QĐND - Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học-Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được xem là nơi “kích hoạt” lao động sáng tạo, là “bà đỡ” cho đội ngũ sáng tác văn học-nghệ thuật. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc trung tâm về hoạt động của trung tâm.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể đánh giá tổng quát về trung tâm, về quá trình đồng hành với lao động sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ thời gian qua?
Ông Huỳnh Văn Ngàn: Thời gian qua, trung tâm rất nỗ lực trong việc hỗ trợ sáng tạo ra những tác phẩm của nhiều văn nghệ sĩ, tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các tài năng sáng tạo. Nhiều trại sáng tác của các hội chuyên ngành Trung ương và các hội địa phương được mở, có hàng nghìn văn nghệ sĩ cả nước về Nhà Sáng tác để lao động sáng tạo. Nhà Sáng tác là nơi hội tụ, là ngôi nhà chung để văn nghệ sĩ đến “thai nghén” và cho ra đời tác phẩm văn học nghệ thuật, có nhiều tác phẩm đã được xuất bản, dàn dựng, được giải thưởng cao. Văn nghệ sĩ ví Nhà Sáng tác như “bà đỡ” tác phẩm, đây là nơi khơi nguồn, chắp cánh cho sự sáng tạo, nơi giao lưu học hỏi nghề nghiệp của văn nghệ sĩ các thế hệ, hâm nóng nhiệt tình sáng tác, nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở sâu hơn về đời, về nghề, với một không gian rất riêng, một thời gian tĩnh lặng nhất định dành cho lao động nghệ thuật. Từ thực tế dự trại, qua tiếp xúc, ý tưởng mới xuất hiện để hoàn thiện tác phẩm, nhiều tác phẩm ra đời tại Nhà Sáng tác đã mang được hơi thở cuộc sống. Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ có dịp được đi tới nhiều vùng miền của Tổ quốc thâm nhập thực tế, nhất là số văn nghệ sĩ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, phía Nam đang còn khó khăn, không thể tự túc kinh phí sáng tác nếu không có các nhà Sáng tác thuộc trung tâm.
Thời gian qua, được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm giúp đỡ nên cơ sở vật chất của trung tâm và các nhà Sáng tác từng bước đã được nâng cấp, mở rộng về quy mô, tăng thêm công năng và số lượng phân bổ khắp các vùng, miền trong cả nước. Đội ngũ cán bộ, viên chức toàn Trung tâm phục vụ tận tình, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ văn nghệ sĩ. Mối quan hệ trong việc tổ chức hoạt động sáng tác với các hội chuyên ngành Trung ương và các hội địa phương được duy trì, phát triển...
 |
Các nhà văn tham gia trại sáng tác, đi thực tế tại các hầm mỏ ở Quảng Ninh. Ảnh: VĂN HẠNH
|
Hiện nay, trung tâm còn gặp những khó khăn như một số hội còn dễ dãi, chưa làm tốt công tác lựa chọn hội viên, chưa đề cao trách nhiệm của hội viên chấp hành nội quy của Nhà Sáng tác. Một số trường hợp văn nghệ sĩ quá tự do, thiếu tôn trọng cán bộ, viên chức và cơ quan sở tại, nêu ra những yêu cầu thái quá không thể đáp ứng, gây ảnh hưởng chung cho hoạt động hỗ trợ, làm sai lệch mục đích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hỗ trợ sáng tác đối với văn nghệ sĩ. Về phía chủ quan, trung tâm còn thiếu chủ động đề xuất biện pháp thực hiện nhiệm vụ bộ giao trong việc hỗ trợ kinh phí cho các tác phẩm, đề tài văn học-nghệ thuật có giá trị; tác phẩm, công trình văn học-nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; chưa ưu tiên đầu tư chiều sâu cho những văn nghệ sĩ có những công trình, tác phẩm đặc biệt, tác phẩm tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hệ thống Nhà Sáng tác mở rộng cả ba miền Bắc, Trung, Nam nên cũng có những khó khăn nhất định trong việc điều hành; đời sống cán bộ, viên chức đang công tác tại các nhà Sáng tác còn rất nhiều khó khăn; mức hỗ trợ kinh phí, định mức ăn hằng ngày của văn nghệ sĩ rất thấp, chưa bảo đảm sức khỏe cho văn nghệ sĩ sáng tác.
PV: Việc phân bổ kế hoạch hỗ trợ sáng tác, chương trình phối hợp với các hội Văn học-Nghệ thuật, địa điểm tổ chức trại sáng tác, thực sự đã “kích hoạt” cho văn nghệ sĩ lao động sáng tạo?
Ông Huỳnh Văn Ngàn: Việc phân bổ kế hoạch tổ chức mở trại sáng tác với các hội Văn học-Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương được duy trì thường xuyên, việc bố trí trại được chú trọng về chất lượng, có chiều sâu, không chạy theo số lượng trại, khách quan trong việc bố trí trại sáng tác đối với các hội Văn học-Nghệ thuật trong cả nước, đủ các loại hình văn học nghệ thuật: Văn học miền núi, nhiếp ảnh, mỹ thuật, hội họa, điêu khắc, múa và kiến trúc... Chúng tôi bố trí phân bổ Trại Sáng tác miền Bắc vào các nhà Sáng tác ở miền Nam và ngược lại để văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, tìm hiểu văn hóa của mỗi vùng khác nhau, văn nghệ sĩ miền núi về đồng bằng và ngược lại. Đây thực sự là động lực tạo thêm xúc tác để văn nghệ sĩ hăng say trong sáng tạo, giao lưu, học hỏi thêm với đồng nghiệp ở các vùng, miền.
Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật đã phối hợp tốt với các hội Văn học-Nghệ thuật để bố trí, lựa chọn những văn nghệ sĩ có đề tài, đề cương tốt để đi sáng tác tại các nhà Sáng tác, đồng thời các hội có sự luân phiên số văn nghệ sĩ có điều kiện đi thâm nhập thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp xúc với các vùng, miền khác nhau để nảy sinh ý tưởng, cảm xúc mới nhằm hoàn thiện tác phẩm của mình.
PV: Làm thế nào để lựa chọn nhân sự tham dự các trại sáng tác "đúng người, đúng việc"?
Ông Huỳnh Văn Ngàn: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành Trung ương, các hội địa phương, văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang, văn nghệ sĩ các Nhà hát Trung ương, để làm tốt công tác bố trí, sắp xếp, tổ chức văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác trong mỗi năm. Phối hợp với các hội Văn học-Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tổ chức hội thảo, giao lưu để nắm bắt những nhu cầu sáng tác của các hội và từng văn nghệ sĩ, từ đó có hướng tập trung đầu tư cho một số ngành nghệ thuật quan trọng. Đầu tư, tài trợ có chọn lọc để hỗ trợ, xuất bản tác phẩm văn học-nghệ thuật của các văn nghệ sĩ viết về đề tài cách mạng, đề tài dân tộc, miền núi và biển, đảo... Chúng tôi đang lập tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chủ trương thành lập Tạp chí Sáng tác mới để thông tin phổ biến những tác phẩm, công trình của văn nghệ sĩ sáng tác tại các nhà Sáng tác.
PV: Hiệu quả từ việc tổ chức các trại sáng tác, cả về số lượng tác phẩm, tác giả, mảng đề tài yêu cầu đặt ra như nông thôn, thành thị, hải đảo... đến nay được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Ngàn: Theo thống kê và báo cáo chưa đầy đủ của các hội Văn học-Nghệ thuật, 5 năm qua, số văn nghệ sĩ đã đến sáng tác tại các nhà Sáng tác là 5.654 người và cho ra đời 19.783 tác phẩm với đủ các loại hình nghệ thuật như: Văn học, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... Đặc biệt, trong số những tác phẩm sáng tác tại đây, nhiều tác giả đã gửi tác phẩm tham gia một số cuộc thi ở Trung ương và địa phương. Thống kê sơ bộ trong 5 năm, hơn 120 tác phẩm đã đoạt giải thưởng ở Trung ương và địa phương. Đây là con số nói lên hiệu quả cho việc hỗ trợ của trung tâm đối với hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ trong cả nước.
PV: Trong thời gian tới, trung tâm có những giải pháp nào để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng tốt?
Ông Huỳnh Văn Ngàn: Chúng tôi sẽ đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất hiện có, trang bị các phương tiện, công cụ làm việc cho văn nghệ sĩ đến sáng tác đủ các loại hình nghệ thuật, khu vui chơi, văn hóa, thể thao. Tăng mức hỗ trợ tiền ăn hằng ngày tại các nhà Sáng tác cho văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức mở trại sáng tác, tùy đặc thù của từng loại hình nghệ thuật để giảm hoặc tăng ngày sáng tác của từng trại sáng tác cho phù hợp. Đầu tư thời gian cho từng văn nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ có thời gian để hoàn thiện tác phẩm. Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu đã sáng tác tại các nhà Sáng tác về đề tài miền núi, hải đảo, đề tài chiến tranh cách mạng, để tài trợ in ấn và xuất bản tác phẩm. Các hội Văn học-Nghệ thuật bố trí văn nghệ sĩ có đề cương, đề tài, đủ sức khỏe, tập trung các văn nghệ sĩ trẻ có tài năng, nhiệt huyết dự trại sáng tác, coi trọng việc nghiệm thu tác phẩm, công trình tổng hợp đánh giá chất lượng các tác phẩm tiêu biểu cho từng đợt sáng tác. Kết hợp với Nhà Sáng tác, tổ chức giao lưu, tham quan thực tế tại địa phương. Trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và khích lệ sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Làm tốt những vấn đề trên, đồng nghĩa với việc chúng ta đã tạo được một chất xúc tác mạnh vào lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ và hoàn toàn tin tưởng được đón nhận những tác phẩm tốt phục vụ công chúng!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN HẠNH (thực hiện)