Xóm làng biết ơn và trân trọng công việc của anh. Và vì anh vui tính, hiền hòa, lại tận tâm dạy dỗ mà học sinh quý mến. Có vẻ như đó là một chuyện rất đỗi bình thường…
Ấy vậy mà nhạc sĩ Trần Tiến đã viết nên một bài hát với lời ca thật cảm động: Vết chân tròn, vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi... Ngay vào bài hát, vẫn giọng kể quen thuộc của Trần Tiến: Bình dị, tự nhiên như chính cuộc sống hàng ngày nhưng âm điệu lại giàu chất suy tư. “Vết chân tròn” là gì vậy? Nhưng đến câu thứ hai, hình ảnh anh thương binh hiện ra thì người nghe bỗng nghẹn ngào hiểu ngay rằng: Đó là vết của chiếc nạng gỗ, thay cho chiếc chân anh-đã gửi lại ở chiến trường. Chiếc nạng gỗ ấy in lên cát sẽ để lại những dấu tròn. Nhưng sao lại trên cát mà không là trên đất? Bởi chắc chắn quê anh ở một vùng cát trắng miền Trung quanh năm nóng bỏng. Nơi đây tuy nghèo nhưng lại là nơi anh hùng, gan góc phi thường trong những cuộc đương đầu với giặc ngoại xâm. Và nơi ấy đã sinh ra anh.
Ở trường làng, chắc chắn người thầy giáo thương binh kia phải dạy văn hóa, dạy chữ cho các em học sinh là chính, còn dạy nhạc, dạy hát chỉ là phụ, là thêm. Nhưng tác giả đã lại chỉ khai thác về việc anh vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Có thật nhiều điều để nói! Rất nhiều cảm xúc, tâm trạng của anh thương binh được bộc lộ vừa lãng mạn, vừa sâu sắc biết bao. Khi tác giả miêu tả bài hát mà anh vẫn dạy các em thơ: Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/ Bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò… Chính vì quê hương vô cùng đáng yêu như thế nên anh mới sẵn sàng hy sinh âm thầm để cho hôm nay những gót chân son, vui quanh dấu chân tròn.
Đoạn đầu (đoạn A) của bài hát là lời kể mang tính chất như dẫn truyện. Sang đoạn sau (đoạn B) nét nhạc bay vút lên, diễn tả tiếng hát của chính anh (và sau đó là các em học sinh hát theo). Giai điệu ở đây có chút xa xăm, văng vẳng, lại uốn lượn, uyển chuyển. Có cảm giác như tiếng hát của thầy trò anh vọng ra biển khơi, vút lên trời xanh, luồn qua những dãy núi, len lỏi vào những xóm làng xa ngái rồi cuối cùng đậu lại trong lòng người nghe - trong đó có chính người nhạc sĩ, khiến ông phải thốt lên ở cuối bài: Bài ca anh viết trong thầm lặng trên bờ cát không lời cứ hát mãi trong tôi.../ Ôi bài ca cuộc đời, đốt mãi trong tôi, cháy mãi trong tôi.
Vết chân tròn trên cát là bài hát bộc lộ khá rõ phong cách sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến. Đó là từ những sự việc, hiện tượng rất bình dị trong cuộc sống, những điều mà nhiều người không để ý, dễ cho qua, nhạc sĩ đã khai thác được những khía cạnh sâu sắc có sức nặng tư tưởng và ý nghĩa triết lý. Chúng ta thấy rõ phong cách nhất quán này qua hàng loạt bài hát nổi tiếng khác của ông như: Những đôi mắt mang hình viên đạn, Mặt trời bé thơ, Tùy hứng qua cầu...
Nói đến thương binh, ai cũng nghĩ ngay đến sự hy sinh, cống hiến của họ cho Tổ quốc. Thương binh, liệt sĩ luôn gắn bó với niềm cảm phục, biết ơn của toàn dân tộc. Nhưng chuyển tải những nội dung ấy vào ca khúc là việc không dễ dàng. Hoặc là chung chung sáo rỗng, hoặc chưa đủ hiệu quả để có thể lay động trái tim người nghe. Người ta có thể vô cùng cảm kích một tấm gương thương binh, liệt sĩ cụ thể nào đó nếu biết rõ chiến tích, công trạng, nhưng không vì thế mà dễ rung động với một bài hát viết về người thương binh ấy, thậm chí còn thấy không thỏa mãn, không hài lòng nếu nghe thấy nhạt nhẽo, bình thường. Bình dị mà xúc động, xoáy sâu vào trái tim và có sức lắng đọng trong lòng người nghe là ưu điểm mà Trần Tiến đã đạt được ở bài hát này. Hình tượng văn học Vết chân tròn trên cát rất hài hòa với hình tượng âm nhạc được hình thành trên tiết tấu dàn trải mang rõ chất tự sự cùng giai điệu mang rõ phong vị Việt Nam khiến bài hát dễ đi vào lòng người.
Có một câu chuyện khá thú vị. Một lần, một ca sĩ nước ta sang biểu diễn ở một nước Tây Âu. Ca sĩ này đã hát bài Vết chân tròn trên cát trong chương trình biểu diễn. Hát xong, tại cuộc gặp mặt, giao lưu sau đó, một người nước ngoài hỏi anh về nội dung bài hát. Họ không thể hiểu cái vết chân tròn kia là thế nào. Ca sĩ phải giải thích, kể rất tỉ mỉ mới khiến vị khách hiểu nội dung bài hát. Vị khách hỏi: “Nhưng sao đã cụt chân rồi lại còn phải đi dạy học như thế?”. Anh trả lời: “Ở đất nước chúng tôi, chiến tranh kéo dài nên cũng có rất nhiều thương binh. Khi chiến tranh kết thúc, họ trở về quê hương nhưng không muốn nghỉ ngơi mặc dù Nhà nước có chế độ đãi ngộ thích đáng. Họ muốn tiếp tục đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng quê hương. Một trong những việc nhiều người tìm đến là dạy học. Người thương binh trong bài hát, ngoài dạy chữ còn dạy hát cho các em nhỏ. Đó là niềm vui, hạnh phúc rất lớn của họ trong hòa bình…”. Lúc này, vị khách dường như mới thẩm thấu được hết nội dung và ý nghĩa sâu sắc của bài hát Vết chân tròn trên cát...
THÔN CA