99% cần mẫn tích cóp

Đang chuẩn bị nội dung cho buổi truyền đạt nghị quyết sắp tới, nhưng Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình Đặng Thái Sơn không ít lần phải gác lại để trả lời điện thoại của các BCV từ nhiều nơi gọi đến hỏi về kinh nghiệm tham gia hội thi tuyên truyền nghị quyết đại hội đảng các cấp. Thành ra, anh không biết chúng tôi đã đứng trước cửa khá lâu... Khi đã mời khách ngồi, anh vừa rót nước, vừa tâm tình như giải thích cho sự bận rộn vừa rồi: “Mệt lắm anh à! Điện thoại, tin nhắn suốt... Ở cơ quan điện, về nhà cũng điện, có khi đang ăn tối lại buông bát. Nhưng mà vui nhiều hơn mệt, vì anh em BCV phải tâm huyết, cầu thị lắm thì mới hỏi nhiều như vậy”.

leftcenterrightdel

 Anh Đặng Thái Sơn nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các báo cáo viên hỏi kinh nghiệm

đi thi.

Nhiều năm công tác ở không ít lĩnh vực và qua các hội thi, anh Sơn nhận thấy rõ chất lượng tuyên truyền nghị quyết của Đảng ở cơ sở còn hạn chế. Nhiều BCV chưa biết chú trọng giới thiệu những điểm mới, điểm phát triển, những nội dung cốt lõi... để cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiên cứu nghị quyết. Việc liên hệ, vận dụng vào địa phương, đơn vị còn xơ cứng, ít có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Phương pháp truyền đạt cũng chậm đổi mới, thiếu hấp dẫn, sinh động, thậm chí có BCV còn "đọc nghị quyết"... Đó cũng là lý do anh Sơn làm video clip để chia sẻ về các bước chuẩn bị, những điều cần lưu ý trong chuẩn bị tài liệu, xây dựng đề cương, làm trình chiếu, phương pháp thuyết trình... Anh mong muốn giúp các BCV trẻ tham gia tốt cuộc thi năm nay; cũng là góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ BCV, nâng cao chất lượng nghiên cứu, truyền đạt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những chia sẻ thiết thực của anh được nhiều người quan tâm, tham khảo. Anh kể, video cũng được một số cán bộ ở Ban Tuyên giáo Trung ương, các địa phương xem và đánh giá tốt về nội dung, tính hiệu quả. Có người hỏi anh về "bí quyết" nghề nghiệp BCV, nhưng "nào có bí quyết gì đâu. Một chút tố chất, đó là giọng nói trầm ấm, truyền cảm của cha mẹ cho, còn 99% là sự cần mẫn tích góp trong hơn 20 năm làm BCV"-anh Sơn chia sẻ.

Không thể thiếu bản lĩnh

Năm 1980, khi đang là sinh viên sư phạm Toán, Đặng Thái Sơn tình nguyện nhập ngũ và được đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật ở Trường Sĩ quan Không quân. Trải qua nhiều năm làm giảng viên, chỉ huy kỹ thuật, đến năm 1999, anh được đào tạo để trở thành cán bộ chính trị, làm trợ lý, rồi Trưởng ban Tuyên huấn của trường.

Anh Sơn cho rằng, nhà trường đào tạo những kiến thức, nghiệp vụ cơ bản, người cán bộ tuyên huấn muốn giỏi phải nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để không ngừng tích lũy kiến thức, kỹ năng trên từng lĩnh vực. Anh chịu khó viết báo, làm thơ; cũng tự học để thành thạo việc sử dụng máy vi tính, chụp ảnh, quay, dựng phim... Đặng Thái Sơn là người tiên phong trong việc sử dụng màn hình trình chiếu để bổ trợ cho hoạt động tuyên truyền miệng từ năm 2002... Video clip mới đây cũng là anh tự ghi hình, thu thanh, dựng và phát lên mạng. “Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin bùng nổ, đa phương tiện, đa chiều. Nếu BCV không nỗ lực học hỏi để làm giàu tri thức, không đổi mới, sáng tạo trong phương pháp, cách thức truyền đạt thì người nghe sẽ nhàm chán, và như thế là chúng ta thất bại!”, anh Sơn chia sẻ. Và theo anh, một điều quan trọng ở người BCV là phải tin yêu Đảng, có bản lĩnh, nhạy bén tư tưởng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Văn Thưởng trao giải Nhất tặng báo cáo viên Đặng Thái Sơn tại Hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quốc năm 2019.

Hội thi BCV giỏi toàn quốc năm 2019 diễn ra trong bối cảnh Biển Đông đang "nóng". Trên mạng xã hội nhan nhản những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Không ít đảng viên, quần chúng nhân dân băn khoăn, lo lắng. Khi dự thi, Đặng Thái Sơn đã lựa chọn chuyên đề liên quan đến Biển Đông. Thông qua chuyên đề, anh muốn cung cấp cho người nghe những thông tin về Biển Đông, những tác động đến Việt Nam từ sự thay đổi chiến lược của các nước lớn, các nước trong khu vực; đồng thời quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, quan điểm của Đảng về "đối tác", "đối tượng", phương châm chỉ đạo "vừa hợp tác, vừa đấu tranh", "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế hiện nay; khẳng định giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đó vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Cho rằng đây là nội dung nhạy cảm, một số người khuyên anh nên thay đổi. Nhưng với tính thiết thực của chuyên đề, anh xác định: Có nguồn thông tin chính thống; nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng và biết cung cấp mức độ thông tin đúng đối tượng người nghe thì người BCV không "sợ" gì cả. Và bản lĩnh của BCV Đặng Thái Sơn đã được thể hiện bằng kết quả hội thi.

Bài thuyết trình 30 phút và 10 năm chuẩn bị

Nhiều năm nghiên cứu, say sưa với nhiệm vụ của BCV và giành nhiều giải cao trong các hội thi, nhưng khi được hỏi về chuyên đề tâm đắc nhất, anh trả lời: "Đó là "bài thuyết trình" 30 phút mà tôi chuẩn bị gần 10 năm...".

Chuyện là trước Tết Tân Sửu, thôn anh (Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) tổ chức bầu trưởng thôn. Chi bộ và các tổ chức đoàn thể đã lựa chọn và thống nhất giới thiệu một đảng viên đủ tiêu chuẩn để dân bầu. Sắp đến ngày bầu cử, qua nắm thông tin, lãnh đạo địa phương biết việc nhiều bà con Công giáo sẽ giới thiệu một người nữa để bầu. Tình trạng này đã từng xảy ra vài lần và kết quả là không ai trúng cử vì phiếu không đủ quá bán. Người thì cho rằng có kẻ phá rối, người còn cho là "có vấn đề về chính trị".

Lãnh đạo xã ngỏ ý nhờ anh về nói chuyện với bà con. Về quê 3 ngày dự lễ Noel, tiếp xúc với một số gia đình có uy tín, anh Sơn nhận ra chuyện không có gì phức tạp, chẳng qua là bà con chưa hiểu "ý Đảng, lòng dân" trong bầu cử. Bà con cho rằng, chi bộ giới thiệu một người, đó là ý Đảng, dân phải giới thiệu một người nữa để bầu, đó là lòng dân; cứ phải giới thiệu nhiều người để bầu mới là dân chủ. Rồi trong cuộc họp thôn, anh khơi gợi lòng tự hào, truyền thống cách mạng, đoàn kết, nhân ái của quê hương; phân tích để bà con hiểu đúng về "ý Đảng, lòng dân" và lựa chọn thế nào để có một trưởng thôn đảm đương được công việc, có lợi cho thôn và bà con. Sau cuộc nói chuyện 30 phút, bà con đều phấn khởi vỗ tay, cuộc bầu trưởng thôn lần ấy diễn ra thành công tốt đẹp khi ý Đảng, lòng dân thống nhất làm một.

Tôi vẫn còn thắc mắc: Anh phải chuẩn bị tới gần 10 năm, nghĩa là sao? Anh Sơn tiếp câu chuyện: “Từ khi nghỉ hưu, năm 2012, anh trai tôi đầu tư tiền bạc, tôi góp công sức để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của xã, đình làng, đường bê tông và nhiều công trình phúc lợi ở quê hương; tham gia việc bảo tồn di sản văn hóa ca trù của vùng. Những việc chúng tôi làm hàng chục năm qua là để tri ân cha mẹ, người thân và mảnh đất đã nuôi dưỡng mình. Thông qua hoạt động dòng họ và các hoạt động văn hóa ở làng, chúng tôi đã góp phần kết nối, thắt chặt hơn sự đoàn kết, gắn bó trong dòng tộc, giữa các dòng tộc, giữa lương với giáo. Cũng nhờ đó, tôi có điều kiện gần gũi, thấu hiểu và tạo dựng được niềm tin ở người dân. Đó mới là nền tảng, là cơ sở quan trọng để khi mình nói, bà con nghe”.

Câu chuyện cứ nối tiếp, càng nghe càng ham nhưng cũng đành phải tạm dứt để hẹn nhau dịp khác. Chào anh Đặng Thái Sơn ra về, hóa ra câu chuyện hôm nay lại chẳng hề “khô cứng” như ban đầu vẫn tưởng. Hóa ra vấn đề lý luận qua anh Sơn lại như được biến thành cơn gió mát lành xua đi những ngọn gió tây khô khốc chực quất vào mặt người đi đường ngoài kia.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH