So với năm 2016, năm 2017, du lịch Hội An tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Lần đầu tiên, lượng du khách đến với Hội An đạt con số hơn 3,2 triệu lượt. Đặc biệt, năm 2017 chứng kiến lượng khách mua vé tham quan phố cổ đạt con số kỷ lục với hơn 2 triệu lượt, tăng 28,72% so với năm 2016, doanh thu đạt gần 227 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Hội An đang nhạt dần hồn phố cổ

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, lượng du khách tăng kỷ lục đã tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 3.570 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, Hội An đang phải đối mặt với những áp lực chung của một đô thị phát triển nhanh trong thời hiện đại. Còn ở góc độ riêng, nỗi lo lớn nhất của Hội An là sự phai nhạt hồn phố cổ.

Những gì có được của Hội An ngày hôm nay đến từ nhiều thế kỷ trước. Đó là phố cổ, những ngôi nhà cổ đã làm nên một đô thị cổ Hội An hấp dẫn du khách. Ý thức được điều đó, người Hội An từng làm rất tốt việc gìn giữ, phát huy di sản của cha ông. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, biến động dân cư ở Hội An tỉ lệ thuận với sự phát triển của ngành du lịch. Theo một thống kê, chỉ sau 10 năm đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, có đến 83 ngôi nhà cổ đã được chuyển nhượng, đổi chủ sở hữu và 181 căn cho thuê. Điều đó đồng nghĩa với việc 264 chủ nhà, chủ di tích-tương đương khoảng 3.000 cư dân phố cổ-đã phải rời khỏi nhà của mình để nhường chỗ cho những người khác đến ở và kinh doanh. Đó là: Nhà thờ tộc Tạ trên đường Trần Phú đang được tận dụng làm hiệu vải; nhà thờ tộc Tăng-di tích đặc biệt được UNESCO trao giải thưởng danh dự năm 2009 dành cho công tác bảo tồn kiến trúc-đang được dùng để kinh doanh đồ lưu niệm, áo quần, phòng tranh; nhà thờ tộc Phạm, nhà thờ tộc Lâm… không còn đơn thuần là nơi thờ tự mà đều được tận dụng để kinh doanh, buôn bán. 4 con đường trong phố cổ có lưu lượng du khách lớn là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Lợi có 453 ngôi nhà cổ thì 409 căn đang được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu. Việc thay đổi chức năng khiến bố cục những ngôi nhà truyền thống bị biến dạng trước nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh để tăng không gian cho trưng bày hàng hóa. Đáng lo lắng hơn, rất đông người thuê nhà để kinh doanh và người làm thuê vốn không xuất thân từ Hội An, không sinh sống tại phố cổ, trong đó có không ít người nước ngoài. Nói cách khác, họ không có quan hệ sâu xa với phố cổ. Điều đáng lo ngại, những người bên ngoài vào phố cổ phần lớn ưu tiên hoạt động kinh tế nên ít nhiều ảnh hưởng đến hồn phố cổ Hội An.

Con người làm nên hồn phố, làm nên văn hóa bản địa. Vì thế, khi con người thay đổi, yếu tố văn hóa truyền thống cũng biến đổi theo. Cũng có nghĩa, phần hồn cốt của phố cổ sẽ phai nhạt. Hiển hiện ở Hội An là khi những ngôi nhà cổ được thay đổi công năng bởi những người không sinh ra và lớn lên ở Hội An thì các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự sẽ mất đi. Những đặc sản truyền thống làm nên danh tiếng Hội An cũng khó giữ được nguyên bản. Thậm chí, nhiều người Hội An còn lo lắng câu chuyện tình làng, nghĩa xóm đang phai nhạt.

Cũng như các đô thị khác, lịch sử của Hội An là một quá trình biến động dân cư. 400-500 năm trước, Hội An cũng là nơi mà người ngoài Bắc, người Trung Hoa, Nhật Bản… hội nhập về. Sự hội nhập dân cư tạo nên hội nhập văn hóa và phát triển đến hiện tại. Hội An đang lặp lại chu kỳ lịch sử ấy. Thế nhưng, có hai vấn đề là: Tốc độ hội nhập dân cư của Hội An quá nhanh và ý thức về sự gìn giữ di sản không tương xứng với tốc độ ấy. Vì thế, Hội An đang biến động nhanh, mạnh đến mức có thể thay đổi phần lớn diện mạo. Điều đó đồng nghĩa với việc sức hút của di sản Hội An sẽ khó giữ. Và một ngày nào đó, rất có thể Hội An không còn là Hội An.

“Nhận ra” được nguy cơ phai nhạt hồn phố cổ, Hội An đưa ra một số biện pháp như: Yêu cầu người mua nhà tổ chức các hoạt động thờ cúng vào ngày rằm, mồng một âm lịch, vận động người dân phố cổ không nên bán nhà để giữ lại phần hồn của phố cổ… Đó là những giải pháp có thể mang lại ít nhiều tác dụng. Thế nhưng, những giải pháp ấy không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nên cũng khó giải quyết được triệt để vấn đề. Hơn nữa, ở góc độ rộng hơn, dường như Hội An đang thiếu một quy hoạch tổng thể nhằm cân bằng giữa phát triển du lịch và công tác gìn giữ di sản.

Bài và ảnh: VŨ TUÂN