Cái tuổi của trẻ con chỉ ăn, ngủ, học và chơi thế mà hôm nhập trường thấy mấy đứa cũng “cao to” như mình, thậm chí bé hơn và ít hơn mình chừng 2-3 tuổi mà không đứa nào nhớ nhà khóc nhè? Lạ thật!”.
Tuần đầu từ Nghệ An ra Hà Nội, cô bé Kỳ Thái Bảo đêm nào cũng khóc vì nhớ mẹ không chịu nổi. Đã thế thi thoảng lại nghe tiếng khóc của mấy đứa “trẻ con” phòng bên lèo nhèo đòi về với mẹ. Điều đó khoét sâu vào lòng cô bé nỗi nhớ mẹ da diết đến cồn cào nhưng không dám khóc to. Nhưng rồi lại nghĩ: “Mình hơn nó tận 3-4 tuổi, chả nhẽ lại hèn thế sao! Bèn úp mặt vào gối thút tha thút thít nuốt nước mắt vào trong”.
    |
 |
Ca sĩ Thái Bảo (bên trái) năm 11 tuổi. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“6 giờ sáng! Keng! Keng! Keng! Tiếng kẻng của cô giáo quản lý gọi dậy tập thể dục. Mình được phân công làm chỉ huy đội thể dục. Sáng nào cũng đều như vắt chanh hô rất to 1, 2, 3, 4... Nhưng chỉ được một thời gian, càng ngày càng vắng vì nhiều đứa không dậy được và nếu có dậy thì cũng ngồi khóc nhè cả giờ đồng hồ. Có đứa cao thủ hơn thì kêu đau bụng. Thế rồi lớp tập thể dục cũng rã đám. Coi như mình chỉ được làm “cán bộ” khoảng hai tháng là đứt phựt!
Sáng dậy mỗi đứa được nửa cái bánh mì, đứa nọ nhìn đứa kia véo từng tí một ăn từ từ sợ hết. Nhớ mãi buổi học văn hóa đầu tiên (lớp 5), giờ Toán của thầy Thiệp. Vào lớp là thầy kiểm tra đồ dùng học tập ngay. Tim mình đập như trống làng, sợ thầy gọi vì chưa có gì trong tay. Ngồi bàn dưới mình nghe mấy đứa trả lời bằng nhiều thứ tiếng, nhiều vùng miền khác nhau buồn cười lắm!
Bỗng giật thót “Em tên là gì?”. Mình nói đặc sệt tiếng Nghệ An: “Dạ thưa thầy, em tên là Kỳ Thái Bảo ạ!”. Thầy tiếp: “Compa, ê ke, thước kẻ đâu?”. “Dạ thưa thầy, em chưa có ạ!”. Thầy nói rất to: “3 con 1”. Ôi trời ơi, như quả búa tạ đập vào đầu, mình ôm mặt khóc nức nở. Đứa nào đứa nấy mặt tái mét liếc sang nhìn mình với ánh mắt
đầy thông cảm. Đang lúc đau khổ, buồn bã thì mấy thằng bạn cứ chạy theo mình nhai đi nhai lại câu chuyện “3 con 1”, rồi bắt chước tiếng Nghệ An trọ trẹ làm trò cười vẻ hỉ hả lắm. Đã thế mấy cô bạn tới ngồi cạnh thì thầm: “Ấy nói lại tiếng quê ấy xem nào? Bọn tớ nghe ấy nói như chim hót ý mà không hiểu ấy nói gì?”. Thật là đáng ghét!
Kỳ nghỉ hè đầu tiên là kỷ niệm NSND Thái Bảo không bao giờ quên. Mẹ viết thư dặn: “Nhớ mang đàn bầu về tập hè nhé!”. Nghe lời mẹ, sợ nghỉ hè những 3 tháng quên bài nên cô khiêng đàn về để tập. Trên chuyến tàu chợ Hà Nội-Vinh, cô theo anh trai về quê. Người thì bé, đàn thì to. Lại còn xách theo cái loa đàn như thùng kem lích kích. Thái Bảo ngồi cùng toa với mấy bà buôn trứng và cà chua nên cứ ôm chặt đàn không dám cựa quậy vì sợ vỡ trứng, nát cà. Về đến nhà đã thấy già trẻ, gái trai tập trung ở cửa rất đông. Thì ra, ba cô đã khoe khắp chung cư hôm nay con gái út từ Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) về. Ba cô nói: “Con đánh một bài đàn bầu cho mọi người nghe xem nào!”. Thái Bảo chơi bài “Việt Nam quê hương tôi”. Khán giả ùa đến xem, làm gãy cả cánh cửa và song cửa sổ nhà ba mẹ. Mọi người đổ xô vào tận trong nhà để xem “nghệ sĩ đàn bầu nhí” như xem hiện tượng lạ. Máu nghề nổi lên, cô bé chơi tiếp bài: “Con kênh xanh xanh”. Ba cô hãnh diện lắm, phấn khởi đi ra đi vào dẹp trật tự để con mình biểu diễn. Nhưng, vốn liếng năm đầu cũng chỉ có hai bài thôi, vì Thái Bảo mới học năm thứ nhất hệ sơ cấp...
Ba cô là người rất tinh tế, thấy con hết vốn, ông nhắc khéo thanh thiếu niên hàng xóm: “Trưa rồi! Các cháu về ăn cơm đi, đói rồi. Em còn chơi được nhiều bài nữa đó, nhưng để dành ngày mai sang ta nghe tiếp nha!”.
Đó là chiếc vé “đi thăm tuổi thơ” mà NSND Thái Bảo chia sẻ cùng bạn bè và người hâm mộ. Cô tâm sự: “Đó là một trong nhiều kỷ niệm thời niên thiếu mà mình không thể kể hết được. 5 năm học sơ cấp, ở khu nội trú cùng nhau, tự lập từ A đến Z và giờ thì mỗi đứa một phương. Thế giới thật rộng lớn mà mình thì thật nhỏ bé. Hãy yêu bản thân và thản nhiên đón nhận. Hãy làm những gì mình thích và buông bỏ những điều không thích. Chỉ cần một ngôi nhà nhỏ, một gia đình đúng nghĩa và vài người bạn thân chia sẻ là vui khỏe, hạnh phúc lắm rồi”.
QUỲNH XUÂN