Vẻ đẹp hiếm có
Từ khi có đường cao tốc, chỉ qua vài tiếng đồng hồ ô tô bon bon từ Hà Nội, ai cũng có thể dừng chân thưởng thức món cá hồi tươi rói ở lưng đèo Khau Phạ-một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc.
Thật khéo đặt tên! Khau Phạ theo tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời, rất tượng hình với những đoạn đèo dốc cao chót vót, uốn lượn quanh co. Cuối tháng 10, xe chúng tôi qua Khau Phạ cả hai chiều lên xuống đều có lúc phải bật đèn, chạy dò dẫm xuyên qua lớp mây và sương mù đột ngột bao trùm. Bù lại, dọc đèo Khau Phạ dài hơn 30km có nhiều “view” tuyệt hảo cho du khách ngắm cảnh, chụp ảnh. Tầm mắt phóng xa dễ chịu vô cùng với thung lũng Lìm Mông thênh thang gió núi, điểm bay dù lượn đẹp nhất Việt Nam.
 |
Giấc thiên thu trên đồi Vân Gỗ. |
Từ mờ sáng, trên các đường ngang lối tắt của xã La Pán Tẩn đã nhộn nhịp tiếng nói cười. Đây là xã có nhiều khoảnh ruộng bậc thang đẹp nhất của huyện. Địa hình nơi này cheo leo hiểm trở. Để có mặt bằng trồng lúa nước, nông dân vùng cao đã san đồi, bạt núi tạo thành những bậc thang hứng giữ nước trời, tạo thành kỳ quan tự nhiên quyến rũ. Hàng nghìn héc-ta ruộng bậc thang viền quanh các quả đồi tròn trịa nhô cao, vào mùa lúa chín trông chẳng khác nào những “mâm xôi vàng” trùng điệp dưới sắc nắng trong veo.
Gần đó, những cánh đồng hoa tam giác mạch bên đường vào xã Chế Cu Nha đồng thời rộ nở. Trên nền hoa tam giác mạch mềm mại cánh trắng phớt hồng, những chủ ruộng đã khéo léo vắt các chùm ngô lột vỏ, đậm màu vàng óng lên sào tre cho du khách dùng làm “đạo cụ selfie”. Tiếp đến, Rừng Trúc ở xã Mồ Dề dù chỉ rộng hơn 1ha cũng là một điểm tham quan thú vị với hàng vạn cây trúc thân xanh sẫm thẳng tắp, nắng xuyên nền rừng rợp bóng âm u “trông như phim kiếm hiệp”.
Heo hút hơn nhưng cực kỳ ấn tượng là những thảm ruộng bậc thang dốc đứng dọc các sườn núi cao ngất ở xã vùng 3 Lao Chải, cách thị trấn Mù Cang Chải hơn 13km. Chỉ những tay máy chịu khó lặn lội nhất mới lên tới đây. Dẫn đường đưa chúng tôi lên, anh Nguyễn Anh Tú cứ hồi hộp “chỉ sợ họ gặt mất cái Vân Gỗ”. Là giáo viên Văn-Sử Trường Phổ thông dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Lao Chải, nhà cách trường 13km, cách bản phụ trách tới 22km, công việc vất vả vẫn không khiến Anh Tú vơi bớt say mê săn ảnh nghệ thuật. Trên facebook, anh lấy hẳn nickname là “Mù Cang Chải”.
Tới nơi, may quá, những viền ruộng chạy quanh đã gặt phơi trên nền đất nâu đỏ, nhưng thớt ruộng trên cùng mà Anh Tú tự đặt tên Vân Gỗ thì vẫn còn nguyên. Giữa Vân Gỗ lùm lùm nổi lên vạt cỏ xanh rì. Anh Tú cho biết, đó là một ngôi mộ cổ, có thể là nơi yên nghỉ của vị tiên chỉ đã khai phá, tạo dựng nên quả đồi bậc thang đẹp đẽ này...
Rải rác trên địa bàn nhiều xã còn có những bãi đá cổ, khắc sâu những nét vẽ, ký tự lạ, đa số thể hiện sinh động hình ruộng bậc thang. Mấy năm gần đây, huyện Mù Cang Chải phát hiện được ngày càng nhiều bãi đá độc, lạ như vậy, nửa chìm nửa nổi trên các vạt ruộng của người dân, huyện đang phối hợp với nhiều bên liên quan chờ giải mã.
Năng động vùng cao
Chân đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn đông vui với dãy quán bán những món ăn nhanh nóng hổi tỏa khói, như hạt dẻ rang, khoai hấp, trứng luộc. Du khách cũng có thể mua đặc sản Mù Cang Chải tại đây, từ các loại rau cải, gạo mới, nếp Tú Lệ, măng, nấm, dược liệu, tới những bộ trang phục Mông cầu kỳ rực rỡ.
Cô chủ quán đầu dãy tuổi mới ngoài hai mươi trao vội đứa con nhỏ cho mẹ ruột bế giúp, cầm bút nắn nót ghi vào cuốn sổ cho tôi biết họ tên cô là “Hơ Thị Dùa, bản Pú Nhu”. Hướng dẫn tôi và chị bạn cùng đi cách mặc bộ trang phục phụ nữ Mông sặc sỡ, đủ cả bộ váy, yếm, mấn, khăn, khuyên bạc..., Dùa cho biết giá thuê mỗi bộ “hàng chợ” này chỉ 30.000 đồng. Còn bộ áo váy Mông truyền thống tự dệt trị giá cả chục triệu đồng, đồng bào quý lắm, hiếm khi bày ra.
Anh Đặng Tuấn Hùng, cán bộ Huyện ủy Mù Cang Chải, chia sẻ: Trong hơn 56 nghìn dân toàn huyện, có hơn 91% người Mông, bản sắc văn hóa đậm đặc, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lên tới 65%. Huyện đẩy mạnh đầu tư vào du lịch nhằm tạo điều kiện cho dân xóa đói, giảm nghèo qua các dịch vụ liên quan như mua bán, ăn uống, lưu trú, vận chuyển. Nhiều chủ ruộng đẹp được phép tự đặt điểm thu tiền. Dù giá vé quy định chỉ 10.000 đồng/lượt khách, và khách thường chỉ đông vào dịp cuối tuần nhưng cũng giúp đồng bào tăng thu nhập đáng kể.
Nhộn nhịp nhất chính là “đội quân” xe ôm. Toàn huyện có tới cả nghìn lao động đủ cả nam, nữ, trẻ, già tham gia. Từ dân bản tới cán bộ thôn, xã vào nghề này đều phải tập huấn để “chuyên nghiệp hóa”, hoạt động có tổ chức, điều lệ, đồng phục, nguyên tắc ăn chia hẳn hoi. Cầm lái vững vàng chẳng hề kém cánh đàn ông, dặn tôi ôm chặt cho an toàn, “xế” nữ Hơ Thị Dùa cho biết, vài năm trở lại đây, nghề xe ôm giúp phần lớn người dân Mù Cang Chải cải thiện cuộc sống. “Mỗi tháng có thêm vài triệu đồng, không giàu đâu nhưng mà vui. Mua sắm nhiều thứ, lo cho các cháu nhỏ đi học, bản làng nhà cửa được sửa sang đẹp hơn trước, chị ạ”-Dùa tâm sự.
 |
Mùa gặt |
Mù Cang Chải còn thú vị về ẩm thực phong phú. Những món ăn dân dã, đơn sơ của người Mông bản địa, với sự phát triển của nghề nuôi cá nước lạnh đã tạo ra thực đơn đặc sản hấp dẫn. Gỏi cá, lẩu cá hồi, cá tầm, xôi ngũ sắc, cốm thơm Tú Lệ, châu chấu hoặc cua suối rang muối, sâu tre chiên giòn, nhộng ong xào mùng, gà đen săn chắc lại kèm rượu táo mèo ngọt dịu, ấm nóng... Vừa đủ cho giấc ngủ trọn đêm say nồng, sáng dậy tràn đầy sảng khoái.
Những góc ảnh ruộng bậc thang quyến rũ
Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia trồng lúa nước khác trên thế giới cũng có ruộng bậc thang. Dù vậy, ruộng bậc thang Tây Bắc nước ta với vẻ đẹp nên thơ khác biệt, được tô điểm bởi trang phục rực rỡ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao vẫn được các hãng thông tấn quốc tế bầu chọn vào tốp các thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Tờ Telegraph giới thiệu ruộng bậc thang của Việt Nam xếp thứ 6 trong số 10 cảnh quan mà du khách nên đến ít nhất một lần. Hãng tin CNBC của Mỹ khẳng định Mù Cang Chải là một trong những điểm hẹn hấp dẫn nhất năm 2020. Tác phẩm “Bình minh Mù Cang Chải” của Nguyễn Ngọc Thiện được bình chọn là một trong những bức ảnh đẹp nhất trên trang National Geographic, cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Mỗi năm, thú săn ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc thường rộ lên theo hai mùa: Mùa nước đổ vào hai tháng 5, 6 và mùa lúa chín trong hai tháng 9, 10. Nếu như trước đây, mọi tay máy, du khách đến Mù Cang Chải chỉ có thể lên các triền đồi tìm góc chụp, thì bây giờ còn có thể quay, chụp bằng flycam hoặc từ dù lượn. Gần đây, những bộ ảnh góc rộng đặc sắc và các video clip quay toàn cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ máy bay trực thăng lại cho thấy thêm một cách săn ảnh mới.
Ông Nguyễn Nhật Huyền, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc cho biết, công ty đã mở các tuyến bay ngắm vịnh Hạ Long, Sa Pa, Điện Biên, Huế, Đà Nẵng... Mới đây, phối hợp với chính quyền huyện Mù Cang Chải, công ty đã tổ chức 3 ngày bay khảo sát (từ 25 đến 27-9), có hơn 100 người tham gia. Vé bay trải nghiệm Mù Cang Chải có giá 2,99 triệu đồng/người/15 phút, số du khách đăng ký khá đông. Công ty dự kiến chính thức mở tour bay ngắm mùa vàng Mù Cang Chải từ tháng 9-2021, với các loại trực thăng hiện đại nhất, từ 4 đến 24 chỗ. So với những vùng ruộng bậc thang khác, chỉ có Mù Cang Chải là đạt các yêu cầu về không gian, mật độ danh thắng cho khách bay mãn nhãn.
Các vùng ruộng bậc thang đẹp nhất ở nước ta gồm Sa Pa, Y Tý thuộc tỉnh Lào Cai; Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Giang và Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái. Trong đó, ruộng bậc thang cao nhất thuộc huyện Hoàng Su Phì, với hơn 3.720ha trải rộng khắp 25/25 xã, thị trấn. Còn diện tích ruộng bậc thang lớn nhất thuộc huyện Mù Cang Chải, với số liệu thống kê tới tháng 10-2020 là 4.570ha, phần lớn tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Lao Chải, Dế Xu Phình.
|
Bài và ảnh: HOÀNG THIÊN NGA