Cái tên Sơn Đồng đã có từ rất xa xưa cùng với nghề điêu khắc tạc tượng. Nhiều thế hệ người dân nơi đây cũng không ai biết rõ nghề có từ bao giờ. Chỉ biết, theo di chỉ để lại trong Đền Thượng soạn năm 976, cụ tổ nghề tạc tượng là Đức thánh Đào Trực. Cụ là người đã có công khôi phục nghề và dạy cho dân. Sau khi cụ qua đời, nhà vua lệnh cho người dân Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng thờ và tôn là “Công sư phục nghệ”, tức người có công khôi phục nghề.
Đến thăm Sơn Đồng, ngay từ khi bước chân vào cổng làng, du khách có thể cảm nhận được nhịp sống hối hả của một làng nghề. Thậm chí giữa trưa, cả Sơn Đồng cũng không nghỉ. Từ đường làng chính đến ngóc ngách thôn vẫn đều đều tiếng đục, tiếng bào. Hương gỗ mít lan xa át đi cả mùi nắng hạ. Những người thợ gò mình trên khúc gỗ, ngắm nghía mãi lấy hình dáng dọc ngang rồi nhẹ nhàng đục bỏ từng thớ. Cứ vậy, tay thoăn thoắt đưa lên đập xuống mà khúc gỗ đã thành pho tượng.
 |
Tạo khuôn mũ tượng.
|
Với sự tài tình và khéo léo của những nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng, những sản phẩm được tạo ra vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Tượng gỗ của Sơn Đồng có quy cách, tỷ lệ nhất định giữa các bộ phận nên tượng tạc ra rất cân đối và có nét đặc sắc riêng. Điều đặc biệt là dù khách hàng đặt tạc bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ Sơn Đồng đều làm được ngay mà không cần mẫu có sẵn. Từ những thân gỗ mít, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ Sơn Đồng, những pho tượng được hình thành như có hồn và trở nên sống động vô cùng.
Ngoài quy trình chung mà cha ông truyền lại thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, những bí truyền mang phong cách riêng của mình. Ví dụ như tạc tượng ngồi hay đứng thì độ cao là bao nhiêu. Điểm chung giữa các nghệ nhân khi làm tượng là đều lấy “diện” (bằng một đầu, tính từ chân tóc tới cằm) làm chuẩn để tính tỷ lệ. Tỷ lệ tham chiếu của tượng ngồi bằng bốn diện và tượng đứng bằng bảy diện. Nhưng cũng có thợ khi tạc tượng Phật ngồi chỉ có ba diện rưỡi hoặc bốn diện rưỡi. Ngoài ra, còn phải tuân thủ tỷ lệ vai, tay, độ dày thân tượng. Công thức đó có thể xê dịch tùy theo tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ.
 |
Cổng làng Sơn Đồng |
Khâu đầu tiên nhưng rất quan trọng, đó là khâu chọn gỗ. Gỗ mít chính là nguyên liệu tốt nhất để đục tượng. Nguồn gỗ chính nhập chủ yếu từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, nhờ đó tránh được những sơ suất trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Những khúc gỗ sẽ được loại bỏ hết phần giác và giữ lại phần lõi để tạc. Tiếp đến, gỗ sẽ được cắt theo khối hình tượng. Phần được tạc đầu tiên chính là đầu và mặt tượng. Những khối trán, mũi, môi, tai hay mũ... sẽ được đục tiếp theo. Sau đó, người thợ sẽ phác thảo lấy hình dáng chung từ đầu đến cuối; rồi đục vào từng bộ phận chi tiết nhỏ, đây là khâu quan trọng nhất đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và tập trung của người thợ. Sau khi các bộ phận chi tiết được đục hoàn chỉnh là đến khâu gọt, rồi nạo và đánh nhẵn.
Tiếp đến là một khâu cũng rất quan trọng: Sơn tượng. Kỹ thuật sơn tượng rất kỳ công và tỉ mỉ như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên “hom” tượng bằng sơn trộn đất phù sa, tỷ lệ sao cho không được non sơn, cũng không được già quá, rồi “bó” bằng sơn sống rồi sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên..., cứ thế, bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng, nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn phủ lên. Để sơn phủ gần khô, còn hơi dính thì dán bạc hoặc dán quỳ bạc, vàng tùy theo yêu cầu của khách. Làm tượng là khó nhất, người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn có dáng, khách trông thấy là nhận ra ngay ông tượng nào...
Có thể nói, những pho tượng đã trở nên có hồn và sống động vô cùng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Sơn Đồng. Đi đến đâu trong cả nước cũng đều có thể bắt gặp các tượng thờ do người thợ Sơn Đồng chế tác. Nhắc đến tượng Phật là người ta nghĩ ngay đến Sơn Đồng. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm hơn 50% thị trường toàn quốc về tượng, đồ thờ cúng sơn son thếp vàng phục vụ mảng đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Không những thế, các sản phẩm của làng nghề còn được khách quốc tế đặt hàng và được xuất khẩu ra nước ngoài rất nhiều.
Bài và ảnh: AN NHI