Vechera" đã đến với công chúng Việt Nam và cũng mau chóng chinh phục trái tim người yêu nhạc, với các tên gọi khác nhau, như: “Chiều Mát-xcơ-va”, “Chiều ngoại ô Maá-xcơ-va”, “Chiều ngoại thành Mát-xcơ-va”…
Khi về tới Việt Nam “Chiều Mát-xcơ-va” đã trở thành bài hát Nga “đi cùng năm tháng” với những tình khúc nổi tiếng khác như Kachiusa, Triệu bông hồng, Kalinka,... “Chiều Mát-xcơ-va” đã gắn bó với tên tuổi các ca sĩ như: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...
Theo tác giả Đỗ Trọng Nga: Đã nửa thế kỷ qua, tên người dịch bản tiếng Việt của “Chiều Mát-xcơ-va” là một bí ẩn và bản dịch, dù được rất nhiều người thuộc lòng, cho đến nay vẫn bị coi là “khuyết danh”. Từng có nhiều ý kiến cho rằng NSND Trung Kiên là tác giả phần lời tiếng Việt, song chính ông đã phủ nhận điều đó. Mãi đến gần đây mới có thông tin cho biết người đầu tiên dịch “Chiều Mát-xcơ-va” ra tiếng Việt là ông Vương Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa-Thông tin, thời Nhạc sĩ Trần Hoàn làm Bộ trưởng.
Sinh năm 1934 tại Bắc Giang, ông Vương Thịnh từng là một cựu chiến binh của Đại đoàn 308 từ năm 1949. Những năm 1951-1954, ông là Học viên thiếu sinh quân tại Trung Quốc. Ông cũng là một trong những học viên Việt Nam được học lớp Nga ngữ đầu tiên ở Mát-xcơ-va những năm 1954-1956. Theo Đại tá Nguyễn Đăng Nguyên (ĐT: 04.38231905), một người bạn thân thiết của ông Thịnh cho biết: Cùng là học viên lớp Nga ngữ tại Liên Xô với ông Vương Thịnh hồi đó, có nhiều người sau này đã trưởng thành như ông Vũ Khoan (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ); ông Nguyễn Nhạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ông Hồ Huấn Nghiêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại); bà Hồ Thể Lan (nguyên là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam)…
Những năm 1957 – 1960 và 1969 - 1971, ông Vương Thịnh được Nhà nước ta cử sang Liên Xô, công tác tại Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Mát-xcơ-va, làm biên tập và phát thanh viên tiếng Việt cho đài này. Do có năng khiếu thơ ca (ông Vương Thịnh đã cho xuất bản tập thơ “Một thoáng trong đời”, NXB Văn học ấn hành năm 1997) và yêu thích âm nhạc từ nhỏ, nên khi được cử sang Liên Xô công tác, ông Vương Thịnh đã tự dịch ca khúc “Chiều Mát-xcơ-va” đang nổi tiếng hồi đó ra tiếng Việt. Sau đó, ông còn cộng tác với Cao Thụy (sau là đạo diễn điện ảnh) dịch tiếp ca khúc “Đôi bờ”.
Đại tá Vương Hồng Trường (ĐT: 0915185692) và những người anh em ông Vương Thịnh cho biết: Đầu thập kỷ 60, sau khi từ Liên Xô trở về nước, ông cùng gia đình sống ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam tại số 5 Trần Phú, Hà Nội. Hai ca khúc trên đã được ông Vương Thịnh cho in thành tờ gấp khổ nhỏ, phát hành hàng ngàn bản ở miền Bắc. “Chiều Mát-xcơ-va” và “Đôi bờ” đã nhanh chóng được người yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận.
Ông Vương Thịnh từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình với tư cách là phóng viên, biên tập viên, bình luận viên về các vần đề quốc tế, cuối cùng là Vụ trưởng Vụ Đối ngọai Bộ Văn hóa – Thông tin. Sau ngày nghỉ hưu, ông Vương Thịnh cùng vợ là bà Trương Thị Ký (nguyên là cán bộ kỹ thuật của Đài truyền hình Việt Nam), về sống những năm cuối đời ở 49 phố Nguyên Hồng, Hà Nội.
Đặng Vương Hưng