Nếu cứ theo Đường 9 thì từ Đông Hà tới cửa khẩu Lao Bảo, qua dòng Sê Pôn để sang nước bạn Lào sẽ là 97km. Nhưng tôi đã không tới được cửa khẩu Lao Bảo, vì còn cách cửa khẩu 10km nữa, ngay ngã ba Tân Long, tôi rẽ vào đường Lìa, con đường song song với dòng Sê Pôn đang vào mùa nước cạn.
Sông Sê Pôn bắt đầu từ đâu? Mỗi người nói một kiểu nhưng có thể khẳng định rằng nó khởi nguồn từ một trong những đỉnh núi cao của dải Trường Sơn, uốn lượn dưới những chân núi, những dải đồi điệp trùng để rồi không đổ ra biển Đông như bao con sông khác, mà lại ngược về phía mặt trời lặn, qua đất nước Triệu Voi, nhập vào dòng Mê Công vĩ đại.
Sông Sê Pôn được lấy làm ranh giới giữa hai nước Việt-Lào. Tôi không vượt qua biên giới theo đường cửa khẩu mà dừng lại ở vùng Lìa, theo chân các chiến sĩ biên phòng của Đồn 613 và 617 để “thâm nhập địa bàn” khu vực bên này dòng Sê Pôn.
Đồn biên phòng 613 quản lý 31km đường biên giới trên sông, gồm ba xã Tân Long, Thuận và Thanh, chủ yếu là người Pa Cô và Vân Kiều. Thiếu úy Lê Việt Hùng đưa tôi xuống xã Thanh. Từ đồn vào đến xã khoảng 15 cây số. Chúng tôi đi nhờ xe được nửa đường, còn lại phải đi bộ. Tôi bảo Hùng: “Chúng ta đi đến thôn cuối cùng thì dừng lại và vào bất cứ nhà ai mà ta nhìn thấy đầu tiên”. Hùng bảo: “Chỉ sợ anh đi không nổi, lắm suối, nhiều dốc lắm”. Hùng là chàng trai Sơn Tây, năm nay vừa tròn 26 tuổi, đã có 7 năm tuổi quân. Hùng mảnh khảnh, dáng dấp thư sinh nhưng đúng là con nhà biên phòng, sức khỏe dẻo dai, thuộc địa bàn như lòng bàn tay. Chúng tôi đến thôn Xung, thôn cuối cùng của xã. Dưới gầm nhà sàn đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là dáng một phụ nữ Vân Kiều đang nâng chày giã gạo. Xung quanh khoảng sân rộng là những miếng sắn thái thành từng lát mỏng, phơi đã héo.
- Đây là nhà của Hồ Thoong, gọi thân mật là pả Thoong, chúng ta sẽ vào đây nghỉ nhờ và xin nước uống. - Hùng bảo với tôi.
Hồ Thoong không có nhà. Cậu con trai thứ ba của Hồ Thoong chạy đi gọi bố. Khi Hồ Thoong về đến nhà thì căn nhà sàn cũng đã đầy chật người. Bà con thấy có khách lạ nên hiếu kỳ, kéo đến chơi. Hồ Thoong năm nay 66 tuổi, dáng dấp vâm váp, khỏe mạnh. Ông mang rượu sắn ra mời chúng tôi. Tôi bảo: “Nhà pả rộng rãi, chắc chắn thế này, chắc mấy vụ tiêu vừa rồi pả thu hoạch tốt?”. Pả Thoong cười sảng khoái, tiếng cười vang khỏe, như lây niềm vui sang người bên cạnh. Pả bảo: “Thôn Xung này có 24 hộ 136 khẩu, nghề nghiệp chủ yếu là trồng trọt các loại cây như sắn, tiêu, chuối, lúa, xoài, nhãn. Ngoài ra có chăn nuôi thêm bò, dê, gà, vịt… Nhà nào biết nghe theo Bộ đội Biên phòng thì có thu nhập. Có thu nhập là có cái nhà to thôi”.
Tôi chỉ vào tivi, đầu video đặt giữa nhà hỏi: “Những cái này pả mua được lâu chưa?”. Pả Thoong lắc đầu: “Những cái đấy không phải của pả đâu, của các tổ chức ngoài huyện, ngoài tỉnh tặng bà con thôn Xung đấy. Đặt tạm ở nhà pả để bà con có chỗ xem cho rộng rãi thôi”.
Rồi pả Thoong tâm sự: Pả tham gia du kích từ năm 1962. Cán bộ bảo bao giờ đánh xong thằng Mỹ thì dân làng sẽ không còn đói khổ nữa. Đánh xong Mỹ rồi vẫn đói quá. Người dân Vân Kiều ngàn đời nay không bón phân cho lúa, ngô, khoai, sắn; không dùng liềm cắt lúa; không dùng máy xay xát… Tập tục canh tác lạc hậu lắm! Phải vận động bà con. Pả đi trước, pả nói thì bà con nghe nhưng pả cũng nghèo như họ nên khó thuyết phục. Pả nghĩ mình phải giàu, phải có cái ăn, cái để thì nói bà con mới nghe, mới tin, mới làm theo mình. Thế là pả trồng tiêu, trồng xoài, nhãn. Những cây đó lâu cho quả quá. Đến khi cho quả lại khó bán vì xoài và nhãn trồng trên đất này không ngon. Nghe nói mấy xã ngoài kia có giống sắn, hợp với đất này lắm. Pả lên nói với đồn biên phòng. Đồn cho chở vào 13 xe công nông sắn giống. Bà con mừng lắm! Bây giờ nhà pả có 300 gốc tiêu lớn, hơn 2.000 gốc sắn, hàng trăm gốc chuối.
- Thế là pả giàu rồi. Lại còn mấy trăm gốc tiêu nhỏ chưa ra hạt nữa, rồi mấy trăm gốc sắn gối vụ chưa nhổ. Bây giờ pả nói thì bà con nghe theo rồi chứ? - Tôi tiếp chuyện pả Thoong.
- Nghe rồi, nhiều đứa còn giàu hơn mình. Như cái thằng Hồ Lay ấy. Chúng nó bây giờ được ra huyện tập huấn, được dạy nhiều thứ lắm. Chúng nó biết nhiều kỹ thuật canh tác, trồng cây gì cũng trúng.
Tôi nghe pả Thoong nói, thấy mừng cho bà con, nhưng tôi biết phần lớn người dân ở đây mới chỉ hết nghèo đói thôi, chứ chưa thể gọi là giàu được. Chả riêng gì thôn Xung, nhiều thôn, nhiều xã khác, thậm chí cả vùng Lìa còn chưa vượt qua được lực cản lớn nhất của việc thoát nghèo, đó là nếp nghĩ cũ. Mỗi cái chuyện bón phân cho lúa thôi cũng phải mất hàng chục năm mới vận động được bà con mà vẫn còn nhiều người chưa chịu làm theo.
Tôi nghỉ lại nhà pả Thoong một đêm. Hùng cùng Hồ Doong, cậu con trai thứ ba của pả Thoong rủ tôi đi Sim. Khi mới lên đây, nghe mọi người nói đến đi Sim như một thứ quần hôn, tôi thấy tò mò lắm. Nhưng thực ra không phải vậy. Dân tộc nào cũng có những quy ước đặc biệt để cho cái chuyện nam nữ được diễn ra tự nhiên. Vì thế mới có các kiểu chợ tình ở các vùng núi cao, nơi quần cư các dân tộc thiểu số. Các cô gái Vân Kiều khi đã lớn, được phép đến nhà bạn gái ngủ chung. Thường thì dăm bảy cô sẽ ngủ ở nhà một người bạn nào đấy. Và các chàng trai đến đó tìm hiểu. Người Vân Kiều có lời ru rằng: Con ơi, mày to mau để đi lấy nước về cho mẹ mày uống, giã gạo cho bố mày ăn. Dựa theo ý này mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết rằng: Ngủ ngoan A Kay ơi, ngủ ngoan A Kay hỡi/ Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội/ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/ Mai sau con lớn vung chày lún sân… Lần đầu tiên nhìn thấy con gái Vân Kiều giã gạo, tôi đã đứng xem một cách mê mải. Dáng con gái giã gạo thật đẹp: Thân thể căng tràn, lại thăng hoa, dẻo dai như múa, như vờn bên cối đá. Không phải ngẫu nhiên mà con gái Vân Kiều vừa mới sinh ra đã được cha mẹ gửi gắm vào lời ru hai điều: lấy nước cho mẹ và lấy gạo cho cha. Lấy nước tức là biết làm những việc nội trợ của một người con gái, lấy gạo tức là biết vung chày gỗ lên giã thóc trong cối đá. Khi biết làm được hai việc đó tức là người con gái đã trưởng thành và được cha mẹ cho đi Sim. Ở nhà Sim, khi những chàng trai tìm đến, nếu ăn ý thì từng cặp một dẫn nhau đi vào rừng “tâm sự”. Không phải cứ đi vào rừng như thế là sẽ trao thân gửi phận cho chàng trai mình yêu. Và không nên hiểu đi Sim là một kiểu quần hôn dễ dãi. Chỉ nên hiểu đó là một hình thức để trai gái tìm hiểu nhau. Những chuyện quanh nó có thể tin được hay không, điều đó tùy thuộc vào người đưa chuyện muốn thi vị hay dung tục nét văn hóa này.
… Hôm đó trăng mười tư. Rời nhà Sim, tôi rủ Hùng cùng Hồ Doong lội xuống sông Sê Pôn chơi. Doong là một trong số những chàng trai Vân Kiều ít ỏi của thôn Xung đã từng qua quân ngũ. Tôi bảo với Doong: “Trăng ở đây sáng nhỉ?”. Doong cười, té nước lên người tôi, bảo: “Nước sông Sê Pôn mát nhỉ?”. Tôi bảo: “Ừ, chuyện người Vân Kiều cũng hay nhỉ?”. Doong gật đầu: “Mai sẽ còn kể cho nghe nhiều chuyện nữa”. Rồi Doong lao ùm ra giữa dòng sông.
Tôi bỗng thấy thèm cái sự hồn nhiên, tươi trẻ của Doong. Trước mặt tôi, sông Sê Pôn đang hiền lành, êm ả chảy…
Nguyễn Đình Tú