|
Tác phẩm “Hoàng hôn buôn làng” đã đến với Pa-ri |
Đến Kon Tum, nếu không muốn tốn công mất sức để tìm hiểu về cuộc sống, con người và phong cảnh nơi cực Bắc Tây Nguyên này, du khách có thể tìm đến với phòng tranh A Yik. Ngôi nhà nhỏ đồng thời cũng là không gian dùng để sáng tác tranh của anh nằm trên trục đường Hùng Vương, thuộc làng Plêi Tơ Ngia, phường Quang Trung, thị xã Kon Tum.
Năng khiếu bẩm sinh
Sinh ra trong gia đình làm nương rẫy, A Yik là một cậu bé thông minh và có năng khiếu bẩm sinh về hội họa. 6 tuổi, anh đã đam mê vẽ tranh và bắt đầu học vẽ. A Yik kể: Hồi đó gia đình anh rất nghèo. Tuổi thơ của anh cũng thật cực nhọc, một buổi cắp sách đến trường, buổi còn lại anh phải ra đồng thay bố mẹ chăn bò. Vất vả là thế, nhưng anh vẫn chăm chỉ học tập và học rất giỏi. Riêng môn Mỹ thuật đối với anh lúc nào cũng đạt điểm 9 và 10. Với năng khiếu có sẵn, trong những lần cùng bạn bè đi chăn bò trên nương rẫy, anh không tham gia chơi các trò chơi khác với bạn bè, mà dành toàn bộ thời gian cho việc vẽ tranh. Bất kỳ chỗ nào với anh cũng có thể biến thành nơi để vẽ. Vẽ xuống đất, vẽ lên vách tường ở những ngôi nhà đã bỏ hoang, vẽ lên những viên gạch đổ nát v.v. gặp bất cứ ở chỗ nào anh cũng vẽ. Nhìn thấy vật gì quanh mình, trong đầu óc tưởng tượng cái gì, anh vẽ ngay cái đó. Đặc biệt là những ngày Tây Nguyên chưa được giải phóng, chiến tranh và máu lửa ở Kon Tum đang liên tiếp xảy ra, mảng đề tài ấy đã được anh kịp thời phản ảnh vào tác phẩm của mình, kịp thời ghi lại cho mọi người chiêm ngưỡng...
Năm 1972, do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn thiếu thốn, mấy sào nương rẫy trồng sắn, trồng bắp không đủ lương thực phục vụ gia đình, A Yik phải nghỉ học giữa chừng khi đang cuối lớp 7 để làm thuê kiếm tiền sinh sống. Tuy vậy, anh vẫn ngày đêm say sưa vẽ tranh, sáng tác những tác phẩm phản ảnh về những gì xảy ra quanh mình trong cuộc sống hằng ngày.
Giới thiệu Tây Nguyên bằng cọ!
Nét nổi bật hiếm thấy ở A Yik là, tuy không được đào tạo qua một lớp mỹ thuật nào, nhưng những nét cọ của anh vẫn bay bổng, ẩn chứa những nét đặc trưng của vùng cực Bắc Tây Nguyên này.
Tranh của anh chủ yếu phản ảnh về phong cảnh, cuộc sống và mọi sinh hoạt của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Những năm trước, anh vẽ tranh chỉ theo niềm đam mê và sở thích. Đam mê đến nỗi, nhà nghèo không có tiền mua cọ anh đã lấy đuôi chó để làm cọ vẽ. Những tác phẩm sáng tác xong, anh lại xếp ngay ngắn trong phòng riêng của mình. Nhưng kể từ năm 1995 trở lại đây, anh mới bắt tay vào kinh doanh, vẽ tranh đem bán để kiếm tiền giúp gia đình. Hiện nay, anh vẽ tranh theo yêu cầu đặt hàng của khách và trí tưởng tượng của mình, thấy gì, nghĩ gì là anh có thể vẽ cái đó. Mỗi bức tranh anh vẽ ẩn chứa nét đặc trưng khác biệt của riêng anh. Ghé thăm phòng tranh của A Yik, được “mục sở thị” qua hàng trăm bức tranh của anh như: “Hoàng hôn buôn làng”, “Xe sợi”, “Lễ hội đâm Trâu”, “Nghe già kể chuyện” v.v. đã gây được sự chú ý của chúng tôi cũng như của mọi người. Trong đó, tác phẩm “Xe sợi” đã đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật nhiếp ảnh Tây Nguyên lần thứ nhất 2005 tại Hà Nội, một cuộc Triển lãm do Bộ Văn hóa-Thông tin tổ chức từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 8 năm 2005. Tháng 8 năm 2006 anh lại tiếp tục gửi tranh đi tham gia triển lãm tranh khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở Quảng Nam.
Tranh của A Yik không chỉ đoạt giải ở triển lãm tranh khu vực, không chỉ bày bán ở thị trường mà những bức tranh ấy còn góp phần giới thiệu cho du khách thập phương về cảnh vật, cuộc sống, sinh hoạt và những nét đặc trưng ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đã có nhiều khách hàng là Việt kiều từ Pháp và các nước Tây Âu đến đặt mua và mang về trời Âu. A Yik bảo: “Tranh của mình vẽ được cái nào, khách hàng đến mua cái ấy, mỗi bức trị giá từ 600 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Rất nhiều người đã đến đặt hàng cho mình vẽ theo ý muốn của họ, nhưng ăn khách nhất vẫn là “Hoàng hôn buôn làng”, “Lễ hội đâm Trâu”, “Mừng lúa mới”, trong đó “Hoàng hôn buôn làng” mình đã bán với giá 1,5 triệu đồng cho một Việt kiều tại Pháp…
Xem tranh A Yik, người xem có thể cảm nhận được những nét riêng trong từng tác phẩm của anh. Từ cách pha màu cho đến cách thể hiện ở từng nét vẽ. Có được như vậy cũng nhờ vào sự đam mê, tính sáng tạo của riêng anh. Với màu sắc, anh luôn nghiên cứu tìm cho mình một gam màu khác biệt. Khi đã sáng tạo, phát hiện được gam màu mới, anh lại bỏ công sức ra để pha được mới thôi. Những lúc như vậy, mặc dù mệt nhoài anh vẫn hoàn chỉnh chất liệu để thể hiện được những nét vẽ trong bức tranh…
Có được những kết quả trên là cả một quá trình đam mê và sáng tạo ở người họa sĩ Tây Nguyên A Yik. Với niềm đam mê vẽ tranh, giới thiệu phong cảnh, cuộc sống và con người ở Tây Nguyên với khách du lịch thập phương bằng nét vẽ từ cây cọ, A Yik xứng đáng với danh hiệu Người họa sĩ của buôn làng Tây Nguyên.
TRẦN HOÀI NAM