Sáng sớm ngủ dậy, trong nhà đã không còn một người, mặt trời đã luồn qua cửa sổ, trễ nải chiếu lên đống chăn màn.

Tôi đi đánh răng rửa mặt, sau đó mặc quần áo, chuẩn bị ra khỏi nhà.

Bao nhiêu ngày rồi, cứ luôn như vậy, tôi đã quen với cảnh đi bộ dưới ánh mặt trời, đồng thời mỉm cười chào mỗi người có thể giúp đỡ tôi. Nhưng, sự việc không hề có chuyển biến tốt, không có một người nào tỏ ra đồng cảm với cảnh ngộ của tôi, đương nhiên, cũng không có một người nào chịu chìa tay ra ban phát ân nghĩa cho tôi.

Lòng tôi hơi hơi hẫng hụt.

Minh họa: Anh Ngọc

Bởi vì sự lạnh lùng của chung quanh mà hẫng hụt.

Thực ra, điều đó cũng chẳng có gì đáng hẫng hụt, chẳng qua cũng chỉ là một thói quen mà thôi.

Nhưng, buổi sáng tinh mơ này không như vậy! Khi tôi vừa bước ra đến cửa, phát hiện ra một tờ giấy, nhìn nét chữ, rõ ràng là con trai tôi để lại, phía dưới còn chẹn lên 30 đồng. Một xấp tiền không dày, không mỏng, gồm những đồng tiền năm đồng, một đồng, có tiền giấy, có cả tiền xèng.

Con trai viết: “Bố ơi! Hôm nay là ngày Tết cha, chúc bố một cái Tết vui vẻ!”.

Con trai tôi học ở một trường phổ thông trung học, thành tích học tập rất tốt.

Con trai còn viết: “Con gửi lại cho bố 30 đồng, 15 đồng bố mua quà cho mình, 15 đồng mua quà biếu ông nội!”.

Con trai suy nghĩ rất chu đáo, chẳng những nhớ đến tôi mà còn nhớ đến cả ông của nó. Cha tôi và chúng tôi ở trong cùng một thành phố, nhưng, đã lâu rồi tôi không đi thăm ông.

Hôm nay là ngày Tết cha, trước mắt tôi xuất hiện mái tóc bạc của cha, mũi tôi bỗng cảm thấy cay cay.

Tôi đặt 30 đồng vào trong bàn tay, trong lòng tràn đầy ấm áp khó nói thành lời.

Nhưng, tiền của con trai tôi, nó lấy ở đâu ra? Hằng ngày, tôi và mẹ nó đều tính toán rất chi ly việc tiêu vặt của con trai, tựa hồ khoản nào khoản ấy rõ ràng, làm sao mà cu cậu bỗng có khoản tiền “kếch xù” 30 đồng thế này?!

Trong tờ giấy con trai tôi còn dặn tôi: “Bố đừng lo, 30 đồng này là tiền xe tan học hằng ngày con tiết kiệm được. Con phát hiện ra một con đường tắt, thời gian đi bộ và đi xe không kém nhau bao nhiêu!”.

Cuối cùng tôi biết, đó là nguyên nhân thời gian gần đây con trai thường về nhà muộn mười phút!

Thằng nhỏ này, đã hiểu chuyện đời.

Tôi quyết định hôm nay không đi bộ tắm nắng nữa. Tôi phải mua một chai, không, hai chai rượu, cùng phụ thân uống một chén cho vui. Cha tôi suốt đời thích uống rượu, năm nay ông đã 70 tuổi, mỗi bữa vẫn uống hai lượng. Uống rượu xong, cha tôi da dẻ hồng hào, trẻ lại hàng chục tuổi, vô cùng đáng yêu.

Ngày Tết cha, theo đúng nghĩa của nó, là ngày Tết của cha, mỗi người con đều phải làm cho cha vui mừng phấn khởi.

Tôi không do dự nữa, đi xuống tầng, đi thẳng đến siêu thị. Trong siêu thị, chọn đi lựa lại, đã chọn được hai chai rượu “Đức Hưng”, đặc sản của địa phương, vừa vặn dùng hết 30 đồng mà con trai để lại.

Phụ thân tôi ở trong khu mở cửa, lúc tôi đến đó, đúng vào giữa trưa. Tôi vội vàng chạy lên tầng, hấp tấp gõ cửa như đứa trẻ ba tuổi, cánh cửa bị tôi gõ thùng thùng. Tôi cảm thấy cử chỉ hành động của tôi giống như hành động cử chỉ của trẻ con, làm cho tôi hân hoan cũng giống như đem lại niềm hân hoan cho cha tôi.

Ra mở cửa là mẹ tôi.

Tôi không kịp cởi giày, đã giơ cao chai rượu hét to:

“Bố! Chúc bố ngày Tết cha vui vẻ!”.

Trông thấy rượu, cha tôi đang ngồi trên ghế sa lông, bỗng hô lớn, đứng bật dậy, người hơi nghiêng về phía trước, chạy nhanh về phía trước. Nhưng, cha tôi vừa đi được hai bước thì bỗng đứng sững ngay lại, nụ cười trên mặt bỗng hơi đóng băng, rồi biến mất.

“Bố! Nhìn xem con mua cái gì đây?”-Tôi chưa kịp tỉnh ra, vẫn hét to.

Trái lại, thân thể của cha tôi quay lại rất ổn định, rồi lại bình tĩnh ngồi xuống sa-lông.

Tôi hơi kinh ngạc.

Khi ấy, mẹ tôi nói nhỏ với tôi: “Bố con đã cai rượu rồi!”

“Cai rượu?” – Tôi không hiểu.

“Một tháng rồi!”-Mẹ tôi lắc lắc đầu.

Trái tim tôi bỗng thắt lại!

Một tháng trước, đúng vào ngày tôi

nghỉ hưu!

VŨ PHONG TẠO (dịch) (Theo tạp chí “Truyện mini chọn lọc”, TQ, số 13-2007)

Truyện ngắn mini của VU ĐỨC BẮC (Trung Quốc)