Sự việc làm dấy lên câu hỏi tại sao lại có sự vô cảm với nỗi đau của người khác như vậy? Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý được công bố tại Việt Nam và quốc tế.
Hiệu ứng “người đứng nhìn”
Có một điều kỳ lạ, trong các vụ việc tương tự ở trên thế giới là tai nạn xảy ra ở nơi càng đông đúc thì cơ hội nạn nhân được giúp đỡ càng ít hơn. Khi có nhiều người chứng kiến một sự việc cần giúp đỡ, khả năng có ai đó can thiệp và giúp đỡ càng thấp vì có sự khuyếch tán trách nhiệm. Mỗi cá nhân tự cho rằng, trách nhiệm phải giúp đỡ được chia đều cho tất cả những người nhìn thấy sự việc. Khi có càng nhiều người chứng kiến, chúng ta cũng ít đánh giá sự kiện là khẩn cấp cần can thiệp ngay mà có xu hướng chờ đợi một ai đó “có trách nhiệm” hành động trước.
    |
 |
Lan truyền hình ảnh đoàn kết, tương thân, tương ái là biện pháp chữa bệnh vô cảm |
Bên cạnh đó, người ta thấy rằng con người sống trong môi trường đô thị ngày càng ít giúp đỡ nhau hơn. Một trong những lý do là cuộc sống đô thị có rất nhiều sự việc đòi hỏi phải chú ý vì vậy người ta chỉ tập trung vào những gì thích hợp và liên quan tới mình nhất. Trong cuộc sống gấp gáp ở đô thị, con người thường vội vàng vượt lên trước người khác hoặc bận bịu đầu óc với cơm áo gạo tiền. Điều này đã dạy cho các cá nhân thói quen ích kỷ chỉ chú ý tới những gì có liên quan đến bản thân không chú ý quan tâm đến cảm xúc hay câu chuyện của người khác vì tốn thời gian, sợ phiền phức.
Rồi hội chứng “đang vội” cũng có thể làm hạn chế hành vi giúp đỡ người khác của chúng ta. Vội vã làm cho chúng ta không có đủ thời gian để nhận ra dấu hiệu cần giúp đỡ khẩn cấp hay thấu cảm với những nỗi đau của người khác để mà giúp đỡ dẫu chỉ đơn giản là một cú điện thoại gọi báo công an hay cấp cứu. Chẳng thế, nhiều người đã đồng cảm với nhạc sĩ Trần Tiến trong bài hát “Ngẫu hứng phố” khi ông chua xót về cuộc sống ở đô thị “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi…”.
Dưới ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, để cân nhắc có giúp đỡ người khác hay không, một cách vô thức hoặc hữu thức, trực giác cá nhân thường tính toán xem giữa cái mất và cái được khi giúp đỡ thì bên nào nặng hơn. Việc giúp đỡ chỉ đường cho người khác chẳng mất gì nhiều mà cái lợi thu được “mình là người tốt” nên hầu hết ai cũng sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng để giúp đỡ một người bị tai nạn có khả năng tử vong thì cá nhân sẽ phải cân nhắc những cái mất kỹ càng hơn ví như mất thời gian, sẽ phải vướng vào các thủ tục phiền hà với công an, có thể bị đánh đập do hiểu nhầm, nếu chẳng may làm gì đó không đúng sẽ bị liên đới trách nhiệm… Những cái mất này sẽ được đưa lên bàn cân với những cái được nếu giúp đỡ như sự biết ơn của người được cứu giúp, phần thưởng của thành phố hay chính phủ, tên tuổi được nêu gương phản ánh trên báo chí. Tất nhiên, giá trị của mỗi phần thưởng hay thiệt hại chỉ có thể do từng cá nhân tự lượng hóa.
Ngoài ra, việc một cá nhân hành động giúp đỡ người khác còn phụ thuộc vào cách cá nhân đó đánh giá tình huống xảy ra có khẩn cấp hay không. Nếu một cá nhân chứng kiến một người ngã từ trên cao xuống trước mặt mình và bị thương, thì khả năng lớn là cá nhân đó sẽ hành động cứu giúp hơn là trong tình huống không rõ ràng và cá nhân chỉ nhìn thấy một nạn nhân nằm ở góc đường, không có phản ứng gì khi được gọi.
Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp chúng ta thấy rõ ràng là một tình huống khẩn cấp nhưng nhiều người lại bỏ qua. Có thể là vì cá nhân lo sợ nạn nhân là kẻ xấu. Đã có những trường hợp nạn nhân bị đâm bằng dao chảy nhiều máu chạy ra đường vẫy xe nhờ sự giúp đỡ thì phần lớn mọi người lờ đi hoặc đuổi xuống vì “sợ anh ta là dân nghiện, có máu trên người nên không dám giúp đỡ vì sợ nhiễm HIV/AIDS” hoặc “đây có thể là vụ thanh toán giữa các băng nhóm và tôi không muốn dính vào phiền phức này”. Rồi khi có nhiều người trước bỏ qua hoặc từ chối giúp đỡ, những người đến sau càng có xu hướng khẳng định tình huống chẳng có gì khẩn cấp cả, chắc chắn là diễn kịch, hay nhiều người trước cũng không giúp nên mình không giúp cũng chẳng sao cả, trách nhiệm đâu có thuộc về mình. Đây chính là hiệu ứng “người đứng nhìn” hay được các nhà xã hội học nhắc đến.
Và ngay cả khi một người cảm thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ sẽ chỉ hành động nếu cảm thấy tự tin rằng, mình có đủ năng lực giúp đỡ (như nhìn thấy người đuối nước nhưng bản thân không biết bơi). Tuy vậy, cần nhớ là không phải ai trong chúng ta cũng được tập huấn về quy trình sơ cấp hay cấp cứu người bị nạn, nên những người nào thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết thường sợ hãi và cho rằng tốt nhất không nên đụng vào nạn nhân nếu không sẽ làm tình hình trở nên nguy hiểm hơn.
Chúng ta cũng thường ra tay giúp đỡ hơn nếu chúng ta cảm thấy hạnh phúc và đang có tâm trạng tốt. Những người hạnh phúc có xu hướng giúp đỡ người khác bất kể nguồn gốc của các suy nghĩ hạnh phúc đó xuất phát từ đâu. Tâm trạng tốt giúp ta nhìn thấy những điểm tích cực của cuộc sống và những người xung quanh. Việc giúp đỡ người khác có thể kéo dài các cảm giác về tâm trạng tích cực, trong khi việc bỏ đi (khi thấy người cần giúp đỡ) chắc chắn sẽ làm chúng ta cảm thấy tồi tệ.
Chúng ta có xu hướng giúp đỡ nếu đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự với hoàn cảnh hiện tại của nạn nhân. Nếu cuộc sống của cá nhân nhiều áp lực, an sinh xã hội kém, mỗi cá nhân đều cảm thấy khó chịu, bất công và ấm ức thì không những không ra tay giúp đỡ, họ còn có những hành vi và bình luận thiếu thân thiện với những nạn nhân.
Tránh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”?
Một trong những cách thức để khuyến khích những hành vi giúp đỡ trong vụ việc như vụ tai nạn do người lái taxi gây ra vừa qua là giáo dục cộng đồng về những nguyên nhân rào cản hành vi giúp đỡ đặc biệt là hiệu ứng “người đứng nhìn”. Thay vì lên án các cá nhân đã vô cảm không hành động gì, cộng đồng mạng nên thể hiện sự thông cảm với hành vi của họ từ đó khuyến khích họ phải hành động ngay chứ đừng rơi vào cái bẫy “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Các chương trình giáo dục như thế này từng được áp dụng trong phòng chống bắt nạt và quấy rối tình dục học đường. Những học sinh được nghe giảng về hiệu ứng “người đứng nhìn” đã sẵn sàng đứng ra can thiệp khi chứng kiến bạn bị bắt nạt nhiều hơn.
Một cách bền vững hơn cần giáo dục giá trị, trách nhiệm xã hội và tinh thần công dân cho thế hệ trẻ.
Nhà trường và gia đình cần phải giúp học sinh ý thức được rằng giúp đỡ những người yếu thế hay đang bị thiệt thòi, tổn thương là một việc tốt. Trẻ được tập quen để chia sẻ, giúp đỡ người khác từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ cũng cần được sự động viên, khen ngợi từ cha mẹ hay thầy cô giáo vì những hành động trợ giúp người khác. Những lời khen tích cực có mục đích củng cố ý niệm về bản thân rất hiệu quả trong việc thúc đẩy hành vi giúp đỡ người khác. Gắn khen ngợi với đặc điểm nhân cách của trẻ như “con rất hay giúp đỡ bởi con là một người tốt” thường hiệu quả hơn so với chỉ khen chung chung “giúp đỡ người khác là một việc tốt”. Lời khen ngợi gắn với tính cách sẽ giúp trẻ phát triển một khái niệm cái tôi bao gồm cả hành vi vị tha và vì vậy có khả năng duy trì hành vi giúp đỡ người khác trong tương lai.
Giáo dục giá trị để thế hệ trẻ cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ người khác vì họ thấu cảm với nỗi đau của nạn nhân. Giá trị của lòng trắc ẩn và cảm nhận giá trị của sự công bằng, trách nhiệm xã hội lớn hơn so với những nguy cơ phiền phức do việc giúp đỡ người khác mang lại.
Qua thời gian những giá trị sẽ được củng cố trở thành chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực về trách nhiệm xã hội thúc giục chúng ta phải quan tâm chăm sóc những người thân hoặc cha mẹ mình khi về già. Chuẩn mực xã hội cũng thúc giục chúng ta chăm sóc những người thiệt thòi hay dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp chúng ta ra tay giúp đỡ khi chứng kiến những chuyện bất bình.
Cuối cùng, truyền thông đại chúng cần góp phần làm cho những hành vi tương trợ xã hội được coi trọng và đề cao. Cần có nhiều hơn các tấm gương trong xã hội được tuyên dương trên truyền thông. Xã hội thay vì tập trung vào những đau khổ hay nguy cơ gây thất vọng hãy chuyển sự chú ý sang những mặt sáng của con người. Đó là một giải pháp hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý của cá nhân và hạn chế những hành vi vô cảm trái chuẩn mực xã hội, dẫu rằng việc chuyển đổi này với nhiều người thực sự là một thay đổi khó khăn.
TS TRẦN THÀNH NAM