Năm tác giả của triển lãm đều là cựu sinh viên đã học tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov trong những năm 70 của thế kỷ trước. Trở về nước, họ công tác tại các cơ quan báo chí khác nhau và đều trưởng thành từ phóng viên đến tổng biên tập. Mỗi người đều có những kỷ niệm nghề báo rất khác nhau, nhưng đều có chung một “nơi ấy” với biết bao kỷ niệm đẹp thời sinh viên. Đó là nước Nga-Liên Xô trước đây. Nơi ấy, mỗi khi đến, họ có cảm giác được về nhà. Và mỗi khi xa lại nặng lòng thương nhớ.

Trung tướng, nhà báo Lê Phúc Nguyên chia sẻ: “Tôi không phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tôi chỉ là người yêu nước Nga, được trưởng thành ở nước Nga. Ai đến Nga cũng bị hấp dẫn bởi thiên nhiên, đất nước Nga. Đặc biệt nếu ai đi vào mùa thu thì không thể cầm lòng được. Biết bao người con gái Việt Nam có tên là Thu Nga, bởi bố mẹ học ở bên Nga, lại rất yêu mùa thu nên đặt tên là Thu Nga. Chúng tôi cũng như thế. Rất nhiều bức ảnh tại đây đều chụp vào mùa thu. Mùa thu có sức quyến rũ rất đặc biệt. Tất nhiên đã cầm máy ảnh lên thì không thể không chụp cái đẹp”.

Nhà báo Lê Phúc Nguyên vẫn thấm thía những bài học mà ông đã được học trên giảng đường của trường Lomonosov. Những năm sau này, ông may mắn có dịp trở lại nước Nga nhiều lần, khi thì đi công tác, khi đi du lịch. Đặc biệt những năm gần đây, ông có thời gian thăm lại nước Nga, thăm lại bạn cũ, thăm lại mái trường. “Trong tôi mãi mãi tình yêu với thiên nhiên, văn hóa, con người Nga. Đặc biệt là tình cảm của nhân dân Nga với nhân dân Việt Nam. Tôi cho đó là quà tặng quý giá nhất”-nhà báo Lê Phúc Nguyên nói.

Gần 200 bức ảnh triển lãm là những hình ảnh tiêu biểu cho thiên nhiên, kiến trúc Nga cổ điển và hiện đại, tập trung khá nhiều ở hai thành phố Moscow và Saint Petersburg, các thành phố miền Nam nước Nga, chân dung nhiều nhà hoạt động văn hóa, kỹ thuật nổi tiếng Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô (trước đây), ở Nga, những người hoạt động tích cực cho mối quan hệ hai nước, các bạn Nga, khách du lịch Nga tại Việt Nam và ngược lại, đặc biệt hôm nay khi hai nước đang tăng cường mối quan hệ qua phát triển về du lịch và văn hóa.

Tác giả Vũ Huyến cho biết: “Cả 5 anh em đều không thể nói và giới thiệu hết những gì mình từng viết, từng chụp về nước Nga và mối quan hệ đặc biệt này. Tôi phải bớt đi nhiều ảnh về Quảng trường Đỏ, Lăng Lênin, về Điện Kremlin v.v.. những nơi mà người Việt Nam nào từng đến đây cũng lưu trong ký ức”. Moscow cũng là nơi vợ chồng tác giả Vũ Huyến mới chụp ảnh sau gần nửa thế kỷ, kể từ bức ảnh hai người gặp nhau năm 1975.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm chỉ là một phần trong số hàng nghìn bức ảnh mà 5 tác giả đã chụp ở Việt Nam, cũng như trong thời gian học tập, công tác tại Liên Xô trước đây, Liên bang Nga, và trong những chuyến thăm lại xứ sở bạch dương. Phần lớn ảnh của 5 người đều là ảnh báo chí, phản ánh những sự kiện nóng được dư luận quan tâm, theo dõi. Từ sau khi rời giảng đường trường đào tạo lớn nhất của nước Nga, họ đều làm nghề báo, có các chuyến đi công tác tới Nga, có thêm dịp chứng kiến sự tăng cường và phát triển mối quan hệ Việt-Nga. Đó cũng là một lý do để họ cùng nhau tổ chức cuộc trưng bày “Nơi ấy nước Nga”.

Là những hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga, nhóm tác giả mong muốn và rất tự hào nếu những bức ảnh của mình được thêm một sứ mệnh mới-làm cho người Việt Nam yêu nước Nga hơn, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga mỗi ngày thêm được bồi đắp trên nền tảng những tình cảm tốt đẹp của biết bao thế hệ người Việt Nam và Nga trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Thay mặt nhóm tác giả, ông Vũ Huyến bộc bạch: “5 anh em chúng tôi đã chuẩn bị cho buổi triển lãm này từ rất lâu. Càng đến sát ngày lại càng thấy thiếu, bởi ca ngợi nước Nga, ca ngợi quan hệ Việt-Nga thì không biết làm sao cho đủ. Qua những tác phẩm của mình, chúng tôi nhắc lại nhiều kỷ niệm về ngôi trường cũ, nơi góp phần đào tạo chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay, qua đó muốn bày tỏ sự biết ơn với các thầy, cô giáo, với đất nước Nga, nhân dân Nga”.

Những tấm ảnh đẹp về thiên nhiên Nga, nền văn hóa Nga, con người Nga mà 5 tác giả bất chợt ghi lại vào những dịp có thể, giờ đây trở thành một phần của cuộc đời mỗi người. Từ những cuốn album gia đình hay từ những trang báo, hôm nay những bức ảnh bước ra với công chúng để cùng chia sẻ, cùng cảm nhận những cung bậc tình cảm khác nhau của những nhà báo đã gắn bó tuổi trẻ, một phần cuộc đời mình với đất nước Nga vĩ đại.

“Nơi ấy nước Nga” là Triển lãm ảnh do Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, Hội Hữu nghị Liên bang Nga-Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga (1994-2019). Triển lãm diễn ra trong 3 ngày, từ 1 đến 3-11-2019 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

leftcenterrightdel
Quảng trường đỏ. Ảnh: PHẠM TIẾN DŨNG
leftcenterrightdel
Các cựu phi công Việt Nam thăm lại Nga. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT
leftcenterrightdel

Nhóm 5 tác giả (từ trái qua phải, trên xuống dưới: Nguyễn Vinh Quang, Phạm Tiến Dũng, Vũ Huyến, Lê Phúc Nguyên, Nguyễn Đăng Phát). Ảnh: THU GIANG

leftcenterrightdel
Mùa thu vàng. Ảnh: LÊ PHÚC NGUYÊN
leftcenterrightdel
Trung tướng, Nhà báo Lê Phúc Nguyên thuyết minh các tác phẩm của mình. Ảnh: HOÀNG VIỆT
leftcenterrightdel
Thiếu nữ Nga. Ảnh: NGUYỄN VINH QUANG
leftcenterrightdel
Bên những nhạc cụ Việt Nam. Ảnh: VŨ HUYẾN

Các tác giả của triển lãm ảnh “Nơi ấy nước Nga”: Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt-Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương; Trung tướng, nhà báo Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh; Nhà báo Nguyễn Vinh Quang, nguyên Tổng biên tập Báo Ảnh, TTXVN; Nhà báo Vũ Huyến, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh.

TRẦN MAI