Choáng. Đường đi lối lại khúc khuỷu, quanh co, gập ghềnh, hiểm trở đến nỗi, ngồi trong xe ô tô có lúc cảm thấy mình như đang bồng bềnh uốn lượn và dập dềnh cùng sương trắng mênh mông trên trời cao rồi bỗng dưng lại đột ngột quay ngoắt và lọt thỏm xuống thung lũng mờ ảo, hun hút.

Sững sờ. Đá lớn, đá nhỏ, đá trỏ lên trời, đá “bơi” sườn dốc chênh chao, đá cúi chào, đá ngẩng mặt, đá xiên dọc, đá chen ngang... Đá nhọn hoăn hoắt như chông gai. Đá xù xì như lông nhím. Đá lổn nhổn như ghềnh dưới đáy sông. Đá chon von, thoai thoải như hình tháp. Đá lô xô như sóng biển vỗ bờ. Đá tầng tầng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp như kéo dài vô tận. Trên dải đất hình chữ S, chẳng có nơi nào lại bát ngát đá với đủ kích cỡ, vóc dáng lạ kỳ và muôn hình vạn vẻ như thế.

 

Ngẩn ngơ. Nhưng có cảm nhận, thấm thía sự can trường, hiên ngang cùng nguyệt tuế của một quần thể đá bao la, chon von mới thấy được sự kỳ vĩ, ngoạn mục mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng sơn địa này. Những chóp đá mang hình bông hoa, nụ hoa, nhụy hoa đã làm nên một “Vườn hoa đá Khâu Vai” đầy sức biểu cảm. Bao tháp đá, chỏm đá, tảng đá với hình thế tựa dáng rồng cuộn, hổ ngồi, rùa bò, chim bay, vượn nhảy… đã hình thành “Vườn thú đá Lũng Pú” thật sinh động. Những tảng đá vôi tròn nhẵn, xếp gối sát nhau trông như hàng nghìn con hải cẩu đen bóng nằm tựa bên nhau nghỉ trên bãi biển bình yên đã tạo thành một “Bãi hải cẩu Vần Chải” thú vị xiết bao. Không gian rừng đá Đồng Văn cũng thay đổi theo mỗi buổi trong ngày. Sáng sớm, rừng đá nhấp nhô chìm trong biển sương trắng. Trưa nắng, rừng đá lấp lóa một màu bàng bạc. Xế chiều, rừng đá thâm thẫm một màu tím than. Đêm về, rừng đá đặc quánh một màu đen sẫm. Thế nên không sợ quá lời khi gọi Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những danh thắng kỳ vĩ nhất của giang sơn gấm vóc Việt.

Ngây ngất. Lặng mình đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế như một dải lụa xanh mềm mại hiện lên óng ánh trong những giọt nắng cuối ngày mà cảm thấy tâm hồn tựa đang thăng hoa cùng gió mây huyền ảo, lung linh của đất trời Mèo Vạc.

Đắm đuối. Chợ tình Khâu Vai ai đã đi qua là một lần đọng lại không chỉ ở những tiếng khèn lá dập dìu, díu dan, mà ở những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn hậu và cả mùi hơi ngai ngái từ mái tóc người thiếu nữ dân tộc Mông và hơi thở nồng nồng toát ra từ mùi rượu của các chàng trai miền sơn cước trong giây phút bịn rịn, dùng dằng tiễn bạn ra về.

Cảm thương. Tắm mình trong những hạt sương mùa đông như những mũi kim châm xía vào da thịt mà bất chợt con tim nhoi nhói và ánh mắt nhạt nhòa khi đứng trước ngôi nhà tường đá đơn sơ của đồng bào đứng chơi vơi giữa xung quanh là cổng đá, bờ rào đá và núi đá lạnh lẽo, cheo leo.

Trân trọng. Sinh ra từ rừng đá, lớn lên nhờ rừng đá. Trở về đất mẹ cũng vùi trong những hòn đá. Đá có gì đâu. Chỉ là một vật có màu nhưng không mùi, không vị và cũng không làm nên hạt lúa, củ khoai cho sự sống trường tồn. Nhưng những người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông vẫn khuất phục được đá để kiên cường sống, để bền tâm nuôi dưỡng yêu thương và để tự tin hát những bài tình ca lãng mạn tặng cuộc đời.   

Khâm phục. Đứng trước biển, con người chỉ như một hạt cát. Đứng trước rừng đá Đồng Văn, con người như một mầm cỏ non. Ấy thế mà mầm cỏ ấy không hề lắt lay trước phong ba, mà vẫn bền bỉ hút từng giọt sương đêm, lách mình qua những phiến đá gớm ghiếc để đón nhận từng giọt nắng vàng cho rễ bền, thân chắc, lá xanh và vượt lên mọi sương sa, giá buốt. Ý chí, tinh thần bám trụ của bà con trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành một trong những biểu tượng sức sống mãnh liệt nhất của dân tộc Việt Nam.

Tự hào. Đứng trên đỉnh núi Rồng, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trong gió, trong sương mà lòng thấy xôn xao, chộn rộn lạ thường. Từ đỉnh Lũng Cú - nơi cực Bắc cao vời vợi, nhớ về “mũi chân cái Cà Mau” xa muôn trùng lại càng thêm trọng nghĩa ông cha, quý tình đồng bào và mến yêu Tổ quốc! Bởi máu đào của 87 triệu trái tim Việt đang kết nối mạch sống cho non sông trường tồn bền vững như sơn thạch ngàn năm.

Khao khát. Nước miền xuôi sẽ “ngược” lên vùng cao nguyên đá mỗi ngày đầy hơn để “bể treo trên đá” không khi nào khô cạn. Trường học, lớp học trên núi đá sẽ không còn gió lùa ràn rạt trong những ngày giá rét. Áo blu trắng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các bản làng để “con ma bệnh” đỡ ám ảnh bà con. Và bữa ăn của người già, bát ăn của trẻ nhỏ trên miền biên viễn sẽ ít “mèn mén” hơn!

Hy vọng. Trên đôi mắt, đôi môi của các cô gái người Mông, người Lô Lô, người Dao... sống trên cao nguyên đá không màu phấn son lòe loẹt. Phố cổ Đồng Văn không để ánh đèn cao áp nghênh ngang che khuất những đèn lồng lóng lánh đêm đêm. Chợ phiên Mèo Vạc không còn những âm thanh nỉ non phát ra từ những loa âm thanh điện tử. Và món đặc sản “Thắng cố” không có quá nhiều gia vị của xã hội tiêu dùng hiện đại. Để “hồn” Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành niềm thương nỗi nhớ cho tất cả những ai đã từng đặt chân trên địa danh này.

Ngẫm ngợi. Rừng đá Đồng Văn giờ đây không còn riêng của tỉnh Hà Giang, của Việt Nam, mà đã trở thành một phần sở hữu của Mạng lưới Công viên di sản địa chất toàn cầu. Vậy nên, để rừng đá ngày càng có sức sống sung mãn và cất lên lời mời du khách khắp năm châu bốn biển đến tham quan, thưởng ngoạn, hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu thiên nhiên, tình yêu di sản, tình yêu đồng loại cho mỗi người dân Việt, mà trước hết là người dân Hà Giang. Tôi tin, nếu luôn bền lòng sưởi ấm những tình yêu ấy, Cao nguyên đá Đồng Văn nhất định sẽ làm đẹp, làm giàu, làm sang cho mảnh đất, con người, văn hóa Hà Giang và Tổ quốc Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Hải