Khô thế, hạn thế, nắng thế, lạnh thế… nhưng có hai loại hoa nở rất rộ trên Tây Nguyên vào mùa này là dã quỳ và xuyến chi. Xuyến chi thì hầu như có quanh năm, nhưng mùa này là đẹp nhất. Nó mướt và đủ đầy, như gái đến thì, phô hết nhan sắc của mình. Còn với dã quỳ thì đây là mùa ra hoa. Mùa mưa lá tươi tốt để dưỡng, để tích lũy cho mùa khô khát khắc nghiệt này bung hoa, như một cách làm đẹp, một cách an ủi con người trước sự tàn khốc của tự nhiên. Xuyến chi thì trắng tinh khiết, dã quỳ thì vàng. Xuyến chi li ti lấm tấm khiêm nhường lẫn trong cỏ. Dã quỳ vạm vỡ và hiên ngang, ngạo nghễ trong gió trong nắng trong bụi đỏ…

leftcenterrightdel
Hội thi Tạc tượng nhà mồ trong Lễ hội Tây Nguyên. Ảnh: VĂN HẠNH 
Hệ thống lễ Tết cổ truyền của các dân tộc ở Tây Nguyên không theo cách tính của người Kinh, nhưng trùng hợp rất ngẫu nhiên là Tết Nguyên đán lại trùng với mùa lễ hội Tây Nguyên. Người ta đã tính đồng bào Tây Nguyên có rất nhiều loại lễ, bởi họ quan niệm vạn vật hữu linh, nên mọi thứ đều có linh hồn, đều có thần trú ngụ. Mà đã là thần, là Yang thì phải cúng, phải làm lễ. Đời con người cũng thế, từ chào đời là lễ thổi tai cho đến lễ cuối cùng là lễ bỏ mả, tiễn đưa linh hồn chính thức về thế giới A Tâu. Hai cái lễ lớn nhất của người Tây Nguyên là lễ cơm mới (tiếng Gia Rai là sa mơk) và bỏ mả (tiếng Gia Rai là pơ thi).

Ý nghĩa của lễ cơm mới cũng giống như của người Kinh, là mừng mùa gặt, mừng đón lúa về chòi… Việc trước tiên là chuẩn bị cho những ngày lễ hội sẽ kéo dài cả nửa tháng. Váy áo được dệt mới, cồng chiêng được lên dây sửa chữa, được làm lễ hạ chiêng, rượu ghè được ủ dựng kín xung quanh sàn nhà... rồi chọn ngày tốt để làm lễ tuốt những hạt lúa đầu tiên. Lúa được tuốt non về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang. Các cô gái xinh đẹp và khéo tay được giao đảm nhận phần việc này. Những đôi tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm nhưng nhức mùi đòng đòng. Những đôi mắt đen lúng liếng trong lửa, những cặp má ửng hồng trong lửa, những cặp đùi khép mở trong những hoa văn cạp váy tinh xảo và công phu, những câu chuyện rủ rỉ trước lửa. Mà chuyện của tuổi trẻ, loanh quanh thế nào cũng về đề tài tình yêu. Theo tục lệ, các cô gái Tây Nguyên sẽ là người chủ động chọn để bắt các chàng trai làm chồng. Những chàng trai ấy, ngực nở bụng thon, da nâu lẳn chắc đang kỳ cạch ngoài sân nhà rông dựng cây nêu. Việc ai nấy làm nhưng có vẻ những sợi dây thần giao cách cảm khiến họ vẫn ngong ngóng về nhau... Món chủ lực của lễ cơm mới là cốm. Ngoài ra còn cơm, những nồi cơm rất to, thơm phức, trắng ngần với kỹ thuật nấu rất giỏi. Ấy là chỉ mở nắp nồi duy nhất một lần lúc cơm chín, thế mà chục nồi như một, đều tăm tắp, độ dẻo như nhau, độ chín như nhau, mùi thơm như nhau...

Còn bỏ mả lại là cái lễ để kết thúc sự hiện diện của con người trên cõi đời này. Người Tây Nguyên quan niệm chết chưa phải là hết, mà phải là đến lúc bỏ mả mới vĩnh viễn rời xa nhau. Vì thế khi có một người trong nhà mất đi, người ta mang chôn nhưng vẫn… để hở, để hằng ngày người thân vẫn mang thức ăn ra bón cho người chết, vẫn chuyện trò với họ. Đến khi đủ điều kiện, cả kinh tế và sự nguôi ngoai, thì gia đình tổ chức lễ bỏ mả. Việc đầu tiên là phải làm nhà mả (mồ) và một thứ không thể không có là tượng mồ. Không nhiều nghệ nhân làm được việc này. Thường mỗi làng chỉ một vài người, nhưng việc lấy gỗ thì của cả làng. Những cây gỗ nguyên, thường là cà chít rất chắc. Với cái rìu và con dao rựa, nghệ nhân gọt đẽo thành những bức tượng hết sức đẹp, khiến ngay cả các nhà điêu khắc, các họa sĩ đương đại phải trầm trồ thán phục. Nhưng với nghệ nhân, họ làm những bức tượng này để… bỏ, bởi sau đấy thì mọi quan hệ cắt đứt, những bức tượng này sẽ thay người sống đi cùng người chết, mãi mãi trong thế giới của Yang. Sau bỏ mả là những ngôi nhà mồ bị bỏ hoang. Rất nhiều người đã tiếc ngẩn tiếc ngơ khi vào thăm những khu nhà mồ hoang vắng với những bức tượng mê hồn đang hỏng dần kia, nhưng lấy nó về là điều cấm kỵ. Nhà và tượng mồ mới là một phần. Còn phải chuẩn bị rượu, bò, gạo... và chiêng. Thường thì bà con hàng xóm sẽ gùi rượu ghè đến góp. Những chàng trai, cô gái đẹp nhất sẽ tham gia đội chiêng. Chủ nhà chuẩn bị bò, heo, gà và gạo. Đã từng có những lễ bỏ mả kéo dài hàng chục ngày, tiêu tốn hàng mấy trăm ghè rượu, mấy chục con bò, heo các loại…

Chúng tôi đã từng có những cái Tết bỏ phố phường về làng dự pơ thi với bà con khi nghe nói ở làng ấy có pơ thi. Đấy là cái hồi mới lên Tây Nguyên công tác, còn độc thân. Nhưng bây giờ, Tết Nguyên đán đến, bà con cũng ăn Tết như người Kinh. Ấy là một sự giao thoa văn hóa khá thú vị, một phần do quy luật tự nhiên, một phần do nhu cầu cuộc sống hiện đại. Thường vào dịp Tết Nguyên đán, Nhà nước cấp cho mỗi làng một số tiền nhất định. Bà con sẽ tổ chức liên hoan một bữa vào ngày Ba Mươi hoặc Mồng Một Tết. Thường là “đập” một con heo, lớn hơn thì con bò, rượu ghè, cơm ống...

Người Kinh chuẩn bị cho Tết thế nào thì đồng bào Tây Nguyên cũng chuẩn bị cho lễ và hội của mình như thế. Và mùa này đang là mùa lễ hội. Đêm đêm cứ nghe tiếng chiêng là biết làng nào đang có lễ hội. Mùa lễ hội Tây Nguyên trùng với mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi, mùa mà đến bỏ mả cũng toàn múa, hát. Và hạt cốm cứ lừng lên trên môi những thiếu nữ khiến khối chàng trai không ngủ được, phải dậy cầm cây K’ní xuống sàn…

Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG