Giáo sư Trần Văn Giàu có một nhận xét chính xác và thú vị: "Trong cửa Phật không có khái niệm nào được lặp đi lặp lại nhiều lần bằng khái niệm từ bi. Trong cửa Khổng sân Trình, không có khái niệm nào được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bằng khái niệm nhân nghĩa. Vậy mà cho đến nay Phật tử và Nho gia vẫn không nhàm nói từ bi, nhân nghĩa. Trong vận động yêu nước, cách mạng, kháng chiến, kiến quốc mấy chục năm rồi, chúng ta luôn luôn nói đoàn kết mà không khi nào thấy thừa. Chữ khắc trên đá càng vạch càng sâu, ý niệm trong tâm càng tụng càng thấm. Lời Cụ Hồ dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" là chân lý vĩnh hằng, là bí quyết tồn tại, vinh quang của dân tộc".
Chữ đồng, chữ đoàn kết là những chữ thông thường, thường dùng nhưng trong thơ ca của Bác nó chứa đựng tư tưởng lớn với nhiều khía cạnh nội dung và cách biểu đạt cũng thật phong phú. Bài Hòn đá, Bác nói về chữ đồng bằng hình ảnh thực đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong người đọc. Bác đã dẫn dắt người đọc từ một việc nhỏ, đến một việc lớn, từ việc nhấc (nhắc) hòn đá, đến công việc cứu nước:
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhắc không đặng.
Một khi nhiều người hợp sức:
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhắc,
Nhắc lên đặng.
Và rút ra kết luận :
Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong.
Từ đó dẫn đến công việc cách mạng hiện tại:
Đánh Nhật, Pháp,
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta,
Biết đồng lòng,
Thì việc đó
Quyết thành công.
Bài thơ đề tranh cổ động báo Việt Nam độc lập đăng trên Báo Việt Nam độc lập số 103, ngày 21-8-1941, Bác kêu gọi, cổ động toàn dân trẻ lẫn già, đoàn kết cùng nhau cứu nước.
"Việt Nam độc lập" thổi kèn loa.
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già,
Đoàn kết vững bền như khối sắt,
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!
Thơ ca của Bác ngoài kêu gọi toàn dân đoàn kết còn có những bài thơ, bài ca cụ thể cho từng đối tượng, cho từng tầng lớp. Ở những bài ca này, Bác phanh phui những bất công, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân, từ đó kêu gọi mọi tầng lớp phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, cướp lấy thời cơ cứu nước, cứu mình. Bác kêu gọi dân cày:
Nhịp này là nhịp trời cho
Lo cứu nước tức là lo cứu mình.
Mai sau thực hiện chương trình:
Nông dân có đủ ruộng mình làm ăn
Kêu gọi công nhân:
Thợ thuyền ta phải đứng ra
Trước ta cứu nước sau ta cứu mình...
Bao giờ khôi phục nước nhà
Của ta ta giữ, công ta ta cầm
Kêu gọi phụ nữ:
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Kêu gọi thiếu nhi:
Kẻ lớn cứu quốc đã đành
Trẻ em cũng phải ra dành một vai
Kêu gọi binh lính:
Việc chi ích nước thì làm
Cứu dân cứu nước há cam kém người.
Cống hiến vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh chính là ở chỗ Bác đã nâng khối đoàn kết dân tộc từ tự phát lên trình độ tự giác. Khối đoàn kết dân tộc theo kiểu truyền thống, xuất phát từ tình cảm tự nhiên Người trong một nước thì thương nhau cùng với triết lý nhân sinh Ba cây chụm lại thành hòn núi cao phải được phát triển lên một trình độ mới, chất lượng mới - một khối đoàn kết có tổ chức, lãnh đạo. Cũng trong thời gian này, thơ ca của Bác tập trung cho chủ đề giác ngộ quần chúng nhận thức về tổ chức, ý thức về tổ chức, tự nguyện tham gia tổ chức và phát huy sức mạnh của tổ chức. Bài Chơi giăng được viết dưới hình thức hỏi - đáp. Trăng đã được nhân vật hóa để được hỏi và trả lời. Mà câu trả lời là nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của tổ chức:
Muốn biết tự do chầy hay chóng
Thì xem tổ chức khắp hay không.
...
Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi
Tức là cách mệnh chóng thành công.
Trong di sản thơ ca mà Bác để lại, có một mảng thơ rất đặc biệt, đó là những bài thơ chúc Tết, mừng Xuân, mà hầu như bài nào Bác cũng chúc đoàn kết, đại đoàn kết. Thơ chúc Tết của Bác vừa là lời chúc vừa là lời mừng, lời kêu gọi; lời lẽ chân thành thân ái nôm na mà cũng hào hùng mạnh mẽ. Bài Chúc năm mới, 1947 thể hiện một khối quyết tâm triệu người như một đồng lòng quyết chí, anh dũng tiến lên dưới lá cờ đỏ sao vàng và tiếng kèn kháng chiến vang dậy khắp non sông:
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Người trước ngã, người sau tiến lên. Sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí càng siết chặt đội ngũ, nung nấu thêm quyết tâm, kiên quyết kháng chiến đến cùng. Khi cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh, Bác Hồ viết bài điếu Lời truy điệu Cụ Tố để tỏ lòng tiếc thương vô hạn của Bác và của toàn dân ta đối với nhà trí thức tận trung với nước, chí hiếu với dân. Bác hứa với vong linh cụ, toàn dân ta đồng tâm kiên quyết chiến đấu đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi:
Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Cụ mà hứa rằng
Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, càng thêm đồng tâm
Chính phủ ta đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết
Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1954, cuộc kháng chiến đã chuyển sang giai đoạn quyết định. Bác chúc:
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
(Thơ chúc Tết Giáp Ngọ, 1954)
Lời khẳng định của Bác vào thời khắc trọng đại của mùa xuân năm đó, sau này đã thành hiện thực.
Năm 1960, khi đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam kiên cường kháng chiến, Bác chúc mừng năm mới:
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ.
(Thơ mừng năm mới, 1960)
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có những nội dung, hình thức khác nhau. Song ở bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, Bác đều khẳng định một cách nhất quán (trong các trước tác văn xuôi và cả trong thơ ca) về hai quan điểm có tính nguyên tắc:
Thứ nhất, dựa vào dân, tin dân, phấn đấu, hy sinh vì dân. Bác khẳng định: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Viết Bài thơ cổ động sau khi nói về mười hai điều răn, Bác kết luận:
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Thứ hai, là kết hợp đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ngay từ những năm còn lênh đênh trên những con tàu và bước chân đặt trên các châu lục đi tìm đường cứu nước, từ trong thực tế, hơn ai hết, Bác đã phát hiện, đã nhận thức và ý thức về đồng loại, về giai cấp cần lao trong cuộc đấu tranh này:
Rằng đây bốn biển một nhà
Vàng đen trắng đỏ đều là anh em
Hay :
Rằng nay bốn biển một nhà
Cùng là bè bạn, cùng là thân yêu
(Nhật ký chìm tàu)
Tình thương, sự đồng cảm và tinh thần đoàn kết của Bác không bó hẹp trong phạm vi một nước, một dân tộc, một số ít người nào đó mà nó mở rộng Lọ là thân thiết ruột rà / Công nông thế giới đều là anh em. Trong bài Tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân, Bác đã trình bày những ý kiến cần thiết và tổng kết bằng mấy câu thơ:
Tinh thần quốc tế của công nhân,
Quý giá nghìn vàng há dễ cân.
Giai cấp cần lao trong bốn bể
Một lòng tương trợ với tương thân
Bác luôn luôn nêu cao nhân nghĩa, hòa bình, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của giai cấp công nhân, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta; đồng thời Bác cũng nêu cao tư tưởng đoàn kết quốc tế cao cả: Giúp bạn là giúp mình. Trước tình hình phong trào cộng sản quốc tế có những rạn nứt, bất hòa, Bác trăn trở chăm lo vun đắp cho khối đoàn kết của các đảng cộng sản và phát huy sức mạnh của giai cấp công nhân. Từ trong ý thức, tình cảm và hành động, Bác trân trọng, nâng niu mối tình đoàn kết vô sản anh em trên toàn thế giới, mối tình hữu nghị với các dân tộc. Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Bác chào mừng các đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân trên thế giới đến dự Đại hội Đảng ta bằng hai câu thơ chân thành xúc động:
Quan sơn muôn dặm một nhà,
Bốn phương vô sản đều là anh em!
Về tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ thể hiện qua thơ ca của Người, có một bài ca khá tiêu biểu về cả nội dung và hình thức, thể hiện quan điểm, đường lối chỉ đạo, ý thức tổ chức, cách thức tiến hành, lại được biểu đạt bằng thể thơ dân tộc, ai đọc, ai nghe cũng hiểu, cũng thấm, cùng suy nghĩ và hành động. Đó là bài Ca sợi chỉ. Sợi chỉ tự kể chuyện về đời mình từ khi còn là đóa hoa, đến cái bông và thành sợi chỉ, thành tấm vải. Lời kể tự chủ, sợi chỉ ý thức đầy đủ cả về mặt yếu và mặt mạnh của mình. Làm thế nào để chuyển yếu thành mạnh. Những sợi chỉ để riêng, ai bứt cũng đứt ngay. Nhưng khi đã dệt thành tấm vải thì khôn thiêng đã vuông tròn đố ai? Biết tập hợp, biết kết đoàn họp nhau sợi dọc, sợi ngang, dệt nên tấm vải mỹ miều sẽ tạo nên một khối thống nhất, bền vững. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết trong một tổ chức có mục đích thì sức mạnh được nhân lên. Bài Ca sợi chỉ đặt vấn đề ra nhẹ nhàng, cụ thể, hiển nhiên mà sâu sắc, thiết thân với mỗi người, với mọi người, với giai cấp, dân tộc, nhân loại.
Đọc thơ mà thấy Người, đọc thơ ca Bác càng thấm công ơn Người chỉ đường dẫn lối cho mỗi chúng ta. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không phải ít. Hơn lúc nào hết, cần phải tập trung trí tuệ, sức lực của toàn Đảng, toàn dân Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, đất nước. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ, khắc sâu trong tâm khảm lời Bác Hồ kính yêu: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công; Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Nhà văn LÊ XUÂN ĐỨC