Đó là sự vắng thiếu những kịch bản văn học sáng giá, nên đã hiện hữu tình trạng “Không có bột thì chẳng gột được nên hồ”. Thiếu vắng kịch bản hay thì chắc chắn khó xuất hiện vở diễn hay. Một hệ lụy lớn do tình trạng này gây ra là sân khấu kịch mất khản giả, có thời điểm thậm chí là… mất trắng.

Khán giả không còn hào hứng mua vé xem kịch

Từ năm 2016, dù là vở diễn được định dạng là có chất lượng nghệ thuật cao, được đưa vào biểu diễn tại một nơi sang trọng như thánh đường của sân khấu Thủ đô-Nhà hát Lớn Hà Nội, thì khán giả vẫn không mấy mặn mà đến xem. Với chiến lược đổi mới chất lượng và đưa kịch vào Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngay từ năm 2016, các vở diễn thể loại kịch và không chỉ thể loại này đã được tựa vào "bệ đỡ" chiến lược từ Bộ VHTTDL cùng chủ trương xã hội hóa sân khấu, nên cứ có vở diễn chất lượng cao là được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội với sự trợ giá của Nhà nước về tiền thuê địa điểm và được bán vé, giá hạng nhất là 700.000 đồng, hạng chót là 200.000 đồng. (Cách đây ít ngày, báo chí đưa tin sẽ có một chùm vở kịch của 5 nhà hát, những vở kịch chất lượng cao được đưa vào Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn từ ngày 5 đến 20-8, với tên gọi chung là "Những vở kịch còn mãi với thời gian". 5 nhà hát, gồm: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân sẽ diễn liên tục hàng chục vở kịch hay suốt trong nửa tháng 8 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Mở đầu là vở “Vòng phấn Kavkaz” của Nhà hát Tuổi Trẻ vào đêm 5-8, giá vé từ hạng nhất đến hạng chót đã được hạ xuống từ 100.000-200.000 đồng/vé).

Thế nhưng, dường như khán giả Thủ đô đã mất thói quen mua vé xem kịch, vốn là thể loại được yêu thích nhất trong thưởng thức sân khấu. Các vở tuồng, chèo, cải lương có đêm diễn chỉ bán được vài vé, hoặc vài chục vé, còn lại là người xem theo vé mời, không mất tiền. Trong khi đó, chính công chúng Thủ đô vẫn có thể bỏ ra vài triệu, có lúc hàng chục triệu đồng để mua một cặp vé vào Nhà hát Lớn nghe ca sĩ hát những bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng!?

Câu hỏi đã từ lâu đặt ra cho người-sân-khấu, từ nhà viết kịch đến đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… ngày càng bức xúc: Tại sao sân khấu kịch mất người xem? Làm thế nào tìm lại người xem đã mất?

Câu trả lời phải bắt đầu từ kịch bản văn học

Kể từ sau Tết Đinh Dậu-2017, sân khấu kịch Hà Nội đã xuất hiện những cuộc tìm kiếm và khai thác các nguồn kịch bản hay. Nguồn thứ nhất là kịch bản được để lại, đã được dàn dựng thành công và đang được làm mới, từ các kịch bản hay của các cố tác giả: Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, với vở "Ai là thủ phạm" của Nhà hát Tuổi Trẻ; "Quẫn", hài kịch sáng giá nhất của nhà viết kịch Lộng Chương, đạo diễn Trần Hoạt dựng thành công từ mấy chục năm về trước, đã được đạo diễn Trần Lực dựng lại theo một cách thức mới lạ, cũng rất thành công; và "Bão tố Trường Sơn" của Nhà hát Kịch Việt Nam, "Ngọn đèn trước gió" của Nhà hát Kịch nói Quân đội là hai kịch bản gốc của tác giả Trương Minh Phương, đã tạo cơ sở văn học vững vàng cho đạo diễn, NSND Anh Tú và NSND Lê Hùng thành công trong dàn dựng vở diễn.

Đặc biệt, chùm nhạc kịch ba vở: "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời" đã diễn từ tháng 10-2016 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) của tác giả trẻ sinh năm 1991 Nguyễn Phi Phi Anh và cũng là đạo diễn cả ba kịch bản, cho đến tháng 4-2017, đã là thành công rất độc đáo về việc tự "đập cửa" chính tâm thế của mình để tự viết kịch bản, để được tự do dàn dựng chính những kịch bản do mình sáng tác…

Nguồn kịch bản thứ hai là do những tác giả đương đại sáng tác, về chính những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện đại. Những kịch bản này thường xuất hiện nhiều hơn ở TP Hồ Chí Minh.

Và một nguồn kịch bản rất được chú ý khai thác ở sân khấu Thủ đô là kịch bản kinh điển của các nhà viết kịch kinh điển thế giới, như Sếch-xpia với vở "Romeo và Juliet" đang được NSND Anh Tú dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam; vở "Lão hà tiện" của Mô-li-e đã được đạo diễn NSND Tuấn Hải dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam và sẽ biểu diễn cùng vở "Kiều" tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chùm hai vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam vào giữa tháng 8 năm nay…

Cũng phải kể đến một trường hợp đặc biệt, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã mang sang Nga biểu diễn thành công trong đầu tháng 5-2017, ngoài vở diễn đề tài Việt Nam "Dưới cát là nước", là một vở về đề tài Chiến tranh vệ quốc của chính nước Nga Xô-viết - "Và nơi đây bình minh yên tĩnh", khiến những người làm sân khấu và khán giả Nga thán phục về trình độ đạo diễn và diễn xuất của các nghệ sĩ-chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Tất cả những gắng gỏi đi tìm kịch bản hay cho sân khấu kịch Thủ đô năm 2017, tuy đã thành những vở diễn có chất lượng cao, nhưng sao vẫn chưa đủ sức kéo khán giả Hà Nội đến với các nhà hát, rạp hát, hân hoan và hồi hộp đợi chờ tấm màn nhung mở ra để vở kịch bắt đầu? Tôi nghĩ, câu trả lời vẫn đang nằm ở phần căn cơ của vở diễn thể loại kịch, đó chính là kịch bản văn học hôm nay vẫn chưa thiết lập được cuộc đối thoại với người xem hiện đại về những vấn đề đang đặt ra từ xã hội hiện đại, đang cần được sân khấu kịch đối thoại, giúp người xem tháo gỡ và giải quyết. Thật là vấn đề oái oăm, khi người xem Việt hiện đại vẫn chưa được "đối đầu" và giải quyết những vấn đề xã hội hiện đại, thông qua một thể loại mang tính hiện đại nhất của sân khấu Việt hôm nay, đó là thể loại kịch.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2016, trong Liên hoan thử nghiệm sân khấu quốc tế, vở kịch Việt Nam duy nhất về đề tài hiện đại đã đoạt giải vàng. Đó là vở "Dưới cát là nước" của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Kịch bản ấy đặt ra một vấn đề ở Việt Nam: Liệu sau chiến tranh, sau hận thù và chết chóc, những người Việt hôm nay có thể khoan dung và hóa giải hận thù bằng tình yêu và sự thông cảm, thương cảm không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, như bao giờ dưới cát cũng vẫn là nước, luôn êm đềm và dịu dàng chảy.

Nhìn sang phim truyền hình hôm nay cũng sẽ thấy câu trả lời tương tự. Cả hai phim "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử", tuy gốc tích lấy từ kịch bản nước ngoài, nhưng các nhà biên kịch, nhà đạo diễn và các nghệ sĩ thủ vai đã Việt hóa chúng về nội dung, với sự áp sát các vấn đề tương tự ở xã hội Việt Nam hiện đại. Và chính sự Việt hóa thành công trên cơ sở kịch bản phim nước ngoài như thế đã khơi nguồn những sáng tạo xuất sắc về nghệ thuật diễn xuất phong phú của các nghệ sĩ sân khấu kịch Việt Nam, đã “đổ bộ” từ sàn diễn kịch vào màn ảnh nhỏ, nổi bật nhất là NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương (Hương Bông), thật xuất sắc trong hai vai chính của hai phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng".

Phải chăng, chỉ có kịch bản hay mới thiết kế được vở diễn hay và kéo được người xem Thủ đô đến rạp xem kịch? Tương tự, chỉ có kịch bản hay mới có phim truyền hình hay, níu được người xem không rời mắt khỏi màn ảnh nhỏ hôm nay?

Và như thế, làm thế nào để có những kịch bản hiện đại, áp sát những vấn đề đời sống, đối thoại được với người xem hiện đại, hiện vẫn đang là một bài toán khó chưa có câu trả lời thật đích đáng!

PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI