Không ai biết cái ao làng quê tôi thực sự đã bao nhiêu tuổi. Bà nội tôi năm nay ở tuổi 87, khi được hỏi cũng trầm ngâm rồi bảo: “Từ khi biết theo mẹ ra gánh nước thì ao làng đã có tự bao giờ”.

Ao nằm ngay giữa cánh đồng hướng mặt vào làng, ao không có đường dẫn nuớc vào cũng không có đường để thoát nước. Các cụ trong làng bảo lượng nước trong ao có được là nhờ những mạch nước ngầm dưới lòng đất tạo nên, đó là ba mạch nước chảy từ hướng Bèo Trại (một làng nằm ở phía tây) chảy về. Trong ba mạch nước có một mạch màu đục, một mạch có màu bình thường, nước không mát còn lại một mạch vừa trong vừa mát “trong xanh như mắt mèo, ngọt như nước dừa”, cho nên ao làng chẳng bao giờ cạn dù trời có hạn hán như thế nào. Ao làng cũng đã tưới tắm, nuôi dưỡng người dân làng bao đời nay.

Tháng 8 năm 1987, làng tôi cho xây những ô lọc nước để cho người dân thuận tiện trong việc lấy nước dùng, từ đó giếng làng được hình thành. Giếng lấy nước từ ba mạch nước ngầm nên nước trong giếng cũng luôn trong xanh và ngọt mát. Người dân trong làng lấy nước dùng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Ngày đó, còn ít nhà có giếng ống bằng bê tông lắm, chỉ có giếng kè đá, vừa cạn vừa bẩn. Thời đó, bể cạn để chứa nước cũng còn rất hiếm hoi nên giếng làng là nguồn nước chính. Một số người dân ở làng khác thỉnh thoảng cũng sang lấy nước về dùng và người dân ở làng tôi cũng vui vẻ khi được chia sẻ nguồn nuớc vốn có này. Trời càng nóng bao nhiêu thì nước dưới giếng càng mát bấy nhiêu. Vì vậy, nhiều em bé rất tinh ranh, thả dây gầu xuống đáy giếng để lấy được những gầu nước mát lạnh tắm cho thỏa thích.

Câu cá ở ao làng

Còn nhớ, cứ chiều chiều hay mỗi buổi sáng, các mẹ và các chị cùng nhau mang quang gánh, gánh từng thùng nước về dùng. Lũ chúng tôi cũng biết gánh nước trước khi biết gánh lúa, gánh mạ. Dưới ánh chiều hoàng hôn, lũ trẻ nô đùa té nước; bên thềm giếng, chị em râm ran trò chuyện, giặt quần áo, như một sinh hoạt tập thể khiến mọi người trong làng đoàn kết hơn. Giếng làng cũng là nơi trò chuyện tâm tình của các anh chị thanh niên, có nhiều đôi lứa đã nên duyên nhờ đi gánh nước.

Thời thế thay đổi, nhà nhà đua nhau xây giếng bằng bê tông, mua máy bơm. Họ xây thêm bể cạn chứa từ năm đến sáu khối nước mưa, không còn phải đi gánh nước nữa; không còn đôi thùng nước sóng sánh ánh trăng của các chị; trẻ con cũng không còn rủ nhau ra giếng tắm mỗi chiều.

Giếng vẫn trong xanh, vẫn tươi mát, chỉ khác là giờ đây nó làm nơi rửa tay chân, giặt giũ quần áo cho những người đi làm đồng về. Có đoàn thể nọ nghĩ đến việc tăng gia phát triển kinh tế cho hội viên bằng cách nhận khoán thầu ao làng để thả cá. Hằng năm, từ việc nuôi cá cũng xây dựng được quỹ hội. Việc nuôi cá ở ngoài ao đã ảnh hưởng đến nguồn nước trong giếng, giếng không còn được trong và sạch như trước nữa.

Vài năm trở lại đây, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài, những cơn mưa trở nên hiếm hoi giữa mùa khô hạn. Bể nước dự trữ của mỗi nhà dần dần cạn kiệt, có nhiều hộ đã phải mua đến 3 téc nước, mỗi téc có giá 200.000 đồng. Chưa nói đến việc nguồn gốc nước không rõ ràng, tất nhiên nước không thể bằng nước giếng nhà được.

Ở những cuộc “trà dư tửu hậu”, có người tiếc nuối cho chiếc giếng làng, tiếc nguồn nước trong xanh, tươi mát giờ không còn nữa; tiếc cái cảnh nhộn nhịp, vui tươi bên giếng làng mỗi buổi chiều hay những sớm mai.

Nguyễn Thị Thành (Xóm 8, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An)