QĐND - Là đơn vị trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, hiện đang bảo quản và tổ chức sử dụng khối tài liệu lưu trữ được hình thành từ trước năm 1945, 50 năm qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã đạt được nhiều thành tựu trong phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I về vấn đề bảo quản và phát huy giá trị sử dụng tài liệu lưu trữ.

Phóng viên (PV): Có thể xem Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là nơi lưu giữ một khối lượng khổng lồ những “bảo vật” quốc gia. ông có thể hé lộ phần nào những “bảo vật” ấy?

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Ông Hà Văn Huề: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất trong số các lưu trữ lịch sử ở Trung ương, có nhiệm vụ thu thập, bảo quản và phục vụ khai thác, sử dụng khối tài liệu lưu trữ hình thành từ trước năm 1945 (trong đó tài liệu cổ nhất là vào thế kỷ XV).

Trung tâm hiện đang bảo quản khối tài liệu của các cơ quan tổ chức phong kiến Việt Nam, tập trung chủ yếu nhất là triều Nguyễn (1802 - 1945). Trong đó có hai khối tài liệu thuộc diện quý hiếm là “Châu bản triều Nguyễn” và “Địa bạ triều Nguyễn”. “Châu bản triều Nguyễn” gồm những tài liệu quản lý hành chính do các cơ quan tổ chức thuộc triều Nguyễn ban hành. Phần lớn là bản chính, bản gốc được nhà vua trực tiếp ngự lãm, ngự phê. Nội dung Châu bản hết sức phong phú, phản ánh tất cả các mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam thời Nguyễn. 

Nhóm tài liệu “Địa bạ triều Nguyễn” là những ghi chép phản ánh về việc quản lý địa giới hành chính và quản lý đất đai của từng thôn, ấp, xã... Trung tâm hiện đang quản lý 17.000 đơn vị tài liệu địa bạ. Mỗi đơn vị tài liệu đều cung cấp số liệu về việc đo đạc đất đai trong một phạm vi địa giới hành chính nhất định. Khối tài liệu địa bạ này tương đối hoàn chỉnh, gồm ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là khối tài liệu có giá trị đặc biệt, rất có ý nghĩa cho những người làm nghiên cứu lịch sử về chính sách quản lý địa giới hành chính, đất đai, nông nghiệp nông thôn thời Nguyễn.

Khối tài liệu hình thành trong thời kỳ hoạt động của các cơ quan, tổ chức của chính quyền thuộc địa Pháp ở ba cấp: cấp Đông Dương, cấp kỳ và cấp tỉnh. Hiện trung tâm đang quản lý khoảng 60 phông tài liệu lưu trữ hành chính, khoảng 200 công trình xây dựng giao thông, thủy lợi và những công trình dân dụng khác.

Nội dung khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp cũng khá phong phú, phản ánh đầy đủ mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam thời thuộc địa. Những phông tài liệu tiêu biểu là phông Toàn quyền Đông Dương, phông Thống sứ Bắc Kỳ và phông Tòa sứ các tỉnh Bắc Kỳ. Phần lớn tài liệu là bản chính, bản gốc. Khối tài liệu này phản ánh nhiều thông tin quan trọng về mọi lĩnh vực ở Đông Dương thời Pháp thuộc. 

PV: 50 năm qua, Trung tâm đã có những biện pháp nào để bảo quản những bảo vật vô giá ấy?

Ông Hà Văn Huề: Để bảo quản an toàn và kéo dài tuổi thọ tài liệu, Trung tâm đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng kho lưu trữ hiện đại, bố trí các phương tiện bảo quản phù hợp, duy trì chế độ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... thích hợp; thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo quản như tu bổ phục chế tài liệu bị hư hỏng, xử lý nấm mốc, khử trùng, khử a -xít gây hư hỏng tài liệu, tiến hành số hóa tài liệu, tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ an ninh tài liệu. Đến nay, có thể nói Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là đơn vị đi đầu trong công tác tu bổ, phục chế tài liệu và là nơi có hệ thống trang, thiết bị bảo quản tài liệu hiện đại bậc nhất so với các trung tâm lưu trữ lịch sử ở nước ta.  

PV: Cùng công tác bảo quản, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phát huy giá trị tài liệu như thế nào, xin ông cho biết thêm? 

Ông Hà Văn Huề: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, áp dụng đầy đủ các hình thức để phát huy tối đa hiệu quả khai thác sử dụng tài liệu như phục vụ độc giả nghiên cứu tại phòng đọc. Tại đây có đầy đủ hệ thống công cụ tra cứu và các cơ sở dữ liệu tài liệu. Thủ tục khai thác sử dụng tài liệu đơn giản, nhanh gọn. Đối với những độc giả ở xa không có điều kiện đến nghiên cứu, Trung tâm có thể cung cấp thông tin về tài liệu qua văn bản hoặc email.

Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ, được đông đảo các nhà nghiên cứu và công chúng tới tham quan. Trung tâm có nhiều bài viết giới thiệu tuyên truyền về tài liệu lưu trữ trên các báo, tạp chí. Đến nay, đã có hàng trăm bài viết công bố, giới thiệu tài liệu.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã xuất bản nhiều tập sách giới thiệu về công tác lưu trữ, nguồn tài liệu lưu trữ và khả năng khai thác sử dụng nguồn tài liệu này, trong đó, có những đầu sách được xếp vào tủ sách Thăng Long 1000 năm. Trung tâm còn chú trọng công tác phục vụ các đoàn tham quan, trong thời gian qua, đã đón tiếp rất nhiều đoàn tham quan trong và ngoài nước.  

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Nhung (thực hiện)